Cụ thể hoá kế hoạch phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trên địa bàn huyện Thạnh Trị, tỉnh Sóc Trăng thời gian qua đã từng bước đạt nhiều kết quả tích cực. Cụ thể, công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục, pháp luật về phòng, chống tham nhũng được duy trì thường xuyên. Ủy ban nhân dân huyện kịp thời ban hành văn bản chỉ đạo về công tác phòng, chống tham nhũng để các cơ quan, đơn vị, địa phương cụ thể hóa và triển khai thực hiện. Công tác kiểm soát tài sản, thu nhập và tự đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng được Huyện ủy, Ủy ban nhân dân huyện đặc biệt quan tâm chỉ đạo, từ đó chất lượng, hiệu quả và tiến độ thực hiện đạt yêu cầu.
Đồng thời, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương đã quan tâm chỉ đạo thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng tại cơ quan, đơn vị, đặc biệt là 26/26 cơ quan, đơn vị đều cụ thể hoá kế hoạch phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của huyện để triển khai thực hiện tại cơ quan, đơn vị mình. Với những kết quả trên đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng.
Hiện nay, các ban, phòng, ngành huyện, Uỷ ban nhân dân các xã, thị trấn tham gia kết nối vào hệ thống mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng, Nhà nước kết nối liên thông đến các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân huyện và ứng dụng các phần mềm quản lý văn bản điện tử, chữ ký số, phần mềm bảo hiểm xã hội, phần mềm quản lý, sử dụng tài sản, phần mềm kế toán,... để nâng cao hiệu quả, chất lượng trong quản lý công việc và ứng dụng công nghệ thông tin, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động, điều hành của cơ quan, tổ chức, đơn vị, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ được Huyện ủy, Ủy ban nhân dân huyện giao.
Địa bàn huyện hiện nay có 100% các cơ quan, đơn vị thực hiện việc trả lương qua tài khoản. Ngoài ra, đối với các khoản chi như: Bảo hiểm, công đoàn, dịch vụ bưu chính, tiền điện, nước... cũng được các cơ quan, đơn vị thanh quyết toán bằng hình thức chuyển khoản qua tài khoản ngân hàng nhằm hạn chế sử dụng tiền mặt, góp phần trong công tác phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực.
|
|
Huyện Thạnh Trị, tỉnh Sóc Trăng (ảnh: Baogiaothong.vn) |
Thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp phòng, ngừa tham nhũng
Bên cạnh kết quả đạt được, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trên địa bàn huyện vẫn còn một số hạn chế. Cụ thể, việc chuyển đổi vị trí công tác của công chức, viên chức trên địa bàn huyện vẫn còn chậm; công tác tự kiểm tra, giám sát của cơ quan, đơn vị chưa được thường xuyên; một số ít cán bộ, công chức, viên chức còn bộc lộ một số hạn chế về kỹ năng giao tiếp, ứng xử trong giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp làm ảnh hưởng đến sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp.
Nguyên nhân được xác định là do thủ trưởng một số cơ quan, đơn vị chưa thật sự quan tâm đến công tác phòng, chống tham nhũng; chưa thường xuyên kiểm tra, giám sát cán bộ, công chức, viên chức trong thực hiện nhiệm vụ, đặc biệt là những lĩnh vực nhạy cảm, dễ xảy ra tiêu cực; một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức chưa chấp hành nghiêm quy định về văn hóa công vụ, quy tắc ứng xử đạo đức nghề nghiệp, từ đó còn xảy ra tình trạng thiếu chuẩn mực khi giao tiếp.
Ủy ban nhân dân huyện Thạnh Trị cho biết, trong những tháng cuối năm, huyện sẽ tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 và các Nghị định hướng dẫn thi hành gắn với với thực hiện Kết luận số 01-KL/TW ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và Quyết định số 205- QĐ/TW ngày 23/9/2019 của Ban chấp hành Trung ương quy định về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền. Chú trọng đổi mới hình thức, cách thức và nội dung tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống tham nhũng phù hợp với tình hình thực tế của từng cơ quan, đơn vị, địa phương.
Mặt khác, chỉ đạo các cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương tiếp tục thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp phòng, ngừa tham nhũng như: công khai các thủ tục hành chính; thực hiện tốt chế độ tự chủ về tài chính; quy tắc ứng xử, đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức; kê khai tài sản, thu nhập; tăng cường áp dụng khoa học công nghệ trong hoạt động quản lý và điều hành. Tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, thực hiện tốt việc giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử.
Tăng cường công tác kiểm tra ở một số lĩnh vực, ngành nhạy cảm, có dư luận phản ánh về tham nhũng, tiêu cực. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng trong việc trao đổi, cung cấp thông tin về các hành vi tham nhũng và chuyển cơ quan điều tra các vụ việc có dấu hiệu tham nhũng. Tăng cường hoạt động giám sát của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp huyện, cấp xã và nhân dân trong việc phát hiện, phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng trong hoạt động công vụ của cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn huyện nhất là việc thực hiện Chỉ thị số 10/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc. Kiên quyết xử lý nghiêm, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phiên hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc, nhất là tình trạng “tham nhũng vặt” theo quy định.
Đồng thời, thực hiện tốt công tác tiếp công dân, tập trung giải quyết khiếu nại, tố cáo, đặc biệt là tố cáo liên quan đến tham nhũng, tiêu cực. Quan tâm, chỉ đạo kiểm điểm, xử lý nghiêm theo quy định đối với sai phạm phát hiện qua giải quyết khiếu nại, tố cáo; chú trọng công tác tự kiểm tra nội bộ phát hiện tham nhũng, tiêu cực trong cơ quan, tổ chức, đơn vị./.