Nhiều nước bắt đầu nới lỏng các hạn chế được áp đặt trước đó vì virus corona. (Ảnh: Reuters)
ABC News dẫn thống kê của Trung tâm Khoa học và Kỹ thuật tại Đại học Johns Hopkins (Mỹ) cho biết. Số ca tử vong thực tế được cho là còn cao hơn do việc xét nghiệm không đầy đủ, nhiều trường hợp không được báo cáo.
Hiện, các nước Bắc Mỹ và châu Âu chiếm hầu hết các ca tử vong và nhiễm bệnh mới. Tuy nhiên, số ca nhiễm và thiệt mạng cũng tăng lên từ các điểm nóng nhỏ hơn ở Mỹ La tinh, châu Phi và Nga.
Trên toàn cầu, trong 24h qua có 61.923 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm lên 3,58 triệu, Reuters đưa tin.
Dự báo ớn lạnh về số ca tử vong ở Mỹ
Kể từ khi ca nhiễm virus corona chủng mới được phát hiện tại Trung Quốc hồi tháng 12, Mỹ đã trở thành nước bị tác động nặng nề nhất, với hơn 1,1 triệu người được chẩn đoán nhiễm virus và ít nhất 68.326 người chết.
Theo CNN, một mô hình về virus corona rất có ảnh hưởng, thường được Nhà Trắng viện dẫn, mới đây dự báo, sẽ có 134.000 người chết vì Covid-19 ở Mỹ, gần gấp đôi dự báo trước đó.
Dù mỗi ngày có hàng chục nghìn ca nhiễm mới virus corona song Mỹ vẫn có những động thái dè dặt để dỡ bỏ một số hạn chế. Tại Washington, Thượng viện lần đầu nhóm họp kể từ tháng 3 trong khi tại Nam Dakota, một nhà máy chế biến thịt lợn đã có những bước đi đầu tiên tiến tới tái mở cửa sau khi hơn 800 công nhân nhiễm virus corona.
Lệnh phong toả dài nhất ở châu Âu được nới lỏng
Bắt đầu từ 4/5, khoảng 4,4 triệu người Italia được phép quay trở lại làm việc khi lệnh phong toả dài nhất châu Âu bắt đầu nới lỏng, theo AP.
Italia, quốc gia đầu tiên ở châu Âu bị đại dịch Covid-19 tấn công và là một trong những nước có số ca tử vong cao, đã tái mở cửa thận trọng sau hai tháng phong toả. Giao thông ở Rome trở nên nhộn nhịp, các công trường xây dựng và các hoạt động sản xuất được nối lại, các công viên cũng tái mở cửa, những người bán hoa lần đầu tiên trở lại chợ Campo del Fiori.
Dù vậy, tự do ở châu Âu vẫn còn hạn chế do nhà chức trách lo ngại làn sóng lây nhiễm thứ hai sẽ bùng phát. Tại Italia, người đi viếng đã có thể tham dự các lễ tang, nhưng chỉ giới hạn ở mức 15 người. Các nhà hàng đang kỳ cọ sàn nhà để chuẩn bị cho dịch vụ giao hàng, song việc phục vụ tại chỗ phải vài tuần nữa mới có thể thực hiện.
Lãnh đạo thế giới họp thượng đỉnh qua mạng bàn về vắc xin
Phát triển vắc xin sẽ là yếu tố chủ chốt để trở lại cuộc sống thường ngày. Ngày 4/5, các nhà lãnh đạo thế giới đã nhóm họp dưới sự chủ trì của Liên minh châu Âu (EU) để bàn về nghiên cứu vắc xin cùng cam kết sẽ đóng góp 7,4 tỷ Euro. Mỹ và Nga không tham gia cuộc họp này.
Lãnh đạo Pháp, Đức, Italia, Na Uy và các quan chức hàng đầu của EU cho biết, tiền sẽ được quyên góp chủ yếu qua các tổ chức y tế toàn cầu được công nhận.
Tổng thống Macron – đại diện cho Pháp đóng góp 500 triệu Euro, nhấn mạnh, Mỹ hiện đang ở ngoài lề. Tuy nhiên, ông cho biết sẽ thảo luận vấn đề này với Tổng thống Mỹ Donald Trump và thuyết phục Mỹ tham gia sáng kiến này vào một thời điểm nào đó.
Theo Vietnamnet.vn