Trao đổi kinh nghiệm đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng theo Bộ chỉ số của Thanh tra Chính phủ

Thứ hai, 27/03/2023 16:15
(ThanhtraVietNam) - Sáng ngày 27/3/2023, Thanh tra tỉnh Cà Mau tổ chức buổi học tập, trao đổi kinh nghiệm về công tác đánh giá phòng, chống tham nhũng (PCTN) cấp tỉnh theo Bộ chỉ số của Thanh tra Chính phủ và một số nội dung liên quan đến công tác PCTN.

Tiếp Đoàn Thanh tra tỉnh Tây Ninh có ông Huỳnh Việt Ân, Phó Chánh Thanh tra tỉnh và Trưởng các phòng chuyên môn, Chánh Văn phòng, công chức Phòng Thanh tra PCTN, Thanh tra tỉnh tham dự.

Tại buổi làm việc, lãnh đạo Thanh tra tỉnh Cà Mau và Thanh tra tỉnh Tây Ninh đã trao đổi, giới thiệu khái quát về tình hình, đặc điểm hoạt động, cơ cấu tổ chức, đội ngũ công chức cơ quan, những kết quả đạt được trên cơ sở đánh giá công tác PCTN cấp tỉnh năm 2021 (tại Công văn số 145/TTCP-C.IV ngày 16/01/2023 của Thanh tra Chính phủ).

Theo đánh giá về công tác PCTN cấp tỉnh năm 2021, tỉnh Tây Ninh đạt 66,46/100 điểm (giảm 02 điểm so với kết quả tự đánh giá); theo đó có 15 tiêu chí mà tỉnh Tây Ninh tự đánh giá trừ điểm hoặc Thanh tra Chính phủ thẩm định trừ điểm; loại trừ các tiêu chí đã xác định được nguyên nhân do các cơ quan cung cấp, thực hiện còn thiếu sót, còn lại 11 tiêu chí trao đổi trong buổi học tập kinh nghiệm.

leftcenterrightdel

Chánh Thanh tra tỉnh Tây Ninh trao đổi nội dung học tập kinh nghiệm tại Cà Mau. (Ảnh: N.Xinh)

Ngoài ra Thanh tra tỉnh Tây Ninh còn trao đổi, chia sẻ những nội dung khác còn vướng mắc, khó khăn qua tham mưu quản lý Nhà nước về công tác PCTN như khái niệm “không trung thực” vẫn còn nhiều cách hiểu khác nhau giữa Thanh tra tỉnh với Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy.

Theo đó, trong quá trình xác minh, Thanh tra tỉnh đề nghị người được xác minh có báo cáo giải trình, đặc biệt yêu cầu các đối tượng này tự rà soát lại để bổ sung những tài sản, thu nhập còn thiếu để trình bày rõ trong báo cáo; trường hợp qua xác minh nhận thấy đối tượng kê khai, giải trình thiếu thông tin nhưng tự giải trình bổ sung thì xem xét, kiến nghị chỉ kiểm điểm trách nhiệm; trường hợp không giải trình hoặc giải trình không đầy đủ, qua xác minh phát hiện tài sản, thu nhập không được kê khai thì kiến nghị xử lý kỷ luật theo khoản 3 Điều 51 Luật PCTN.

Thanh tra tỉnh Tây Ninh đang kiến nghị Thanh tra Chính phủ giải đáp một số nội dung:

Thứ nhất, khái niệm “không trung thực” trong kê khai, giải trình nguồn gốc tài sản, thu nhập trong Điều 51 Luật Phòng, chống tham nhũng như đã trình bày.

Thứ hai, khái niệm “Công trình xây dựng khác” tại tiểu mục 2.2 mục 2 Phần II Bản kê khai với khái niệm “Vật kiến trúc khác gắn liền với đất” tại tiểu mục 3.3 mục 3 Phần II Bản kê khai hoàn toàn không được chú thích cụ thể về nội hàm để thể hiện sự khác nhau; mặt khác các khái niệm trên không đồng bộ với quy định trong Luật Xây dựng và Luật Đất đai nên không có cơ sở vận dụng thực hiện.

Thứ ba, đối với những cá nhân không thuộc diện kê khai hằng năm, sau khi hoàn thành kê khai lần đầu thì có thể nhiều năm sau đó (giả sử là 05 năm) mới lại thực hiện kê khai bổ sung khi có biến động từ 300 triệu đồng trở lên; như vậy việc thống kê tổng thu nhập giữa hai lần kê khai trong bản kê khai bổ sung là số liệu thu nhập của 05 năm, trên thực tế rất khó để có thể thực hiện.

Thông qua buổi giao lưu, trao đổi học tập kinh nghiệm của 02 tỉnh, rút ra được những kinh nghiệm cách làm hay, hiệu quả trong công tác PCTN theo Bộ Chỉ số của Thanh tra Chính phủ và công tác quản lý nhà nước về PCTN, góp phần nâng cao hiệu quả trong thời gian tới./.

Ngọc Xinh
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra