Là một trong những cơ quan chống tham nhũng của Hàn Quốc, Ủy ban Chống tham nhũng và Quyền công dân Hàn Quốc (ACRC) thực hiện chức năng phòng và chống tham nhũng. Các biện pháp phòng ngừa được cơ quan này sử dụng bao gồm: Đào tạo chống tham nhũng, đánh giá tính toàn vẹn, đưa ra Quy tắc ứng xử của cán bộ, đánh giá tác động tham nhũng. Các biện pháp chống tham nhũng được đưa ra bao gồm: Xử lý các báo cáo tham nhũng, vạch trần các hành vi vi phạm, cung cấp các hình thức bảo vệ, khen thưởng cho những người tố cáo tham nhũng và những hành vi vi phạm lợi ích công cộng.
Trước khi thành lập cơ quan chống tham nhũng độc lập (trước năm 1990)
Hàn Quốc đã tiến một chặng đường dài vững chắc kể từ khi giành được độc lập vào năm 1945. Trong hơn bảy thập kỷ qua, đất nước này đã đối mặt với rất nhiều khó khăn từ thiên tai đến chiến tranh, rồi cuộc khủng hoảng tài chính... Nhưng với tinh thần quyết tâm cao độ, không bao giờ lùi bước, người dân Hàn Quốc đã vượt qua tất cả những thử thách để kiến tạo nên một quốc gia thịnh vượng. Kể từ khi bắt đầu tiến trình công nghiệp hóa, Hàn Quốc cho thấy tốc độ tăng trưởng kinh tế vượt trội 7-8%/năm trong khoảng 30 năm kể từ những năm 1960. Mô hình phát triển kinh tế của nước này đã được công nhận là thành công trên trường quốc tế, trong đó phải kể đến việc quốc gia này đã chuyển đổi từ một nước nhận ODA sang một nước tài trợ.
Tuy nhiên, do quá trình tăng trưởng kinh tế nhanh, các hoạt động chống tham nhũng dường như không được ưu tiên, thay vào đó, những mục tiêu phát triểu kinh tế được chính phủ lúc bấy giờ coi làm trọng tâm hàng đầu. Tất nhiên, vẫn có các cơ quan của chính phủ chịu trách nhiệm kiểm soát và trừng phạt tham nhũng, nhưng họ không thể loại trừ những ảnh hưởng bất lợi trong mối quan hệ giữa chính phủ và doanh nghiệp.
Đặt nền móng cho hệ thống chống tham nhũng (giữa năm 1990 - 2002)
Cùng với các sáng kiến chống tham nhũng vào giữa những năm 90 như Công ước OECD Chống hối lộ, Hàn Quốc cũng bắt đầu tham gia vào những nỗ lực chống tham nhũng bằng cách nâng cấp các hệ thống chính quyền trên toàn xã hội trong bối cảnh cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997. Trong thời điểm này, nhận thức về sự cần thiết của việc tăng cường sự tập trung vào phát hiện và trừng phạt các hành vi tham nhũng trở nên mạnh mẽ trong cộng đồng xã hội. Từ đó, một nhu cầu cấp thiết đã được đặt ra đó là thành lập cơ quan chống tham nhũng độc lập và Luật Chống tham nhũng.
Trong bối cảnh này, Luật Chống tham nhũng đã được ban hành vào năm 2001 để ngăn chặn, kiểm soát tham nhũng một cách hiệu quả và Ủy ban độc lập chống tham nhũng Hàn Quốc (KICAC) cũng đã được thành lập vào năm 2002.
Các hoạt động chống tham nhũng toàn diện (2002 - 2008)
Với việc ban hành Luật Chống Tham nhũng và thành lập KICAC, Chính phủ Hàn Quốc đã dành sự ưu tiên cho công tác phòng ngừa tham nhũng, nâng cao tính liêm chính quốc gia và bắt đầu nâng cấp hệ thống chống tham nhũng trên toàn quốc.
Một phương pháp tiếp cận song phương đã được xúc tiến, một là tập trung vào công tác phòng ngừa như xây dựng chính sách chống tham nhũng của chính phủ, điều chỉnh các thể chế và luật về hành vi tham nhũng, đánh giá tính liêm chính, cung cấp các hình thức giáo dục về chống tham nhũng và điều chỉnh hành vi đối với các quan chức nhà nước. Và hướng tiếp cận thứ hai đó là phát hiện và trừng phạt, bao gồm nhận các đơn tố cáo tham nhũng, bảo vệ và khen thưởng cho người tố cáo...
Hệ thống chống tham nhũng để bảo vệ quyền và lợi ích của người dân (2008 - 2016)
Trong năm 2008, Ủy ban Chống Tham nhũng và Quyền công dân Hàn Quốc (ACRC) đã được thành lập, qua đó thiết lập một hệ thống chống tham nhũng mới bằng cách kết hợp ba chức năng trước đó là chống tham nhũng, khiếu nại hành chính và thanh tra giám sát các hành vi bất hợp pháp. Theo quan điểm của người dân, việc tích hợp các kênh khác nhau để bảo vệ quyền của họ làm tăng khả năng tiếp cận và hiệu quả của hệ thống. Cụ thể, Ủy ban đã đặt nền móng cho việc tạo ra hiệu quả hiệp đồng giữa phòng chống tham nhũng và bảo vệ quyền của người dân.
ACRC đưa ra một hệ thống cải tiến thể chế cho một số lĩnh vực có nguy cơ tham nhũng và Ủy ban này đã liên tục có những nỗ lực để giải quyết các vấn đề tham nhũng sâu trong xã hội thông qua việc ban hành Luật Bảo vệ Người tố cáo và Quy tắc ứng xử đối với Ủy viên hội đồng lập pháp địa phương...
Khởi động chính quyền mới với các biện pháp chống tham nhũng được xem là ưu tiên hàng đầu
Vào những năm cuối của thế kỷ trước, ở Hàn Quốc, tham nhũng và sự cấu kết giữa các tập đoàn lớn với chính quyền trở nên rất nghiêm trọng. Các doanh nghiệp nhà nước hoạt động kém hiệu quả, tình trạng tham nhũng tại những tập đoàn lớn trở nên phổ biến, kìm hãm mọi hoạt động… Điều này đã dẫn đến cuộc khủng hoảng kinh tế năm 1997-1998. Bài học đắt giá đó đã làm thức tỉnh toàn xã hội Hàn Quốc. Từ các đảng phái chính trị đến người dân Hàn Quốc đều thể hiện tinh thần quyết tâm chống tham nhũng một cách toàn diện. Chính phủ hiện nay được thành lập với những kỳ vọng của người dân về một quốc gia minh bạch. Với nhận thức rằng người dân và xã hội luôn coi tham nhũng là thách thức nghiêm trọng và cấp bách nhất của quốc gia, chính quyền mới tuyên bố sẽ thúc đẩy các chính sách chống tham nhũng một cách mạnh mẽ và quyết liệt hơn.
Phù hợp với ý chí mạnh mẽ của chính phủ để chống tham nhũng, ACRC, được xem là tháp điều khiển chống tham nhũng của quốc gia, sẽ huy động năng lực của tất cả các cơ quan nhà nước và thực hiện các biện pháp chống tham nhũng một cách toàn diện.
Phối hợp các Sáng kiến Chống Tham nhũng Quốc gia
ACRC xây dựng chính sách chống tham nhũng quốc gia được thực hiện ở mọi cấp của chính phủ. Và Ủy ban này có chức năng thảo luận và phối hợp các biện pháp của chính phủ nhằm ngăn ngừa tham nhũng trong dài hạn.
Đường lối chính sách chống tham nhũng
ACRC thiết lập và công bố rộng rãi các chính sách chống tham nhũng hàng năm. Mục tiêu của những chính sách này là nhằm khuyến khích các tổ chức tự nguyện chống tham nhũng dưới hình thức cung cấp thông tin cần thiết cho việc thực hiện các sáng kiến liêm chính và đảm bảo rằng các hoạt động chống tham nhũng của chính phủ được thực hiện thông suốt thông qua việc chia sẻ chính sách, phương hướng chống tham nhũng của chính phủ.
Đường lối chính sách 2017
Ngày 8 tháng 2 năm 2017, tại hội trường của Tổng công ty Đường sắt Hàn Quốc, ACRC đã tổ chức Hội nghị Chính sách về Liêm chính và Chống Tham nhũng năm 2017 với các quan chức kiểm toán và thanh tra từ 1.300 chính quyền trung ương và địa phương. Hội nghị được tổ chức vào thời điểm quan trọng khi những kỳ vọng của công chúng đối với công cuộc phòng chống tham nhũng đang ở vào giao đoạn cao trào.
Tại Hội nghị, đại diện của ACRC đã công bố một số chính sách nhằm nâng cao khả năng chống tham nhũng của chính phủ, xây dựng cơ sở chống tham nhũng vững chắc, đề cao tính liêm chính đối với các quan chức chính phủ và tăng cường hợp tác chống tham nhũng giữa khu vực công và tư nhân.
Các điểm chính của những đường lối chính sách được đưa ra cụ thể như sau:
Thứ nhất, cơ sở hạ tầng chống tham nhũng phải được củng cố và cần phải cải tiến các luật và hệ thống để ngăn ngừa tham nhũng tốt hơn. Để đạt được điều này, cần phải tăng cường một nền tảng thể chế đúng đắn. Quy tắc ứng xử dành cho cán bộ công chức phải được sửa đổi để bao gồm các quy tắc ngăn ngừa xung đột lợi ích. Cải thiện thể chế cũng phải được thực hiện ở các khu vực dễ phát sinh tham nhũng.
Thứ hai, công chức được coi là nòng cốt, vì vậy, Chính phủ Hàn Quốc rất coi trọng việc giáo dục công chức về liêm chính. Họ cho rằng, nếu công chức tốt, trong sạch thì sẽ hạn chế tham nhũng. Việc sửa đổi Luật Chống Tham nhũng và việc thành lập Ủy ban Chống Tham nhũng và Quyền Công dân Hàn Quốc đã cho thấy sự chính thức trong việc thực hiện các quy tắc úng xử đối với các viên chức chính phủ. Hàng năm, ACRC tổ chức tuyên truyền, giáo dục công chức về liêm chính, trong sạch bằng nhiều hình thức và chương trình khác nhau. Các tổ chức công và các cơ sở đào tạo sẽ hợp tác để cải thiện một hệ thống hỗ trợ giáo dục về tính liêm chính, phát triển và phân phối các khóa học giáo dục mới với nội dung toàn diện, đồng thời bồi dưỡng các giảng viên chuyên nghiệp nhằm nâng cao chất lượng giáo dục.
Thứ ba, tính liêm chính của chính phủ phải được nhân rộng để thực sự trở thành một nét văn hóa của toàn xã hội. Những Chính sách về Chống Tham nhũng cần được triển khai tại các doanh nghiệp tư nhân.
Thứ tư, cần tạo những điều kiện thuận lợi cho người tố cáo những hành vi tham nhũng, hối lộ. Để tạo điều kiện cho việc tố cáo, hệ thống bảo vệ người tố cáo sẽ được tăng cường để ngăn chặn việc tiết lộ các thông tin tố giác ngay từ giai đoạn sơ khai.
Nâng cao nhận thức cộng đồng về các vấn đề tham nhũng
ACRC thực hiện nhiều chương trình nâng cao nhận thức cộng đồng nhằm khuyến khích sự hợp tác, tham gia của người dân trong công cuộc phòng, chống tham nhũng. Để nâng cao nhận thức về rủi ro tham nhũng và thiết lập một hệ thống bền vững quốc gia, ACRC tập trung vào việc giáo dục chống tham nhũng cho công chức và sinh viên.
Hoạt động của Viện Đào tạo Chống Tham nhũng (ACTI)
Viện Đào tạo Chống Tham nhũng (ACTI) được thành lập dưới sự chỉ đạo của ACRC như là một cơ sở đào tạo chống tham nhũng đặc biệt của Hàn Quốc. Viện bắt đầu đi vào hoạt động ngày 25 tháng 10 năm 2012 tại thành phố Cheongju.
Mục tiêu chính của ACTI là thay đổi thái độ của các quan chức công quyền đối với tham nhũng, liêm chính và cải thiện các tiêu chuẩn đạo đức của họ. Các biện pháp phát hiện và trừng phạt là cần thiết để ngăn ngừa tham nhũng và nâng cao tính liêm chính. Tuy nhiên, một giải pháp cơ bản hơn cho các vấn đề tham nhũng là tạo nên một nền văn hoá liêm chính bắt nguồn từ xã hội nhằm giúp các quan chức nhà nước có thể kiềm chế tham nhũng và phục vụ nhân dân tích cực hơn. Các chương trình đào tạo của ACTI được thiết kế một cách có hệ thống để giúp nâng cao tính nhạy bén với các hành vi tham nhũng của người học.
Chương trình đào tạo của ACTI có hai mục tiêu. Một là để đào tạo cho cán bộ công chức những quy định đạo đức cần thiết và những cách ứng xử đúng đắn về mặt đạo đức trong môi trường công việc. Hai là để nâng cao tiêu chuẩn đạo đức của các cán bộ công chức. ACTI cung cấp các chương trình đào tạo đa dạng nhằm nâng cao độ nhạy với các hành vi tham nhũng của cá nhân và nâng cao tính liêm chính của các tổ chức. Ngoài ra, ACTI tổ chức các chương trình đào tạo cho các học viên nhằm phổ biến văn hoá liêm chính trong toàn xã hội.
Các chương trình đào tạo của ACTI được cung cấp dưới nhiều hình thức, bao gồm các cuộc thảo luận tập trung vào những tình huống cụ thể, tập luyện thực hành và làm việc theo nhóm... Các nội dung giảng dạy có thể xoay quanh những diễn biến về cuộc sống hàng ngày của một quan chức chính phủ, chương trình trò chuyện về sự liêm chính, tư vấn về cách tăng tính liêm chính của tổ chức, tự đánh giá năng lực liêm chính cá nhân...
Chương trình phổ biến nhất của ACTI là "Buổi hòa nhạc về sự liêm khiết", cung cấp các tình huống khác nhau mà các công chức có thể gặp phải trong cuộc sống qua đó thu hút cảm xúc và thay đổi cách suy nghĩ của họ. Các buổi hòa nhạc được tổ chức dưới hình thức các buổi biểu diễn văn hoá nhấn mạnh tầm quan trọng của tính liêm khiết.
Tham gia nỗ lực toàn cầu để chống tham nhũng
Chính phủ Hàn Quốc đã cam kết thực hiện các sáng kiến toàn cầu để chống tham nhũng. Cụ thể, ACRC đã thực hiện các công ước chống tham nhũng quốc tế như Công ước chống hối lộ OECD và Công ước chống tham nhũng của Liên hợp quốc (UNCAC).
Hàn Quốc đã ký kết UNCAC vào năm 2003. Đạo luật về các vụ kiện đặc biệt liên quan đến tịch thu và thu hồi tài sản bị trộm đã được Quốc hội thông qua ngày 29 tháng 2 năm 2008, dẫn đến việc phê chuẩn và thực hiện chính thức công ước này. Tổng cộng có 181 quốc gia, trong đó có Hàn Quốc, đã tham gia ký kết vào tháng 12 năm 2016.
Để phê chuẩn Công ước Chống hối lộ của OECD, Hàn Quốc đã ban hành Đạo luật về Chống hối lộ của các công chức nước ngoài trong các giao dịch kinh doanh quốc tế vào tháng 12 năm 1998.
Kể từ khi Nhóm Công tác Chống Tham nhũng G20 được thành lập vào năm 2011, ACRC, cùng với Bộ Tư pháp (MOJ) và Bộ Ngoại giao (MOFA), đã xem xét và nỗ lực để cải thiện các tiêu chuẩn và chính sách chống tham nhũng của Hàn Quốc nhằm thực hiện Kế hoạch Hành động Chống Tham nhũng G20. ACRC tham gia vào cuộc họp Nhóm Công tác Chống Tham nhũng G20 và chia sẻ ý kiến thông qua các cuộc thảo luận về các vấn đề chống tham nhũng lớn.
ACRC cũng đã tham gia Hội nghị Nhóm làm việc chống tham nhũng và Chống tham nhũng của APEC và Nhóm tư vấn ADB / OECD cho khu vực Châu Á Thái Bình Dương. Đây được xem là nơi giới thiệu các chính sách chống tham nhũng chính của Hàn Quốc và chia sẻ thông tin, xu hướng toàn cầu với các nước thành viên.
Ngoài ra, ACRC cũng đóng vai trò chủ đạo trong việc thành lập Diễn đàn chống tham nhũng ACA, nơi những người đứng đầu các cơ quan chống tham nhũng cùng thảo luận các vấn đề chống tham nhũng ở khu vực Châu Á Thái Bình Dương.
Hợp tác chống tham nhũng với các tổ chức quốc tế
ACRC đã tham gia vào các cuộc trao đổi đoàn tích cực với Học viện Chống Tham nhũng Quốc tế (IACA), một tổ chức quốc tế chịu trách nhiệm về giáo dục và đào tạo chống tham nhũng, kể từ khi hai tổ chức ký MOU vào tháng 3 năm 2012. Từ năm 2013, các khóa học về chống tham nhũng của IACA đã được cung cấp cho các học viên chống tham nhũng của Hàn Quốc thường niên. Bên cạnh đó, ACRC cũng hợp tác với UNDP chia sẻ kinh nghiệm và các hệ thống chống tham nhũng cho các nước đang phát triển. Dự án hợp tác đầu tiên là Đánh giá Sáng kiến Chống Tham nhũng (AIA), và một dự án thí điểm được đưa ra để đánh giá cho các tổ chức công cộng của Việt Nam.
Hợp tác song phương
ACRC, dựa trên biên bản ghi nhớ về hợp tác chống tham nhũng ký kết với Indonesia, Việt Nam và Mông Cổ, đã thúc đẩy hợp tác để thông qua chính sách chống tham nhũng của mình và hỗ trợ các đối tác tăng cường năng lực chống tham nhũng nội bộ.
Từ khi Hàn Quốc và Việt Nam ký kết Bản ghi nhớ hợp tác giữa hai bên vào tháng 3/2013, hai bên đã không ngừng thúc đẩy trao đổi đoàn và chia sẻ kết quả công tác, cũng như những bài học kinh nghiệm, các quy trình nghiệp vụ nhằm giúp mỗi bên tăng cường hiệu lực, hiệu quả của công tác chuyên môn.
Hỗ trợ kỹ thuật
ACRC đã mở các khóa học giáo dục tính liêm chính cho người nước ngoài vào năm 2013 để góp phần nâng cao khả năng chống tham nhũng của các quan chức chính phủ trên toàn thế giới. Các khóa học đã được cung cấp trong hai tuần với mục đích chia sẻ kiến thức và kỹ thuật thực tiễn cho việc phản ứng có hệ thống và hiệu quả. Năm 2016, 11 người từ 11 quốc gia, bao gồm Việt Nam, Iran và Chilê tham gia các khóa học. ACRC cũng cung cấp các khoá đào tạo về các chủ đề chống tham nhũng khác nhau bao gồm đánh giá tính liêm chính, đánh giá tác động tham nhũng, hệ thống bảo vệ người tố cáo theo yêu cầu của mỗi quốc gia.
Nhờ thực hiện đồng bộ các biện pháp mạnh mẽ và quyết liệt, tình hình tham nhũng ở Hàn Quốc đang cho thấy những tín hiệu tích cực, công tác chống tham nhũng được báo chí trong và ngoài nước đánh giá cao, lòng tin của nhân dân vào Chính phủ ngày càng được củng cố./.
Dương Nguyễn
Theo www.acrc.go.kr