Trong ngày làm việc chính thức đầu tiên tại Phòng Bầu dục, tân Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký sắc lệnh hành pháp, chính thức rút nước này ra khỏi TPP được ký kết giữa 12 quốc gia - hiệp định được đàm phán dưới thời người tiền nhiệm Barack Obama nhưng chưa được Quốc hội Mỹ phê chuẩn. Chính quyền mới của Tổng thống Trump cũng thông báo sẽ đàm phán lại Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA), hiệp định được ký kết từ năm 1994 giữa Mỹ, Canada và Mexico. Và nếu các đối tác trong NAFTA từ chối một thỏa thuận công bằng mới, Tổng thống Trump để ngỏ khả năng sẽ tham gia hiệp định này. Theo Nhà Trắng, người Mỹ trong một thời gian dài đã buộc phải chấp nhận các thỏa thuận thương mại đặt lợi ích của người trong cuộc và giới tinh hoa tại Washington lên trên người lao động Mỹ. Và các nhà máy tại nhiều thị trấn và thành phố đã phải đóng cửa, trong khi những việc làm được trả lương cao lại bị chuyển ra nước ngoài, giữa lúc nước Mỹ đối mặt với thâm hụt thương mại gia tăng và các cơ sở chế tạo bị xuống cấp nghiêm trọng. Vì thế, các thỏa thuận thương mại cứng rắn và công bằng có thể sẽ đưa nền kinh tế Mỹ tiến lên và đưa hàng triệu việc làm trở lại nước Mỹ.
Trong một báo cáo thường niên, Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) cho biết cơ quan này có ý muốn tiếp tục hợp tác song phương mạnh mẽ với các đối tác ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Báo cáo của USTR cho biết chính quyền của Tổng thống Trump sẽ thương lượng "các thỏa thuận thương mại mới và tốt hơn với các đối tác chủ chốt" theo cách công bằng và tự do hơn cho người lao động và doanh nghiệp Mỹ. Mặc dù các nền kinh tế chủ chốt mà Mỹ sẽ thương lượng song phương không được nêu tên, nhưng Nhật Bản có thể là một trong số đó. USTR cho biết chính quyền của ông Trump đang tập trung vào các đàm phán song phương hơn là đàm phán đa phương, trái ngược hướng đi của chính quyền Barack Obama. Theo báo cáo của USTR, quán triệt chủ trương “Nước Mỹ là trên hết” của ông Trump, chính sách thương mại của chính quyền mới nhắm đến việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và kiến tạo việc làm, củng cố nền tảng chế tạo của Mỹ và mở rộng xuất khẩu nông sản và dịch vụ... Giới quan sát cho rằng ông Trump tin là Mỹ sẽ có lợi thế hơn khi đàm phán các hiệp định song phương với Trung Quốc, Nhật Bản, Đức hay Mexico, đồng thời khẳng định những chính sách tự do thương mại đa phương trước đây chỉ làm nước Mỹ yếu đi. Các chính sách bảo hộ thương mại bằng việc đánh thuế của ông Trump rất có thể là để ép đối tác thương mại nhượng bộ khi Mỹ đàm phán lại các thỏa thuận cũ và ký kết các thỏa thuận mới.
Hiện nay, một số thành viên TPP như Australia, New Zealand, Chile và Singapore đang tìm kiếm một thỏa thuận thương mại không có Mỹ, được gọi là “TPP 11” hay “TPP 12-1”. Đề xuất về một TPP 11 nhằm mục đích giữ cho hiệp định này tồn tại không chỉ vì TPP là một thỏa thuận lịch sử được ra đời sau gần một thập niên đàm phán giữa các quốc gia mà bởi đây còn là một thỏa thuận thương mại hiện đại, toàn diện và có tiêu chuẩn cao, mang lại lợi ích đáng kể về kinh tế cho các nước, kể cả nếu không có Mỹ. Nếu TPP giảm từ 12 xuống còn 11 thành viên, các nước đã có Hiệp định thương mại tự do (FTA) với Mỹ trong khuôn khổ song phương hoặc đa phương sẽ là những nước có lợi. Canada và Mexico, hai nước đã ký NAFTA cùng với Mỹ, sẽ là những nước hưởng lợi hơn về kinh tế trong TPP 11 hơn là TPP 12. Bên cạnh đó, bốn thành viên TPP đã có FTA song phương với Mỹ gồm Australia, Chile, Peru và Singapore cũng sẽ hưởng lợi hơn với TPP 11. Nhóm nước thứ hai hưởng lợi từ TPP 11 là các nước không tham gia TPP, bởi sản lượng kinh tế sẽ giảm ít hơn so với khi TPP có 12 thành viên, với GDP của các nền kinh tế lớn như Trung Quốc, Ấn Độ và Liên minh châu Âu ước đoán sẽ giảm 0,2% khi TPP bao gồm cả Mỹ.
Trong khi đó, cũng có hai nhóm nước thất bại từ việc Mỹ rút khỏi TPP, mà nước hứng chịu thất bại nặng nề nhất chính là Mỹ. Mỹ được kỳ vọng sẽ là nước hưởng lợi lớn nhất từ TPP 12 và TPP 11 có thể khiến GDP của nền kinh tế lớn nhất thế giới này giảm 0,2%. Quyết định rút Mỹ khỏi TPP của ông Trump có thể cứu nguy cho một số việc làm trong các ngành công nghiệp chế tạo và khai khoáng nhưng nước Mỹ có thể sẽ phải chịu tổn thất cho việc mất việc làm trong các ngành nông nghiệp và dịch vụ. Và các nước vốn hy vọng thiết lập được mối quan hệ thương mại ưu đãi với Mỹ và đang trong quá trình cải cách cơ cấu trong nước thông qua TPP 12 như Nhật Bản, Malaysia và Việt Nam cũng sẽ trở thành nước thua cuộc trong TPP 11. Theo ước tính, lợi ích của TPP 11 mang tới cho GDP của các nước này lần lượt là 0,5%, 04% và 1,1% và dù lợi ích này thấp hơn so với kỳ vọng mà TPP 12 mang lại nhưng nó vẫn có sức hấp dẫn trong bối cảnh thương mại toàn cầu đang giảm sút và nền kinh tế thế giới không chắc chắn. Nhìn chung, vẫn có những lợi ích để các nước thành viên TPP còn lại tiếp tục thỏa thuận và thúc đẩy việc hình thành TPP 11. Theo tính toán, giá trị kinh tế mà TPP 11 mang đến cho các thành viên sẽ là 0,4% tổng GDP của các nước và TPP 11 cũng sẽ làm tăng thêm khoảng 5 tỷ USD cho toàn cầu. Chile đã mời các nước thành viên TPP cùng với Trung Quốc tham dự Hội nghị thúc đẩy thương mại châu Á - Thái Bình Dương dự kiến diễn ra vào giữa tháng này, bàn về tương lai của TPP trong trường hợp không có sự tham gia của Mỹ.
Việc chính quyền mới ở Mỹ ủng hộ các thỏa thuận song phương thay vì các hiệp định khu vực có thể khiến các cuộc đàm phán của nước này với châu Âu có chung số phận như TPP. Khi các thỏa thuận thương mại đa phương lớn trong Tổ chức Thương mại Thế giới hiện quá khó khăn và các thỏa thuận song phương chỉ làm chậm quá trình hướng tới các thị trường tự do hơn, mọi sự chú ý đang đổ dồn vào RCEP. Với việc Mỹ ưu tiên thúc đẩy các thỏa thuận thương mại song phương thay vì các thỏa thuận đa phương hay thương mại tự do, các quan chức cấp cao RCEP hy vọng sẽ sớm đạt được đồng thuận trong các vấn đề về thuế, cũng như cách thức mà các nền kinh tế lớn có thể hỗ trợ các nền kinh tế đang phát triển. RCEP được cho là con đường tốt nhất để tiến tới một khu vực thương mại tự do của châu Á - Thái Bình Dương. Với hệ thống thương mại thế giới đang bị đe dọa, giờ là lúc các nhà lãnh đạo ở châu Á thúc đẩy mở cửa các thị trường và đẩy mạnh các cải cách để tăng cường hội nhập kinh tế, không chỉ với nhau mà còn với châu Âu, Mỹ và phần còn lại của thế giới.
Về mặt kinh tế, RCEP sẽ hoạt động hiệu quả nhất nếu có thể cắt giảm đáng kể các rào cản đối với thương mại và đầu tư, tạo thuận lợi hơn nữa cho thương mại, và hỗ trợ nỗ lực cải cách của các nước. Nhưng đối với RCEP để có được một tác động đáng kể, các nước thành viên sẽ phải cam kết các biện pháp như cải cách quy định, quản lý, phá bỏ các rào cản gia nhập thị trường và đối xử bình đẳng với các công ty nước ngoài ở trong nước. Về mặt chiến lược, cách thức phát triển RCEP sẽ xác định liệu thương mại có trở thành một công cụ thúc đẩy hợp tác và hội nhập ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương rộng lớn này hay không hoặc sẽ là nguyên nhân gây ra sự cạnh tranh và phân mảnh kinh tế. Các nước thành viên RCEP có thể quyết định theo đuổi một thỏa thuận tìm kiếm mở rộng các lợi ích kinh tế cho Mỹ và các nước không thuộc RCEP. Sẽ là cách tốt nhất để khuyến khích Mỹ duy trì cam kết kinh tế của mình đối với khu vực châu Á, vốn luôn là một trong những mục tiêu cốt lõi của TPP./.
Dương Thái