Hậu quả Trung Quốc có thể đối mặt khi cách ly 30 triệu dân do corona

Thứ hai, 27/01/2020 14:00
Trung Quốc đã tiến hành cách ly hàng chục triệu dân để đối phó với dịch virus corona. Nhưng làm như vậy có thể phát sinh thêm hậu quả không mong muốn.

Chính quyền Trung Quốc đã tiến hành cách ly kiểm dịch nghiêm ngặt với hàng chục triệu người sống ở hơn một chục thành phố tại nước này nhằm đối phó với dịch virus viêm phối corona đang lan truyền nhanh chóng.

Có lẽ đây là một biện pháp tốt trong tình hình  nguy ngập do dịch corona gây ra hiện nay ở Trung Quốc.

leftcenterrightdel
 Người dân Trung Quốc tích cực đeo khẩu trang nơi công cộng để ứng phó với dịch viêm phổi corona tại nước này thời gian qua. Ảnh: Getty.

Tuy nhiên nhìn lại lịch sử thì thấy biện pháp cách ly quyết liệt trên quy mô lớn như vậy có lẽ vẫn chưa phải hoàn hảo. Thậm chí nó có thể dẫn tới hậu quả nặng nề về chính trị, tài chính, và xã hội như đã từng xảy ra trong quá khứ.

Giáo sư Howard Markel – Giám đốc Trung tâm Lịch sử Y tế tại Đại học Michigan (Mỹ) nói với CNN: “Tôi chưa bao giờ thấy toàn bộ một thành phố đông tới 11,4 triệu dân bị cô lập để ngăn chặn bệnh dịch như thế cả”.

Trong khi đó, Lawrence Gostin – một giáo sư về luật y tế toàn cầu tại Đại học Georgetown kiêm giám đốc Trung tâm Luật Y tế Toàn cầu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nhận định rằng động thái trên của Trung Quốc là “chưa từng có tiền lệ” và có thể là “không khôn ngoan”.

Giáo sư Gostin nói với CNN: “Chưa có điều nào trên quy mô như thế này được thử cả. Có rất ít bằng chứng về hiệu quả của nó. Tôi cho rằng có lý do để tin rằng điều này có khả năng phản tác dụng nếu nhìn từ góc độ y tế công cộng, và quyền xã hội, quyền con người”.

Nguy cơ phản tác dụng

Cách ly kiểm dịch đã có từ thời dịch hạch thể hạch ở Italy vào thế kỷ 14 gây chết chóc cho toàn châu Âu. Ở Venice, các thủy thủ và tàu bè đến từ các các cảng nhiễm bệnh đã bị buộc phải chờ 40 ngày trước khi được phép đậu lại nơi đây.

Giáo sư Markel cho biết, các cuộc kiểm dịch quy mô lớn như ở thành phố Vũ Hán (Trung Quốc)  nói chung là có thể tránh được vào thời nay với việc cộng đồng y tế tập trung hơn vào việc cung cấp điều trị, thuốc, và vaccine.

Theo Markel, cách ly có thể ngăn chặn được bệnh trong một khoảng thời gian nhất định nhưng “không phải là điều tốt nhất xét về dài hạn”.

Việc cách ly trên quy mô lớn có thể kéo theo các vấn đề về hậu cần. Bản thân từ “cách ly kiểm dịch” đã gây hoảng sợ rồi, vẫn theo ông Markel. Bất cứ ai lo lắng về tình trạng cảm lạnh hay sổ mũi sẽ đổ xô tới bệnh viện, và do đó tạo thêm áp lực cho các nguồn lực y tế vốn đã khan hiếm vào lúc này. Chính giới chức thành phố Vũ Hán đã thừa nhận là các bệnh viện địa phương tại đây đang vật lộn để có đủ chỗ cho người dân đến kiểm tra và điều trị bệnh.

Giáo sư Gostin cũng quan ngại về khía cạnh nhân quyền khi có tới 30 triệu dân Trung Quốc nằm trong hơn 12 thành phố bị phong tỏa để kiểm dịch.

Vị giáo sư này cũng liên hệ đến việc cách ly trên quy mô nhỏ hơn diễn ra ở Tây Phi trong đợt bùng phát dịch Ebola năm 2014. Ông cho biết, việc cách ly thời đó đã gây ra bạo lực ở chốn công cộng, gây mất niềm tin vào giới chức y tế công, và người dân đã không ra cơ sở y tế để điều trị, khiến cho việc ứng phó với dịch bệnh gặp rất nhiều khó khăn.

Hậu quả lớn hơn về mặt tài chính và xã hội

Tác động của việc cách ly vượt ra ngoài phạm vi y tế công và gây ra các vấn đề xã hội, kinh tế.

Alexandre White, Phó Giáo sư xã hội học và lịch sử y tế tại Đại học Johns Hopkins cho biết, việc cách ly kiểm dịch thường “rất tốn kém về kinh tế và tài chính”.

Khi đó, dòng chảy thương mại vào và ra khỏi vùng cách ly sẽ ngừng lại và hàng hóa đang trong quá trình vận chuyển có thể bị hỏng, giảm chất lượng tùy thuộc vào thời gian cách ly.

Ông White cho biết: “Khi việc cách ly kiểm dịch mở rộng, các khó khăn về kinh tế và xã hội đối với cộng đồng được cách ly sẽ mở rộng, đòi hỏi phải cung cấp lương thực và dịch vụ cho họ, đồng thời cản trở hoạt động kinh tế địa phương”.

Về mặt xã hội, cách ly quy mô lớn sẽ tác động mạnh lên các nhóm thành viên chịu nhiều thiệt thòi của cộng đồng dân cư và tạo ra những lo lắng về bất bình đẳng.

Phó Giáo sư White nêu trường hợp bùng phát dịch ở Cape Town năm 1901 đã dẫn tới tình trạng cách ly phân biệt chủng tộc – vụ này sau đó đã trở thành cơ sở cho nạn cách ly phân biệt chủng tộc thời kỳ apartheid.

Ông Markel nói với CNN rằng có một lịch sử dài lâu về việc cách ly kiểm dịch bị lợi dụng để phân tách xã hội hơn là đơn thuần phục vụ lợi ích y tế cộng đồng.

Chìa khóa là tin tưởng và hợp tác

Hiện người ta vẫn chưa biết rõ hết về vụ bùng phát virus viêm phổi lạ corona và cách thức phản ứng của giới chức Trung Quốc. Nhưng nói chung theo Gostin, việc tin tưởng và hợp tác của công chúng là điều quan trọng nhất mà giới chức cần có được trong tình huống khủng hoảng y tế công như thế này.

Nếu thiếu niềm tin và sự hợp tác, người dân sẽ không đến cơ sở y tế để kiểm tra bệnh tật và sẽ không chia sẻ tên của những người mà họ đã tiếp xúc trong thời gian qua, mà các thông tin này lại là một phần sống còn trong chiến lược ngăn ngừa bệnh dịch lan truyền.

Theo Gostin, giải pháp tốt nhất để ứng phó với tình huống ở Vũ Hán là gia tăng trách nhiệm của ngành y tế công. Ông cho rằng cần tạo điều kiện thuận lợi để người dân tới được bệnh viện và nên có các cơ sở y tế di động đáp ứng nhu cầu khám và điều trị của  người dân ngay tại nhà họ.

Theo Markel, một khi đã áp dụng cách ly kiểm dịch rồi thì chính quyền vẫn rất cần sự hợp tác của công chúng và nên thường xuyên cung cấp thông tin giải thích và sự liên lạc với họ./.

Theo Trung Hiếu (VOV)


 

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra