Bảo vệ người tố cáo trong các tổ chức viện trợ

Thứ năm, 23/05/2024 08:00
(ThanhtraVietNam) - Mặc dù các tổ chức viện trợ có sức ảnh hưởng đáng kể nhưng khả năng bảo vệ người tố cáo ở các quốc gia tiếp nhận viện trợ vẫn còn hạn chế.

Việc ban hành Chỉ thị EU về bảo vệ người tố cáo của Nghị viện Châu Âu và Hội đồng liên minh Châu Âu ngày 23/10/2019, cùng với việc đưa Chỉ thị này vào luật pháp quốc gia đã thúc đẩy các hoạt động tố cáo đối với cả các nước trong và ngoài Liên minh Châu Âu. Điều này cung cấp cơ chế an toàn và đáng tin cậy cho cá nhân tố cáo hành vi vi phạm pháp luật - đặc biệt là tham nhũng - từ đó đảm bảo việc sử dụng hợp lý nguồn vốn tài trợ cũng như bảo vệ lợi ích của người nhận viện trợ và cộng đồng.

leftcenterrightdel
Ảnh minh họa (nguồn: kkgas/Stocks)

Các kênh tiếp nhận tố cáo

Nhiều yếu tố có thể ảnh hưởng đến việc sẵn sàng lên tiếng: Rào cản ngôn ngữ, niềm tin vào công nghệ, xử lý các cảnh báo, văn hóa trong tổ chức và văn hóa bên ngoài tổ chức (ví dụ như quyền tự do ngôn luận). Việc xem xét các khía cạnh này sẽ là một cách để điều chỉnh các kênh tố cáo phù hợp với đối tượng liên quan và bản chất của hành vi vi phạm.

Hầu hết các tổ chức viện trợ đều sử dụng các biểu mẫu, địa chỉ email và đường dây nóng trực tuyến làm các kênh tố cáo. Cơ quan Hợp tác phát triển Na Uy (Norad) lại dựa vào Công ty tư nhân EY để quản lý việc tiếp nhận các nội dung tố cáo. Đây một cách để đảm bảo sự ẩn danh hoàn toàn trong các nội dung tố cáo nhận được, tạo dựng niềm tin vào hệ thống báo cáo.

Để có hiệu quả, hệ thống phải bao gồm nhiều kênh khác nhau, dễ dàng và an toàn cho mọi người sử dụng. Hơn nữa, các kênh phải có sẵn bằng tất cả các ngôn ngữ phù hợp với tổ chức viện trợ, bao gồm cả ngôn ngữ của người thụ hưởng và bên thứ ba.

Dưới đây là một ví dụ điển hình về việc thực hiện và những tác động của các kênh tố cáo tại Cơ quan Hợp tác phát triển quốc tế Thụy Điển (Sida):

Việc sử dụng các kênh tố giác ở Sida

Năm 2021, Sida có khối lượng viện trợ 26,4 tỷ Krona của Thụy Điển (khoảng 2,4 tỷ Euro), được giải ngân trong bối cảnh có rủi ro cao - chủ yếu là các quốc gia xung đột và hậu xung đột (ví dụ: Afghanistan, Cộng hòa Dân chủ Congo, Somalia). Trong số viện trợ đó, 40% được phân phối thông qua các kênh song phương và 60% thông qua hệ thống đa phương.

Vào năm 2021, Sida đã báo cáo về 303 trường hợp nghi ngờ tham nhũng hoặc bất thường. Trong đó, 12% được người tố giác báo cáo trực tiếp cho Sida, 77% được báo cáo bởi các tổ chức đối tác của Sida, trong khi chỉ có 3% được phát hiện qua kiểm toán. Đến nay, người tố cáo (29%) và việc theo dõi thường xuyên (24%) là những công cụ phổ biến nhất được các tổ chức đối tác của Sida sử dụng để xác định những trường hợp nghi ngờ tham nhũng hoặc bất thường.

Trang web tố giác của Sida cung cấp một phương thức mã hóa để báo cáo các mối lo ngại và có sẵn bằng tiếng Thụy Điển và tiếng Anh. “Nhân viên đại sứ quán của chúng tôi được đào tạo về chống tham nhũng và các nhân viên đại sứ quán được đào tạo và tư vấn từ nhóm điều tra. Khi có một vụ việc mới, chúng tôi thành lập một đội đặc nhiệm cùng với các nhân viên địa phương để làm việc xuyên suốt vụ việc”, ông Amal Hassan Dirie, Kiểm soát viên Sida cho biết.

Nhóm điều tra phối hợp với đơn vị tác nghiệp để kiểm tra các trường hợp có khả năng ảnh hưởng đến các hoạt động hoặc chương trình do Sida tài trợ thông qua các tổ chức đối tác. Ngược lại, bộ phận Nhân sự (HR) xử lý các trường hợp liên quan đến nhân viên Sida. Tùy thuộc vào tính chất của vụ việc, bộ phận nhân sự có thể sử dụng hoặc huy động các nguồn lực khác, đặc biệt khi cần có kiến thức chuyên môn cụ thể.

Cơ chế bảo vệ

Bảo vệ người tố cáo bao gồm các quy trình liên quan đến việc xử lý thông tin báo cáo cũng như hệ thống hỗ trợ và bảo vệ cho tất cả các bên liên quan. Khuôn khổ pháp lý quốc gia xác định loại hình bảo vệ mà các tổ chức viện trợ nên cung cấp, tùy theo từng quốc gia.

Trong khi Chỉ thị của Liên minh Châu Âu cung cấp sự bảo vệ cho các cá nhân tố cáo hành vi vi phạm pháp luật với những thông tin có cơ sở thì Đạo luật Bảo vệ tiết lộ của công chức Canada yêu cầu người tố giác phải thể hiện “thiện chí” để được bảo vệ trong quá trình tố tụng.

Điều quan trọng cần nhấn mạnh là người tố cáo có quyền được bảo vệ ngay cả khi những tố giác của người đó không dẫn tới biện pháp cưỡng chế hoặc hành động khắc phục, hoặc ngay cả khi người tố cáo đã nhầm lẫn.

Vào năm 2011, Tòa án Nhân quyền Châu Âu đã ra phán quyết rằng Tòa án Đức đã sai lầm khi giữ nguyên việc sa thải một nhân viên chăm sóc người cao tuổi khi nhân viên này tố cáo về hành vi sơ suất và lạm dụng không dẫn đến hành động cưỡng chế. Tòa án Châu Âu cho biết, quyền tố cáo của người lao động không nên phụ thuộc vào kết quả điều tra. Trường hợp này cho thấy thực tế rằng quy định việc bảo vệ người tố giác đối với kết quả của cuộc điều tra sẽ có tác động mạnh mẽ đến quyết định tố giác của người có ý định tố cáo.

Dương Nguyễn (Theo The U4 Anti-Corruption Resource Centre)

TIN LIÊN QUAN

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
 
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra