Tại Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác 6 tháng và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024 của ngành Thanh tra, Chánh Thanh tra Thành phố Hà Nội Trần Đức Hoạt đã chia sẻ về những khó khăn trong thực tế triển khai công tác kê khai, kiểm soát tài sản, thu nhập.
|
|
Toàn cảnh Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác 6 tháng và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024 của ngành Thanh tra. |
Theo đó, năm 2022, Thanh tra Thành phố Hà Nội đã tham mưu Ủy ban nhân dân Thành phố triển khai các hoạt động xác minh tài sản, thu nhập theo kế hoạch. Thực tế cho thấy, Thanh tra Thành phố đã đề nghị tất cả các cơ quan quản lý trong quá trình kiểm tra, xác minh căn cứ vào các tài sản của công dân, ví dụ như đất đai, tiền gửi ngân hàng và chứng khoán. Với cách làm năm 2022, Thanh tra Thành phố cho rằng đây là phương pháp để xác minh và phát hiện cả những tài sản mà người có nghĩa vụ kê khai nhưng không kê khai.
Chánh Thanh tra Thành phố Hà Nội cũng cho biết, năm 2023, cách thực hiện việc kê khai, kiểm soát tài sản, thu nhập đã có một số điều chỉnh. Cụ thể, Thanh tra Thành phố đề nghị các cơ quan quản lý cho ý kiến vào những loại tài sản mà người có nghĩa vụ kê khai phải kê khai. Nguyên tắc này khác hẳn so với năm 2022. “Tuy nhiên chúng tôi cho rằng, phương pháp này mới chỉ là xác minh tính xác thực về nội dung tài sản kê khai, nếu làm theo phương pháp này thì có đúng nguyên tắc và đáp ứng được yêu cầu đúng quy định không?”, Chánh Thanh tra Thành phố Hà Nội chia sẻ.
|
|
Chánh Thanh tra Thành phố Hà Nội Trần Đức Hoạt phát biểu tại điểm cầu Hà Nội. |
Những người có liên quan trong xác minh tài sản, thu nhập
Một trong những đặc thù về xác minh tài sản, thu nhập là có những khó khăn liên quan đến những người có liên quan. Thực tế, người có tài sản thường liên quan đến những người khác như vợ, chồng, con và việc hình thành tài sản có thể qua việc cho tặng, giữ hộ tài sản... Việc xác minh theo quy định là một khâu rất khó khăn do chưa có hướng dẫn cụ thể về các khuôn khổ pháp lý cũng như phương pháp tiếp cận.
Chánh Thanh tra Thành phố Hà Nội cho biết, trong thực tiễn, những người liên quan có thể hợp tác hoặc không hợp tác ở các mức độ khác nhau. Mặt khác, những hạn chế trong khuôn khổ pháp lý cũng khiến việc triển khai rất khó khăn. Đối với những người liên quan như vợ, chồng của người kê khai, tài sản có thể là cá nhân hoặc của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, do đó rất khó để kết thúc việc xác minh.
Để giải quyết triệt để vấn đề này, Chánh Thanh tra Thành phố Hà Nội cho biết sẽ có nhiều cách làm khác nhau, nhưng đôi khi lại dẫn đến vi phạm đối với người tiến hành xác minh. Vì vậy, rất mong nhận được sự quan tâm và chỉ đạo và hướng dẫn thực hiện.
|
|
Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Bùi Ngọc Lam phát biểu tại Hội nghị. |
Về vấn đề này, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Bùi Ngọc Lam khẳng định, khi kiểm tra xác định tài sản phải xác định rõ tính chính xác, trung thực và khách quan của người kê khai. Kiểm soát, kê khai và công khai có một số hướng để thực hiện. Nghị định số 130/2020/NĐ-CP của Chính phủ về việc kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị và Quyết định số 56-QĐ/TW ngày 08/02/2022 của Ban Chấp hành Trung ương về việc ban hành Quy chế phối hợp giữa các cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập đã có những hướng dẫn cụ thể. Đồng thời, Thanh tra Chính phủ đã cùng với một số địa phương tổ chức hội nghị toàn quốc để ghi nhận những ý kiến đóng góp. "Chúng tôi sẽ cụ thể hóa, kể cả việc đề nghị hoàn thiện pháp luật, thể chế liên quan để đảm bảo công khai, minh bạch và dễ thực hiện", Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Bùi Ngọc Lam khẳng định.