Xử lý nghiêm minh những vi phạm có tính chất thách thức dư luận xã hội

Thứ năm, 31/03/2022 21:03
Uỷ viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng nhấn mạnh: Những vi phạm có tính chất thách thức đối với đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, thách thức dư luận xã hội cần xử lý nghiêm minh và kịp thời. Dẫn chứng là 3 vụ việc gần đây: nhóm "báo sạch", vụ bà Nguyễn Phương Hằng và vụ thao túng thị trường chứng khoán.
leftcenterrightdel
Uỷ viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Phương Hoa

Từng bước hình thành cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để “không thể tham nhũng”

Ngày 31.3, Ban Nội chính Trung ương tổ chức Hội nghị trực tuyến sơ kết 7 năm thực hiện Quy chế phối hợp giữa Ban Nội chính Trung ương với Đảng ủy Công an Trung ương, Ban cán sự đảng Tòa án nhân dân tối cao, Ban cán sự Đảng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao. 

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng - Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (Ban Chỉ đạo) nhấn mạnh, thời gian qua, bốn cơ quan đã phối hợp tham mưu Bộ Chính trị, Ban Bí thư lãnh đạo, chỉ đạo xử lý kịp thời các vụ án, vụ việc có liên quan đến chính trị, đối ngoại; những vấn đề liên quan đến an ninh tôn giáo, dân tộc; khiếu kiện đông người, phức tạp, kéo dài, bắt giữ người trái pháp luật; các vụ việc tụ tập đông người, biểu tình, gây rối, nhằm âm mưu gây bạo loạn, lật đổ của các thế lực thù địch... góp phần quan trọng giữ vững ổn định chính trị - xã hội, đảm bảo an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội của đất nước. 

Qua 7 năm thực hiện Quy chế, các cơ quan đã phối hợp nghiên cứu, tham mưu Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ ban hành gần 200 nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực nội chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và cải cách tư pháp; phối hợp tham mưu xây dựng, ban hành các chủ trương, chính sách lớn về đảm bảo an ninh quốc gia; về xây dựng và hoàn thiện chính sách, pháp luật hình sự, dân sự, tố tụng tư pháp... tạo cơ sở chính trị - pháp lý siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng và bộ máy Nhà nước, xử lý vi phạm và tội phạm; từng bước hình thành cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để “không thể tham nhũng”.

leftcenterrightdel
Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Phương Hoa

Bên cạnh những kết quả này, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng lưu ý vẫn còn những hạn chế. Việc phối hợp, tham mưu chỉ đạo xử lý một số vụ án, vụ việc còn chậm so với kế hoạch của Ban Chỉ đạo... Bốn cơ quan cần nhìn thẳng vào những tồn tại, hạn chế, đề ra các giải pháp khắc phục, nâng cao hơn nữa hiệu quả phối hợp trong thời gian tới.

Không chịu sức ép của bất cứ tổ chức, cá nhân nào

Nhắc tới một số nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng nhấn mạnh các cơ quan cần tăng cường, nâng cao hơn nữa hiệu quả phối hợp trong công tác nghiên cứu, tham mưu các chủ trương, quan điểm, định hướng lớn của Đảng về lĩnh vực nội chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và cải cách tư pháp; các chủ trương, giải pháp về bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội; đấu tranh phòng, chống tội phạm. 

Các cơ quan tiếp tục tăng cường phối hợp, tham mưu chỉ đạo đẩy mạnh công tác phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án. Phát hiện sớm, xử lý kịp thời, nghiêm minh các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực. Phối hợp chặt chẽ hơn nữa trong tham mưu, chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý dứt điểm các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, nhất là các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo.

Việc này thực hiện theo đúng chỉ đạo của Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo “Có vụ việc thì phải xác minh làm rõ; tích cực, khẩn trương, rõ đến đâu xử lý đến đó; có dấu hiệu phạm tội phải khởi tố, điều tra; kết luận có tội phải truy tố, xét xử theo quy định của pháp luật”; và “không có vùng cấm, không có đặc quyền, không có ngoại lệ, không chịu sức ép của bất cứ tổ chức, cá nhân nào”.

Thường trực Ban Bí thư nhấn mạnh, những vi phạm có tính chất thách thức đối với đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, thách thức dư luận xã hội cần xử lý nghiêm minh và kịp thời. Một số vụ việc cần đẩy mạnh hơn, nhất là các vụ việc mà dư luận xã hội quan tâm, liên quan tới nhiều người, đặc biệt là lãnh đạo chủ chốt, đã có chỉ đạo, phải khẩn trương giải quyết. 

Dẫn chứng 3 vụ việc xử lý vừa qua có tác dụng xã hội tốt đó là vụ xử lý nhóm "báo sạch", gần đây là xử lý vụ bà Nguyễn Phương Hằng và mới đây là vụ thao túng thị trường chứng khoán, Thường trực Ban Bí thư nêu rõ đây là ba vụ sai phạm có tính chất thách thức đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước; những xử lý đó là nghiêm minh, kịp thời. Các cơ quan phối hợp tham mưu có hiệu quả cơ chế phối hợp trong phát hiện, xử lý sai phạm trong quá trình kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng ngay trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử.

Thường trực Ban Bí thư cũng yêu cầu các cơ quan cần chủ động phối hợp, tham mưu chỉ đạo xử lý kịp thời các vụ án, vụ việc có liên quan đến chính trị, đối ngoại, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm theo đúng Chỉ thị số 26-CT/TW của Bộ Chính trị và Hướng dẫn 04-HD/TW của Ban Bí thư.

Phối hợp tham mưu chỉ đạo giải quyết kịp thời các vấn đề phức tạp, nổi lên về an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, nhất là về an ninh biên giới, an ninh trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, an ninh tôn giáo, an ninh nông thôn; hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động; hoạt động của các loại tội phạm nguy hiểm; những bức xúc, khiếu kiện đông người kéo dài, phức tạp... không để phát sinh “điểm nóng”, bị động, bất ngờ. 

Phát biểu kết thúc Hội nghị, ông Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, nhấn mạnh: Phát biểu của Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng đã đánh giá sâu sắc, toàn diện những kết quả đạt được, chỉ rõ những tồn tại, hạn chế và định hướng những nhiệm vụ, giải pháp quan trọng về công tác phối hợp của bốn cơ quan trong thời gian tới, nhất là là phải nêu cao trách nhiệm, thực sự trong sáng, chân thành, thấu hiểu, tin tưởng lẫn nhau, chia sẻ thông tin và hỗ trợ, giúp đỡ nhau trong thực hiện nhiệm vụ được Đảng và Nhà nước giao.

Theo Vương Trần/Laodong.vn

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra