Buôn lậu cát ở Campuchia

Chủ nhật, 06/06/2010 13:34
Hàng triệu tấn cát của Campuchia đắp bồi dần các bãi biển ở Singapore, dù nước này đã cấm xuất khẩu cát

Tuần báo Cambodge Soir xuất bản tại Phnom Penh dẫn báo cáo mang tên “Cát di chuyển” (Shifting Sand) của tổ chức phi chính phủ về môi trường Global Witness đã cảnh báo về nạn xuất khẩu cát gây thiệt hại cho nguồn tài nguyên của Campuchia.

 

Chủ đề của báo cáo được nêu ngay dòng dẫn nhập: “Nhu cầu về cát của Singapore đã đe dọa hệ sinh thái và phá hoại hệ thống lãnh đạo ở Campuchia như thế nào”.

 

Báo cáo nêu đích danh hai thượng nghị sĩ Mong Rethy và Ly Yong Phat đã nhận được giấy phép khai thác cát từ “đằng sau những cánh cửa đóng kín” để giúp họ thu về hàng triệu USD.


Cấm nhưng có giấy phép


Giấy phép khai thác cát cho phép nạo vét cát dưới lòng sông và cửa sông dọc theo bờ biển Campuchia. Tổ chức Global Witness, có trụ sở ở London (Anh), đặc biệt lưu ý tới những khu vực được bảo tồn và cận kề các hệ sinh thái thuộc khu vực sinh sống của một số giống loài được bảo vệ nghiêm ngặt nhất trên quy mô quốc tế.

 

Chỉ trong một ngày, Global Witness chứng kiến 9 chiếc tàu khai thác cát trong khu vực được bảo tồn. Ngư dân địa phương than phiền rằng miếng ăn của họ bị những chiếc tàu khai thác cát đe dọa vì nguồn lợi thủy sản không còn.


Theo quyết định của Thủ tướng Hun Sen, việc xuất khẩu cát đã bị cấm từ ngày 8-5-2009. Tuy nhiên, tập đoàn của ông Ly Yong Phat đã nhận được giấy phép nạo vét cát tại ba con sông thuộc tỉnh Koh Kong là Sre Ambil, Ta Tai và Koh Por được Bộ Tài nguyên, Nước và Khí tượng ký ngày 24-7-2009.

Sau đó, chỉ trong tuần lễ từ 15 đến 22-11-2009, tập đoàn này đã xuất khẩu 77.236 tấn cát. Trong khi đó, tập đoàn của ông Mong Rethy cũng được cấp giấy phép khai thác cát tại sông Sre Ambil.

Khai thác cát dọc theo sông Mekong ở Campuchia. Ảnh: AFP.

Trả lời tuần báo Cambodge Soir, ông Mong Rethy xác nhận có nhận hợp đồng với nhà nước về cải tạo dòng chảy nhưng lượng cát nạo vét chất lượng thấp nên không đủ tiêu chuẩn xuất khẩu. Tuy nhiên, Global Witness cho rằng có hai doanh nghiệp xác nhận đã xuất khẩu cát cho tập đoàn của ông Mong Rethy.


Người phụ trách chương trình nghiên cứu của Global Witness là George Boden đã ghi lại hình ảnh những chiếc tàu khai thác cát, đã theo dõi và phát hiện các hợp đồng giữa các doanh nghiệp Singapore và ngành công nghiệp khai thác cát ở Campuchia. Theo ông này, việc khai thác cát quá mức khiến sạt lở đất và nhiều khu dân cư buộc phải di dời.


Singapore cần nhiều cát

Hãng tin AFP dẫn số liệu của Global Witness cho thấy kim ngạch xuất khẩu cát chỉ riêng tại tỉnh Koh Kong lên tới 20 triệu USD mỗi tháng với khoảng 796.000 tấn cát.


Con số này chưa tính đến lượng khai thác tại khu vực bờ biển Campuchia. Nhật báo Pháp Le Monde cho rằng chính nhu cầu về cát của các nhà thầu xây dựng và nhu cầu mở rộng lãnh thổ của Singapore nuôi dưỡng sự khai thác cát không kiểm soát nổi tại Campuchia.


Theo nhật báo Pháp La Libération, diện tích của Singapore khi mới thành lập vào năm 1965 là 527 km², đến năm 1998 mở rộng thêm là 674 km² và dự kiến tăng lên tới 834 km² trong năm nay. Tham vọng mở rộng không ngừng lãnh thổ của thành phố đảo quốc này có thể gây thảm họa sinh thái cho Campuchia sau khi Malaysia, Indonesia và Việt Nam đều ngưng xuất khẩu cát sang Singapore.


Các hợp đồng cho thấy lượng cát được mua tại tỉnh Koh Kong với giá 28,7 triệu USD nhưng được bán lại tại Singapore với giá 248 triệu USD.


Tuy nhiên, thông báo của Bộ Phát triển Singapore bác bỏ cáo buộc của Global Witness, nói rằng chính quyền cam kết bảo vệ môi trường và không dung thứ cho hành vi buôn lậu cát.


Trước đây, chính quyền Campuchia thường bác bỏ các báo cáo của Global Witness nói về nạn khai thác gỗ và khai thác mỏ trái phép ở Campuchia.

Theo Người lao động

letiendat
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra