Chỉ số Chi phí không chính thức giảm cả điểm và xếp hạng
Kết quả khảo sát điều tra PCI năm 2022 cho thấy cộng đồng doanh nghiệp của tỉnh đánh giá cao việc cán bộ đăng ký doanh nghiệp tại bộ phận một cửa hướng dẫn đầy đủ, rõ ràng, thái độ phục vụ nhiệt tình, thân thiện, am hiểu về chuyên môn (có 7/19 chỉ tiêu cơ sở của Chỉ số Gia nhập thị trường xếp hạng thứ 01/63). Không có bất cứ doanh nghiệp nào phải chờ hơn một tháng để hoàn thành tất cả các thủ tục đăng ký doanh nghiệp để chính thức hoạt động.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp đánh giá chưa cao về mức độ thuận lợi khi thực hiện các thủ tục liên quan đến các loại giấy phép kinh doanh có điều kiện. Tỷ lệ doanh nghiệp cho rằng quy trình giải quyết thủ tục cấp phép kinh doanh có điều kiện là không đúng như văn bản quy định và gặp khó khăn khi thực hiện thủ tục này đã tăng với năm 2021. Các chỉ tiêu liên quan đến cấp giấy phép kinh doanh có điều kiện đã được bổ sung vào bộ chỉ tiêu của PCI từ năm 2021. Lĩnh vực này được Chính phủ quan tâm, nhấn mạnh trong Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030. Điều này đòi hỏi hệ thống chính quyền các cấp của tỉnh cần phải nỗ lực hơn nữa để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi, đơn giản hoá các thủ tục, tiết kiệm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp để hoàn tất các giấy phép kinh doanh có điều kiện trước khi đi vào hoạt động.
|
|
Nam Định cần cải thiện chỉ số PCI để tạo lập môi trường kinh doanh lành mạnh cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Ảnh: www.namdinh.gso.gov.vn |
Chỉ số Tính minh bạch năm 2022 đã cải thiện về điểm số và thứ hạng so với năm 2021. Tuy nhiên, mức độ cải thiện chưa rõ rệt, có 7/17 chỉ tiêu cải thiện và 10/17 chỉ tiêu chưa được cải thiện về điểm số. Các thông tin, văn bản yêu cầu của doanh nghiệp đã được các cấp ngành phản hồi kịp thời, nhưng tỷ lệ doanh nghiệp nhận được thông tin phản hồi của các cơ quan trong tỉnh còn ở mức thấp. Tài liệu quy hoạch, tài liệu pháp lý và các tài liệu khác của tỉnh công khai giúp doanh nghiệp tiếp cận dễ dàng hơn. Tỷ lệ doanh nghiệp cho rằng cần có “mối quan hệ” để có được các tài liệu của tỉnh giảm 33,12% so với năm 2021, tăng 20 bậc, xếp hạng 18/63.
Bên cạnh đó, Kết quả khảo sát PCI năm 2022 cho thấy thực trạng chi phí thời gian của các doanh nghiệp khi đầu tư sản xuất kinh doanh tại tỉnh vẫn chưa có sự chuyển biến, sụt giảm 19 bậc so với năm 2021. Có 5/7 chỉ tiêu đã cải thiện về điểm số, tuy nhiên mức cải thiện chưa nhiều so với cả nước nên xếp hạng vẫn bị giảm bậc.
Năm 2022, Doanh nghiệp cũng đã ghi nhận hiệu quả đáng kể của việc thực hiện thủ tục hành chính trực tuyến làm giảm chi phí và thời gian cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, tỷ lệ doanh nghiệp cho rằng cán bộ nhà nước giải quyết công việc hiệu quả và thân thiện đều giảm. Bên cạnh đó, thời gian doanh nghiệp phải làm việc với thanh tra, kiểm tra thuế còn nhiều gấp 2,67 lần thời gian trung bình của cả nước. Vì vậy, trong thời gian tới cần tiếp tục chấn chỉnh công tác thanh, kiểm tra doanh nghiệp theo đúng tinh thần Chỉ thị số 20/CT-TTg; Chỉ thị số 07/CT-UBND; đồng thời, tăng cường công tác giám sát, đánh giá chất lượng đội ngũ cán bộ làm việc tại các bộ phận thường xuyên tiếp xúc với người dân và doanh nghiệp.
