Những Quy định (đã được đề cập trong kỳ I bài viết) của Bộ Chính trị về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) được ban hành trong thời gian gần đây tập trung vào kiểm soát quyền lực trong công tác kiểm tra, giám sát thi hành kỷ luật Đảng; hoạt động thanh tra, kiểm toán; hoạt động điều tra, truy tố, xét xử (hoạt động tố tụng), thi hành án; công tác xây dựng pháp luật… là những lĩnh vực thuộc khối nội chính (thanh tra, kiểm toán, tòa án, viện kiểm sát), cũng chính là các cơ quan có chức năng PCTNTC. Điều này cho thấy Đảng ta đặc biệt chú trọng công tác phòng ngừa tham nhũng tại các cơ quan có chức năng PCTNTC vì nếu tại các cơ quan có chức năng phòng ngừa tham nhũng còn xảy ra tham nhũng thì không thể và không bao giờ ngăn chặn, xử lý được tham nhũng trong bộ máy nhà nước.
Quy định 131 của Bộ Chính trị có 4 chương, 11 điều đã đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc kiểm soát quyền lực, PCTNTC trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng và trong hoạt động thanh tra, kiểm toán. Đây là văn bản quan trọng giúp hoàn thiện thể chế cũng như cập nhật, đồng bộ với các quy định mới được ban hành sau Đại hội XIII của Đảng về kiểm soát quyền lực nhằm PCTNTC.
Một trong những nội dung đáng chú ý của Quy định 131 là yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng và người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trong việc điều động, chuyển đổi vị trí công tác cán bộ nhằm ngăn ngừa việc lợi dụng quyền lực để trục lợi hoặc lạm dụng quyền lực trong quá trình bổ nhiệm, điều chuyển nhân sự. Đặc biệt, điểm nhấn của Quy định là việc làm rõ các hành vi tham nhũng, tiêu cực trong công tác kiểm tra, giám sát và thanh tra, bao gồm cả việc lạm dụng quyền lực để trục lợi cá nhân, cũng như những hành vi lạm quyền khác.
Với những điểm mới trong việc làm rõ trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng và người đứng đầu, Quy định 131 là một cơ chế quan trọng giúp ngăn ngừa, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực trong công tác kiểm tra, giám sát và thanh tra; tạo nền tảng vững chắc để các quy định PCTNTC đi vào thực tiễn, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác kiểm tra, giám sát và thanh tra trong thời gian tới.
Tiếp đó, việc ban hành Quy định 132 là một trong những minh chứng cho thấy quyết tâm của Bộ Chính trị trong trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo về PCTNTC, kiểm soát quyền lực nhà nước nói chung, trong lĩnh vực ở hoạt động tố tụng, thi hành án nói riêng. Với 4 chương, 14 điều, Quy định 132 đã nêu rõ nội dung, nguyên tắc, phương thức kiểm soát quyền lực, PCTNTC trong hoạt động tố tụng, thi hành án; chỉ rõ trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức Đảng, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan, nhất là người đứng đầu trong kiểm soát quyền lực, PCTNTC trong hoạt động tố tụng, thi hành án… Mặt khác, còn tạo cơ sở, điều kiện để cấp ủy, tổ chức Đảng, các cơ quan, ban, ngành chức năng và cán bộ, đảng viên, người dân tham gia giám sát các cơ quan, các hoạt động này.
Những người làm công tác tố tụng, thi hành án có thể coi là những người cầm “cán cân công lý” vì ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả tố tụng, thi hành án. Với Quy định này việc kiểm soát quyền lực, PCTNTC trong hoạt động tố tụng, thi hành án chắc chắn sẽ có những chuyển biến tích cực, rõ nét trong thời gian tới.
Các quy định cụ thể, rõ ràng về nguyên tắc, phương thức, nội dung, trách nhiệm kiểm soát quyền lực, PCTNTC trong công tác xây dựng pháp luật của Quy định 178 có ý nghĩa rất quan trọng, tạo cơ sở cho việc xử lý tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, cục bộ trong công tác xây dựng pháp luật, có tá c động tích cực tới việc hoàn thiện thể chế, hệ thống pháp luật nước ta.
Bởi hành vi tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật đặc biệt nguy hiểm. Nếu không bị phát hiện, ngăn chặn kịp thời sẽ gây xung đột lợi ích, phá vỡ tính thống nhất của hệ thống pháp luật, gây phân tán nguồn lực của đất nước, ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân và sâu xa hơn ảnh hưởng đến nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Tin tưởng rằng, với những nội dung cụ thể, chặt chẽ tại Quy định 178, những cơ quan chức năng sẽ không “để lọt” các quy định vì lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ.
Gần đây nhất, Quy định 189 ngày 08/10/2024 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, PCTNTC trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công đã nêu rõ nguyên tắc quyền lực nhà nước trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công phải được kiểm soát chặt chẽ, thống nhất; bảo đảm quyền lực được sử dụng đúng đắn, hiệu quả; mọi hành vi lạm dụng, lợi dụng quyền lực để tham nhũng, tiêu cực phải được ngăn chặn, phát hiện, xử lý nghiêm minh, kịp thời. Kết hợp chặt chẽ, hiệu quả các cơ chế kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực nhà nước của Đảng, Nhà nước và Nhân dân; thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, trách nhiệm giải trình, công khai, minh bạch trong từng cơ quan nhà nước…
Quy định nêu rõ chủ thể, phạm vi, phương thức kiểm soát quyền lực PCTNTC, các hành vi tham nhũng, tiêu cực trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công; trách nhiệm kiểm soát quyền lực, PCTNTC trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công; xử lý vi phạm.
Như vậy, những Quy định nêu trên của Bộ Chính trị đều giải thích rõ nghĩa của từ ngữ mà Quy định hướng đến; liệt kê, nêu tên cụ thể các hành vi tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực; trách nhiệm của cấp uỷ, tổ chức đảng, người đứng đầu, thành viên cấp uỷ, tổ chức đảng cũng như trách nhiệm của lãnh đạo, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan; xử lý vi phạm. Qua đó, cho thấy tầm quan trọng của việc kiểm soát quyền lực trong công tác PCTNTC tại các cơ quan nhà nước nói chung và các cơ quan chức năng trong công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, kiểm soát tài sản thu nhập, thi hành án để nâng cao hơn nữa hiệu quả phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực; kiên quyết không để xảy ra tham nhũng, tiêu cực trong các cơ quan bảo vệ pháp luật, nhất là các cơ quan, đơn vị có chức năng PCTNTC.
Những năm gần đây, Đảng, Nhà nước ta đã tăng cường công tác PCTNTC ngay trong các cơ quan chức năng bảo vệ pháp luật, cơ quan có chức năng PCTNTC. Số liệu khởi tố đối với các vụ án tham nhũng trong hoạt động tư pháp của Cơ quan điều tra Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cho thấy: Năm 2019 đã khởi tố 15 vụ; năm 2020 khởi tố 25 vụ/26 bị can; năm 2021 khởi tố 24 vụ/30 bị can; năm 2022 khởi tố 40 vụ/48 bị can; năm 2023 khởi tố 71 vụ/126 bị can. (Báo cáo số 159/BC-TTCP ngày 31/01/2024 của Thanh tra Chính phủ về kết quả giải quyết và trả lời kiến nghị của cử tri gửi trước kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV)
|