Chính phủ ban hành Nghị định số 62/2025/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Luật Điện lực về bảo vệ công trình điện lực và an toàn trong lĩnh vực điện lực.
Bảo vệ công trình điện lực: Những điều không được làm
Nghị định quy định các cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm thông báo kịp thời cho cơ quan quản lý nhà nước, đơn vị điện lực khi phát hiện hành vi trộm cắp hoặc tháo gỡ dây néo, dây tiếp địa, trang thiết bị của lưới điện, trèo lên cột điện, vào trạm điện hoặc khu vực bảo vệ an toàn công trình điện khi không có nhiệm vụ.
Không sử dụng công trình điện lực vào những mục đích khác khi chưa được sự thỏa thuận của đơn vị quản lý công trình điện lực.
Không lắp đặt ăng ten thu phát sóng, dây phơi, giàn giáo, nhà lồng, nhà lưới, biển, hộp đèn quảng cáo và các vật dụng khác tại các vị trí mà khi bị đổ, rơi, văng, rung lắc gây hư hỏng, sự cố công trình điện lực.
Tổ chức, cá nhân không đào đất, chất tải hoặc hoạt động gây sụt lún hoặc có nguy cơ gây sạt lở, lún sụt công trình lưới điện, trạm điện; không đốt nương rẫy, rác thải, vật liệu, sử dụng các phương tiện thi công gây chấn động hoặc có khả năng làm hư hỏng, sự cố công trình điện lực; không bắn, quăng, ném bất kỳ vật gì lên đường dây điện, trạm điện và các công trình điện lực khác.
Không thực hiện nổ mìn, mở mỏ; xếp, chứa các chất dễ cháy nổ, các chất hóa học có khả năng gây ăn mòn hoặc có khả năng làm cháy, gây hư hỏng các bộ phận của công trình điện lực.
Phương tiện bay được cấp phép phải bảo đảm khoảng cách an toàn đối với công trình điện lực, không được phép bay vào phạm vi 500 m tính từ mép ngoài công trình lưới điện cao áp, siêu cao áp trên không hoặc 100 m tính từ mép ngoài công trình lưới điện trên không trung áp ra các phía xung quanh, trừ trường hợp phương tiện bay làm nhiệm vụ quản lý, bảo dưỡng, sửa chữa đường dây điện được phép theo quy định.
Cùng với việc bảo vệ công trình điện lực, Nghị định còn quy định rõ việc bảo vệ an toàn đường dây dẫn điện trên không điện áp cao; bảo vệ an toàn đường cáp điện ngầm; bảo vệ an toàn trạm điện; bảo vệ an toàn nhà máy phát điện và công trình điện lực khác...
    |
 |
Ảnh minh họa, nguồn: chinhphu.vn |
Điều kiện để được ở trong, gần hành lang bảo vệ an toàn đường dây dẫn điện
Nhà ở, công trình xây dựng tồn tại trong hành lang bảo vệ an toàn đường dây dẫn điện trên không có điện áp đến 220 kV phải có mái lợp và tường bao làm bằng vật liệu không cháy và bảo đảm kết cấu an toàn xây dựng; không gây cản trở đường ra vào để kiểm tra, bảo dưỡng, sửa chữa và thay thế các bộ phận công trình lưới điện; khoảng cách từ bất kỳ bộ phận nào của nhà ở, công trình đến dây dẫn điện gần nhất khi dây ở trạng thái võng cực đại không nhỏ hơn khoảng cách an toàn (trên 01 kV đến 35 kV: 3m, 110 kV: 4m, 220 kV: 6m).
Đối với đường dây dẫn điện trên không có điện áp 220 kV, ngoài đáp ứng các điều kiện quy định trên còn phải đáp ứng yêu cường độ điện trường nhỏ hơn 5 kV/m tại điểm bất kỳ ở ngoài nhà cách mặt đất 01 m và nhỏ hơn hoặc bằng 1 kV/m tại điểm bất kỳ ở bên trong nhà cách mặt đất 01 m; các kết cấu kim loại của công trình phải được nối đất phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng.
Trong khi đó, nhà ở, công trình có người sinh sống và làm việc gần hành lang bảo vệ an toàn đường dây dẫn điện trên không có cấp điện áp từ 500 kV trở lên phải bảo đảm cường độ điện trường nhỏ hơn 5 kV/m và các kết cấu kim loại của công trình phải được nối đất phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng.
Các trường hợp được bồi thường, hỗ trợ
Theo quy định của Nghị định, nhà ở, công trình phục vụ sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân không phải di dời ra khỏi hành lang bảo vệ an toàn đường dây dẫn điện áp cao trên không điện áp đến 220 kV nêu trên thì tổ chức, cá nhân sở hữu nhà ở, công trình phục vụ sinh hoạt được bồi thường, hỗ trợ do làm hạn chế khả năng sử dụng và ảnh hưởng trong sinh hoạt.
Việc bồi thường, hỗ trợ được thực hiện 01 lần như sau:
- Nhà ở, công trình phục vụ sinh hoạt có một phần hoặc toàn bộ diện tích nằm trong hành lang bảo vệ an toàn đường dây dẫn điện áp cao trên không, được xây dựng trên đất đủ điều kiện bồi thường về đất theo quy định của pháp luật về đất đai trước ngày có thông báo thu hồi đất của cơ quan có thẩm quyền thì chủ sở hữu nhà ở, công trình phục vụ sinh hoạt được bồi thường, hỗ trợ phần diện tích trong hành lang bảo vệ an toàn đường dây dẫn điện áp cao trên không. Mức bồi thường, hỗ trợ cụ thể do UBND cấp tỉnh căn cứ tình hình thực tế tại địa phương quy định.
- Trường hợp nhà ở, công trình phục vụ sinh hoạt được xây dựng trên đất không đủ điều kiện được bồi thường về đất theo quy định của pháp luật về đất đai, UBND cấp tỉnh xem xét, hỗ trợ dựa trên điều kiện thực tế của từng địa phương.
- Nhà, công trình tồn tại trong hành lang nhưng chưa đáp ứng điều kiện quy định tại trường hợp đầu tiên thì UBND cấp tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng xem xét hỗ trợ cải tạo.
- Trường hợp nhà ở, công trình không thể cải tạo được để đáp ứng điều kiện theo quy định, mà phải dỡ bỏ hoặc di dời thì chủ sở hữu nhà ở, công trình được bồi thường, hỗ trợ theo quy định của pháp luật về đất đai.
Ngoài ra, Nghị định còn quy định trường hợp nhà ở, công trình phục vụ sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân nằm gần hành lang bảo vệ an toàn và giữa hai đường dây dẫn điện trên không điện áp 500 kV, có khoảng cách theo phương nằm ngang giữa hai dây dẫn pha ngoài cùng gần nhất của hai đường dây nhỏ hơn hoặc bằng 60m.../.