Đáng chú ý, Chỉ số CPKCT năm 2022 của tỉnh Nam Định đạt 6,93 điểm, giảm 0,69 điểm so với năm 2021, giảm 25 bậc, xếp hạng 36/63. Số lượng các doanh nghiệp đã phải chi trả hơn 10% doanh thu cho các loại CPKCT đã tăng so với năm 2021 và giảm đáng kể về xếp hạng. Sự suy giảm điểm số và xếp hạng của chỉ số CPKCT là do một số nguyên nhân như sau:
Tỷ lệ các các doanh nghiệp phải chi trả CPKCT cho bộ phận thanh tra, kiểm tra nói chung; chi trả CPKCT khi thực hiện thủ tục cấp các giấy phép kinh doanh có điều kiện đã giảm. Tuy nhiên, mức giảm chưa nhiều so với cả nước nên các chỉ tiêu này vẫn bị sụt giảm về xếp hạng.
Tỷ lệ doanh nghiệp của tỉnh phải trả CPKCT cho cán bộ thanh, kiểm tra ở một số lĩnh vực vẫn còn khá cao như: môi trường (38,46%, xếp hạng 45/63); xây dựng (85,71%, xếp hạng 41/63); thuế (73,49%, xếp hạng 52/63); phòng cháy chữa cháy (46,15%, xếp hạng 56/63). Tỷ lệ doanh nghiệp cho rằng Chi trả " hoa hồng" là cần thiết để có cơ hội thắng thầu cũng đã tăng so với năm 2021.
Xử lý nghiêm các hành vi nhũng nhiễu
Nhìn chung, lãnh đạo tỉnh Nam Định đã chủ động chỉ đạo triển khai các biện pháp khắc phục hậu quả, khôi phục kinh tế địa phương. Cùng với đó, công tác điều hành, chỉ đạo các cấp, các ngành căn cứ kết quả điều tra PCI năm 2021, tiến hành kiểm điểm phân tích, đánh giá những kết quả đã đạt được; làm rõ nguyên nhân, tồn tại, hạn chế của những chỉ tiêu không đạt so với kế hoạch đề ra. Từ đó, đưa ra giải pháp để cải thiện các chỉ số được giao, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp đầu tư sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh những kết quả đã đạt được thì vẫn còn nhiều tồn tại, bất cập ảnh hưởng đến chỉ số PCI năm 2022 và xếp hạng của tỉnh bị giảm. Do đó, trong thời gian tới, tỉnh Nam Định cần phải thực hiện một số giải pháp sau:
Một là, nâng cao nhận thức, trách nhiệm và chất lượng cán bộ, công chức làm việc tại bộ phận một cửa, đội ngũ cán bộ, công chức trực tiếp tiếp xúc với doanh nghiệp. Thực hiện nghiêm quy chế làm việc; tăng cường kỷ luật, kỷ cương công vụ, nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị. Kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi sách nhiễu, gây phiền hà khi giải quyết công việc liên quan đến người dân, doanh nghiệp, kiên quyết thay thế những người không đủ năng lực, trình độ và phẩm chất.
Tăng cường cơ chế giám sát và xử lý nghiêm hành vi nhũng nhiễu, đòi hỏi các khoản chi phí không chính thức từ doanh nghiệp đặc biệt trong lĩnh vực thanh kiểm tra, giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) cấp giấy phép về điều kiện kinh doanh.
Hai là, nâng cao chất lượng đối thoại giữa chính quyền tỉnh với doanh nghiệp; đồng thời, phát huy hiệu quả của đường dây nóng, hỏi đáp trực tuyến trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh để tiếp nhận và nhanh chóng xử lý các vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp. Rút ngắn thời gian phản hồi các thông tin, văn bản yêu cầu thắc mắc từ phía doanh nghiệp, góp phần tạo sự minh bạch hơn trong môi trường kinh doanh trên địa bàn tỉnh.
Ba là, xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp khi thực hiện các TTHC với cơ quan nhà nước; làm tốt việc hỗ trợ, tư vấn cho doanh nghiệp trong và ngoài nước khi tìm hiểu đầu tư vào tỉnh. Tiếp tục thực hiện tốt việc gửi, nhận văn bản điện tử có ký số trên trục liên thông văn bản quốc gia; giải quyết TTHC trên cổng cung cấp dịch vụ công trực tuyến tỉnh Nam Định. Đầu tư, nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhà nước./.