Hơn 80.000 người nhiễm SARS-CoV-2 trên thế giới

Thứ năm, 27/02/2020 09:09
Các nước trên thế giới đang tăng cường các nỗ lực ngăn chặn dịch viêm đường hô cấp COVID-19 trong bối cảnh số người nhiễm SARS-CoV-2 hiện đã vượt con số 80.000 người, cao gấp 10 lần so với số người từng nhiễm Hội chứng viêm đường hô hấp cấp (SARS).

leftcenterrightdel
Ảnh: Yonhap News 

Hàn Quốc: Hơn 1.000 người nhiễm SARC-CoV-2

Theo Ủy ban Đối sách phòng dịch Trung ương thuộc Cơ quan Quản lý dịch bệnh Hàn Quốc (NMC), tính tới 9h sáng 26/2, tại nước này đã có 1.146 ca nhiễm SARC-CoV-2, tăng 169 ca nhiễm mới so với một ngày trước. Trong đó, có 153 người thuộc khu vực thành phố Daegu và tỉnh Bắc Gyeongsang. 

Số ca tử vong đã tăng lên 11 người. Ca tử vong thứ 11 là bệnh nhân thứ 875, nam giới, độ tuổi 30, quốc tịch Mông Cổ. Cơ quan chức năng đang điều tra nguyên nhân tử vong của người này.

Tính đến nay, đã có tổng cộng 22 người được điều trị khỏi hoàn toàn và xuất viện.

Ngoại trừ các ca nhiễm, tổng cộng 44.981 người đã được xét nghiệm SARC-CoV-2, trong đó có 28.247 người cho kết quả âm tính, 16.734 người đang chờ kết quả.

Nhật Bản triển khai mạnh mẽ các biện pháp phòng dịch

Trong 2 ngày qua, giới chức Nhật Bản đã ra một loạt quyết định nhằm ngăn chặn dịch COVID-19 trong bối cảnh số ca nhiễm mới tại nước này vẫn đang tăng lên từng ngày.

Sau khi Chính phủ Nhật Bản ngày 25/2 công bố kế hoạch mới nhằm khống chế dịch, nhiều cơ quan, tổ chức tại Nhật Bản đã ngay lập tức có những động thái cụ thể để ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Bộ Y tế Nhật Bản đã thành lập nhóm 30 người là những chuyên gia đầu ngành tại Viện Truyền nhiễm quốc gia và một số đại học lớn.

Nhóm này sẽ được triển khai tới những địa phương có nhiều người nhiễm bệnh để nắm bắt thông tin, từ đó báo cáo về Bộ Y tế để bộ này có phương án xử lý hiệu quả, đồng thời hỗ trợ và phối hợp với các địa phương để đối phó với dịch bệnh, không để dịch bệnh bùng phát. Hiện tổ chuyên gia đầu tiên gồm 3 người đã được cử tới Hokkaido, địa phương có số người nhiễm bệnh cao nhất tại Nhật Bản hiện nay với 35 trường hợp.

Bộ Quốc phòng Nhật Bản quyết định hủy hoặc hoãn một số hoạt động do bộ này tổ chức từ nay đến cuối tháng 3 tới. Với một số sự kiện bắt buộc phải tổ chức, số lượng quan khách và khách mời được giới hạn ít nhất có thể. Bộ Tư pháp Nhật Bản cũng đã quyết định hủy hội thảo về phòng chống tội phạm, dự kiến tổ chức tại Kyoto vào ngày 1/3 tới. Bộ Giáo dục Nhật Bản cho biết trên cơ sở thảo luận với chính quyền địa phương, sẽ quyết định đóng cửa một phần hoặc toàn bộ các trường học, nếu có trường hợp nhiễm bệnh. 

Ban Tổ chức Giải Bóng đá chuyên nghiệp Nhật Bản J-League vừa quyết định tạm hoãn tất cả các trận đấu chính thức trong khuôn khổ J-League trong vòng 3 tuần tới để ngăn ngừa sự lây lan của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 do virus SARS-CoV-2 gây ra.

Dự kiến, Quốc hội Nhật Bản sẽ tổ chức phiên thảo luận về vấn đề phòng chống dịch bệnh tại phiên họp của Ủy ban Ngân sách Hạ viện trong ngày 26/2. Ủy ban Ngân sách cũng dự định sớm quyết định và thông qua ngân sách tài khóa 2020 (bắt đầu từ ngày 1/4 tới) để chủ động các khoản kinh phí đối phó với dịch bệnh. 

Tính đến sáng 26/2, tổng cộng đã có 862 trường hợp mắc tại Nhật Bản, bao gồm cả 691 du khách và thủy thủ đoàn trên du thuyền Diamond Princess.

Cảnh báo nguy cơ dịch bùng phát tại Mỹ

Giới chức y tế Mỹ ngày 25/2 đã cảnh báo nguy cơ SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 gần như chắc chắn sẽ bắt đầu lan vào các cộng đồng dân cư ở Mỹ và người Mỹ cần bắt đầu chuẩn bị đối phó.

Kênh truyền hình CNBC cho biết tính đến ngày 25/2, Mỹ đã có 53 trường hợp nhiễm SARS-CoV-2. Giám đốc Trung tâm quốc gia về các bệnh đường hô hấp và miễn dịch của Mỹ, bà Nancy Messonnier, phát biểu với tờ New York Times rằng vấn đề giờ đây không còn là dịch có xảy ra hay không mà là dịch sẽ xảy ra khi nào. 

Hiện Trung tâm Phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh Mỹ (CDC) chưa khẳng định được mức độ dịch sẽ ở mức nhẹ hay nghiêm trọng khi xâm nhập vào Mỹ nhưng khuyến cáo người dân chuẩn bị tinh thần đối phó với dịch và tình hình cuộc sống thường ngày bị đảo lộn.

Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ con người Mỹ Alex Azar nhận định nhiều khả năng sẽ có thêm nhiều ca nhiễm COVID-19 tại nước này khi ông yêu cầu một ủy ban Thượng viện phê chuẩn ngân sách 2,5 tỷ USD để chống dịch. Theo ông Azar, số tiền trên sẽ giúp Mỹ mở rộng hệ thống giám sát, hỗ trợ chính quyền các bang và địa phương, giúp phát triển vaccine và các liệu pháp điều trị cũng như mở rộng kho dự trữ các thiết bị bảo hộ như khẩu trang. Bộ trưởng Y tế Mỹ cũng cho hay hiện Mỹ đang dự trữ khoảng 30 triệu khẩu trang, nhưng ước tính số lượng cần thiết lên tới 300 triệu chiếc. 

Hiện CDC đã đưa ra cảnh báo người Mỹ không du lịch tới Hàn Quốc. Giới chức chính quyền Mỹ phụ trách đối phó với nguy cơ xảy ra dịch COVID-19 đã thông báo với Quốc hội rằng trước mắt Nhà Trắng cần 1,25 tỷ USD ngân sách mới và khoảng 1,25 tỷ USD lấy từ các chương trình khác để chuẩn bị sẵn sàng trong trường hợp có dịch. 

Liên minh châu Phi tăng cường phối hợp ứng phó với dịch bệnh

Liên minh châu Phi (AU) cho biết sẽ tăng cường hơn nữa quan hệ đối tác và phối hợp giữa các quốc gia trên toàn châu lục để đối phó với dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Đây là tuyên bố của Ủy ban AU tại cuộc họp Bộ trưởng Khối các quốc gia châu Phi gồm 55 quốc gia thành viên về các nỗ lực ứng phó và phối hợp chống dịch COVID-19 vừa diễn ra tại trụ sở của AU ở thủ đô Addis Ababa (Ethiopia).

Tại cuộc họp, các bộ trưởng đã thảo luận và thống nhất về chiến lược của châu lục để chuẩn bị tốt hơn và ứng phó tốt hơn với dịch bệnh, trong đó nhấn mạnh đến các phương pháp phổ biến để giám sát, hạn chế di chuyển những người có nguy cơ nhiễm virus SARS-CoV-2 và trao đổi thông tin. Các bộ trưởng cũng thảo luận về cách làm phối hợp để xây dựng và thực hiện các kế hoạch quốc gia cho việc chuẩn bị, nâng cao năng lực, lưu trữ các trang thiết bị bảo vệ…, thực hiện các hướng dẫn từ Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dich bệnh (CDC) của châu Phi và Tổ chức Y tế thế giới (WHO).

Theo WHO, Ai Cập, Algeria và Nam Phi sẽ là 3 quốc gia có nguy cơ cao nhất đối với sự lây nhiễm virus SARS-CoV-2 ở châu Phi do việc trao đổi  thương mại bằng đường hàng không với Trung Quốc và các nước khác đang có dịch. Ba quốc gia này cũng là một trong những nước được trang bị tốt nhất tại châu lục này để phát hiện và có các biện ứng phó phù hợp với dịch bệnh.

Italy ghi nhận ca tử vong thứ 11

Tại Italy đã ghi nhận ca tử vong thứ 11 ở thành phố Trevis, miền Bắc. Nước này đang nỗ lực ngăn chặn sự lây lan từ tâm dịch ở các khu vực giàu có Lombardy và Veneto. Số ca mắc được ghi nhận trong ngày 25/2 là 322 so với 229 ca trong ngày 24/2. Phần lớn các ca nhiễm bệnh ở miền Bắc Italy.

Một số nước châu Âu ngày 25/2 ghi nhận các ca dương tính với SARS-CoV-2 đầu tiên.

Giới chức tỉnh Tyrol (Áo) cho biết 2 trường hợp đầu tiên nhiễm SARC-CoV-2 đều là công dân Italy, 24 tuổi. Họ được cho là nhiễm virus trong một chuyến đi đến vùng Lombardy, phía Bắc Italy. Trong khi đó, Đài truyền hình Thụy Sĩ đưa tin, giới chức ở vùng Ticino, thuộc phía Nam nước này và giáp với Italy đã xác nhận ca nhiễm đầu tiên xuất hiện ở khu vực này.

Thủ tướng Croatia Andrej Plenkovic cũng xác nhận nước này có ca nhiễm SARC-CoV-2 đầu tiên. Ông Plenkovic cho biết thêm, bệnh nhân là một người trẻ tuổi, đang được điều trị tại một phòng khám ở thủ đô Zagreb và đang được cách ly. 

Giới chức y tế Tây Ban Nha xác nhận ca nhiễm virus đầu tiên ở vùng Catalonia. Báo La Vanguardia dẫn nguồn tin từ giới chức y tế nước này cho biết đây là ca đầu tiên nhiễm virus trên đất liền của Tây Ban Nha và là ca thứ 4 được xác nhận nhiễm bệnh tại quốc gia này. Trước đó, 3 du khách người Đức, Italy và Anh đã được xác nhận nhiễm virus tại quần đảo Canary và Mallorca.

Dấu hiệu lây lan nhanh tại các nước vùng Vịnh

Ngày 25/2, các quốc gia vùng Vịnh đã tuyên bố những biện pháp mới giảm các tuyến bay tới Iran để ngăn chặn lây lan dịch. Theo thống kê tính đến ngày 25/2, Iran ghi nhận 16 ca tử vong do COVID-19 và tổng số trường hợp nhiễm bệnh ở nước này là 95 người.

Các Tiểu vương quốc Arab thổng nhất (UAE) đã dừng mọi chuyến bay chở khách và chở hàng đến và đi từ Iran sau khi các quốc gia láng giềng như Kuwwait và Bahrain công bố các ca nhiễm SARS-CoV-2 mới. Trong hai ngày qua, Kuwait, Bahrain và Oman đã ghi nhận 29 ca nhiễm trong số những tín đồ trở về từ Iran. Theo thông báo của Tổng cục Hàng không dân dụng UAE, lệnh cấm có hiệu lực từ ngày 25/2 và kéo dài một tuần. UAE đã ghi nhận 13 ca dương tính với SARS-CoV-2, tất cả đều là người nước ngoài.

Bahrain cũng đã tạm thời cấm công dân di chuyển tới Iran cho tới khi có thông báo mới. Oman tuyên bố sẽ dừng mọi hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa từ Iran từ ngày 26/2, đồng thời lên kế hoạch đón công dân nước này từ Iran về nước. Cả Kuwait, Oman và Bahrain đều có đông dân theo đạo Hồi dòng Shi'ite, những người thường đến Iran để viếng các thánh đường Hồi giáo tại quốc gia này. Kuwait đã hủy tất cả các chương trình chào mừng lễ Quốc khánh vào ngày 25-26/2 và mọi sự kiện thể thao để ngăn ngừa nguy cơ lây lan dịch bệnh.

Tại Iraq, tất cả các thánh đường Hồi giáo, đường phố và trường học tại thành phố Najaf đều đã ngừng hoạt động. Đây cũng là thành phố ghi nhận ca nhiễm bệnh đầu tiên ở Iraq là một học viên người Iran đang nghiên cứu đạo Hồi tại đây. Bộ Y tế Iraq cho biết khoảng 1.028 trường học tại tỉnh Najaf cũng sẽ đóng cửa trong khoảng 10 ngày vì lo ngại lây lan dịch bệnh. Bộ này cũng khuyến cáo người dân các địa phương khác hạn chế tới tỉnh Najaf trong thời gian này.

Trong khi đó, Chính phủ Liban đã quyết định hạn chế các chuyến bay tới các quốc gia có dịch và cấm toàn bộ các chuyến bay chở người hành hương. Những người theo đạo Hồi ở Liban thường đáp các chuyến bay tới Iran, Iraq và Saudi Arabia để thực hiện các nghi lễ hành hương. Liban công bố ca nhiễm COVID-19 đầu tiên hôm 21/2 là một phụ nữ 45 tuổi vừa trở về từ Iran./.

 

Theo VGP

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra