Báo cáo về tham nhũng ở New Zealand: Đề xuất thay đổi quy định vận động hành lang và tài trợ chính trị

Thứ sáu, 13/09/2024 12:05
(ThanhtraVietNam) - Một báo cáo vừa được công bố tại New Zealand đã đưa ra 26 khuyến nghị nhằm nâng cao tính minh bạch. Những đề xuất này bao gồm điều chỉnh quy định vận động hành lang, tài trợ chính trị và cải tiến Luật Thông tin chính thức.

Một báo cáo về tình trạng tham nhũng ở New Zealand đã làm dấy lên nhiều câu hỏi về tính minh bạch của hệ thống chính trị quốc gia New Zealand. Báo cáo đề xuất cần có những thay đổi mạnh mẽ đối với quy định về vận động hành lang, quyên góp tài trợ cho các đảng phái chính trị và các luật liên quan đến việc tiếp cận thông tin chính thức.

Báo cáo có tựa đề “Shining a Light”, được ủy quyền bởi Quỹ Helen Clark - một tổ chức nghiên cứu chính sách công, đã nêu ra 26 khuyến nghị chính sách nhằm khôi phục niềm tin của công chúng vào sự liêm chính của khu vực công và giảm thiểu nguy cơ ảnh hưởng bởi các cá nhân và doanh nghiệp có thế lực.

Đáng chú ý, New Zealand đang chứng kiến sự suy giảm trong các bảng xếp hạng như Chỉ số Nhận thức Tham nhũng (Corruption Perceptions Index), làm dấy lên lo ngại về vấn đề tham nhũng trong nước.

leftcenterrightdel
 New Zealand (nguồn: pixabay.com)

Một trong những điểm nổi bật của báo cáo là việc tán thành các khuyến nghị của Liên minh Y tế Aotearoa được công bố trong ấn phẩm hồi tháng 5/2024 liên quan đến quy định vận động hành lang. Các khuyến nghị này bao gồm việc lập sổ đăng ký công khai để ghi lại các tương tác giữa những người vận động hành lang và các quan chức công quyền, cũng như quy định thời gian cấm ba năm đối với các cựu quan chức vận động hành lang trong các lĩnh vực mà họ từng tham gia.

Bên cạnh đó, báo cáo cũng đưa ra khuyến nghị giới hạn số tiền quyên góp của các nhà tài trợ cho các đảng phái chính trị trong mỗi chu kỳ bầu cử không vượt quá 30.000 NZD. Điều này đi đôi với việc hạ ngưỡng tiết lộ công khai các nhà tài trợ, một thay đổi đã được đề xuất trong Đánh giá bầu cử độc lập (Independent Electoral Review) do Chính phủ khởi xướng.

Đạo luật Thông tin Chính thức năm 1982 - quy định việc tiếp cận thông tin từ các cơ quan chính phủ tại New Zealand - cũng nhận được nhiều sự quan tâm trong báo cáo. Cùng với việc áp dụng các cải cách được đề xuất bởi Ủy ban Luật pháp nhằm cải thiện hướng dẫn về yêu cầu thông tin, báo cáo còn khuyến nghị đưa vào các điều khoản hình phạt đối với hành vi vi phạm luật này, tương tự như các quy định trong Đạo luật Thông tin Chính phủ (Tiếp cận Công chúng) năm 2009 của New South Wales, Australia.

Một đề xuất khác nhằm ngăn chặn hành vi hối lộ từ nước ngoài đối với các công ty, doanh nghiệp New Zealand là việc bổ sung tội danh không ngăn chặn hối lộ. Báo cáo cũng yêu cầu công khai quyền sở hữu thực sự của các thực thể doanh nghiệp, giúp hạn chế các hành vi tham nhũng liên quan đến các công ty và tổ chức.

Quỹ Helen Clark, tổ chức đã ủy quyền cho báo cáo, là một tổ chức tư vấn chính sách được sáng lập bởi cựu Thủ tướng New Zealand Helen Clark. Tổ chức này trước đây đã có nhiều nghiên cứu chính sách quan trọng về biến đổi khí hậu, phát triển cơ sở hạ tầng và giao thông, giúp định hình các chính sách chiến lược của quốc gia.

Báo cáo “Shining a Light” không chỉ là lời cảnh tỉnh về tình trạng tham nhũng mà còn là bước đầu để tiến hành những cải cách toàn diện nhằm củng cố niềm tin của công chúng đối với hệ thống chính trị của New Zealand. Những thay đổi về quy định vận động hành lang, tài trợ chính trị và các chính sách tiếp cận thông tin chính thức sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo tính minh bạch và ngăn chặn sự thao túng bởi các cá nhân và tổ chức có quyền lực.

Dương Nguyễn (Theo JURISTnews)

TIN LIÊN QUAN

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra