Chính sách chống tham nhũng của Kazakhstan
Trong những năm gần đây, Chính phủ Kazakhstan đã đặt trọng tâm cao đối với các vấn đề chống tham nhũng. Mục tiêu ngăn chặn và chống tham nhũng đã được đề cập trong nhiều văn bản chính sách quốc gia, bao gồm các thông điệp hàng năm của Tổng thống và Kế hoạch Phát triển Chiến lược của Kazakhstan đến năm 2020. Nhờ đó, nhiều cải cách quan trọng đã được thực hiện.
Kazakhstan đã phê chuẩn Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng và thông qua luật pháp để thực hiện một số điều khoản của công ước này, đồng thời ban hành chiến lược chống tham nhũng cho giai đoạn 2011-2015, trong đó, trao quyền lực cho Cơ quan Cảnh sát Tài chính, là một cơ quan chống tham nhũng chuyên biệt. Quốc hội Kazakhstan đã thông qua dự luật về trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân về các hành vi tham nhũng.
|
|
Logo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) (ảnh: ankasam.org) |
Sau khi hoàn thành chiến lược chống tham nhũng vào năm 2010, vào ngày 31 tháng 3 năm 2011, Kazakhstan đã thông qua một tài liệu chiến lược mới - Chương trình ngành về chống tham nhũng tại Cộng hòa Kazakhstan cho giai đoạn 2011-2015. Báo cáo giám sát của Mạng lưới chống tham nhũng OECD khu vực Đông Âu và Trung Á hoan nghênh việc phê duyệt chương trình mới, cũng như các kế hoạch hành động của Chính phủ và các tổ chức thực hiện chương trình, nhưng chỉ ra rằng các mục tiêu của chương trình thiếu sự ưu tiên, không có sự tham chiếu đến các khảo sát về tham nhũng để cung cấp bức tranh toàn cảnh về những lĩnh vực tham nhũng nhất và nguyên nhân của chúng.
Mặt khác, các chỉ số thực hiện chiến lược chống tham nhũng và các kế hoạch hành động vẫn còn mang tính hình thức và chưa đầy đủ, Báo cáo chỉ rõ. Mặc dù có nhiều thiếu sót nghiêm trọng trong chiến lược mới, việc thực hiện hiệu quả có thể dẫn đến cải thiện tình hình tham nhũng tại Kazakhstan.
Hoạt động của các cơ quan Kazakhstan trong việc tiến hành khảo sát chống tham nhũng và phát triển hệ thống đánh giá mức độ tham nhũng trong các cơ quan nhà nước được đánh giá cao. Tuy nhiên, theo Mạng lưới chống tham nhũng OECD khu vực Đông Âu và Trung Á, Kazakhstan cần cải thiện phương pháp luận của các cuộc khảo sát này và đảm bảo rằng kết quả của chúng được sử dụng trong việc lập kế hoạch và thực hiện các chiến lược và kế hoạch hành động chống tham nhũng.
Cơ quan Chống tội phạm kinh tế và tham nhũng của Kazakhstan (Cảnh sát Tài chính) thực hiện chức năng của cơ quan phụ trách điều phối phát triển và thực hiện chính sách chống tham nhũng, mặc dù luật pháp không giao chức năng này cho cơ quan. Cơ quan này cũng là một cơ quan chuyên biệt về ngăn ngừa, phát hiện và điều tra các hành vi tham nhũng.
Hình sự hóa tham nhũng
Từ khi vòng giám sát đầu tiên được thông qua, Kazakhstan đã ban hành hai luật quan trọng, đưa ra những thay đổi toàn diện trong các quy định về trách nhiệm đối với các hành vi tham nhũng (Luật số 308-III ngày 21 tháng 7 năm 2007 và Luật số 222-IV ngày 7 tháng 12 năm 2009) và nhằm mục đích thực hiện các khuyến nghị của Kế hoạch Hành động Istanbul.
Những thay đổi này đã hình sự hóa hành vi nhận hối lộ của một công chức vì lợi ích của bên thứ ba và loại bỏ một số điểm không nhất quán giữa các quy định của Bộ luật Hình sự và Bộ luật Xử lý vi phạm hành chính. Qua đó, mở rộng phạm vi các đối tượng chịu trách nhiệm về các tội phạm tham nhũng bằng cách bao gồm những người thực hiện các chức năng quản lý trong các tổ chức mà cổ phần của nhà nước trong vốn của họ (ít nhất 35%) đã được chuyển giao cho các cơ sở giữ tài sản quốc gia và các thực thể tương tự khác.
Các luật này đã tăng số lượng tội phạm tham nhũng bị áp dụng hình phạt bổ sung là tịch thu tài sản. Bên cạnh đó, Luật về chống rửa tiền (Laundering) từ nguồn gốc tội phạm và tài trợ cho khủng bố đã được thông qua và thành lập Ủy ban Giám sát Tài chính thuộc Bộ Tài chính như một đơn vị tình báo tài chính quốc gia. Ngoài ra, Chính phủ đã trình lên Quốc hội dự thảo luật giới thiệu trách nhiệm hình sự của pháp nhân đối với các tội phạm tham nhũng.
Báo cáo Mạng lưới chống tham nhũng OECD khu vực Đông Âu và Trung Á hoan nghênh nỗ lực của Kazakhstan trong việc thiết lập trách nhiệm pháp nhân đối với các tội phạm tham nhũng, đồng thời khuyến nghị rằng luật pháp được thông qua phải cung cấp một trách nhiệm pháp lý hiệu quả và răn đe đối với các pháp nhân về các tội phạm tham nhũng với các biện pháp trừng phạt tương xứng với hành vi phạm tội.
Ngăn ngừa tham nhũng trong dịch vụ công
Trong lĩnh vực liêm chính trong dịch vụ công, luật pháp của Kazakhstan phân định các văn phòng hành chính và chính trị của dịch vụ công, quy định việc tuyển chọn cạnh tranh vào các vị trí hành chính, thiết lập các hạn chế liên quan đến việc nhận quà tặng. Những sửa đổi luật pháp được thực hiện vào tháng 12 năm 2010 cũng là một điểm tích cực, bao gồm việc giới thiệu các quy định về xung đột lợi ích, hạn chế sau khi nghỉ việc, nghĩa vụ của công chức trong việc báo cáo các hành vi tham nhũng. Vào tháng 4 năm 2011, Bộ Quy tắc đạo đức của công chức đã được thông qua.
Tuy nhiên, Báo cáo cũng chỉ ra một số thiếu sót nghiêm trọng trong các quy định pháp luật về tính liêm chính trong dịch vụ công: danh sách các quan chức chính trị quá rộng và không hợp lý; thiếu tiêu chí rõ ràng cho việc cạnh tranh dựa trên năng lực vào các vị trí hành chính, khả năng đảm nhận các vị trí đó mà không cần tuyển chọn cạnh tranh, thiếu quy định trong luật về quy trình thăng tiến cũng nên dựa trên năng lực; thiếu tiêu chí và hạn chế rõ ràng đối với các lợi ích tiền tệ (thưởng); không có bất kỳ cải cách nào trong lĩnh vực khai báo tài sản; ưu tiên không phù hợp của dịch vụ công được đặt ra trong Bộ Quy tắc đạo đức; các quy định về bảo vệ người tố giác chưa đủ chi tiết; luật pháp không cung cấp cơ sở rõ ràng để truy cứu trách nhiệm công chức vì không tuân thủ các nghĩa vụ về tính liêm chính.