Có nhà nghiên cứu văn hóa cho rằng, các nước như Việt Nam, Hàn Quốc, Trung Quốc… đều lấy Kinh dịch để tính tuổi theo Thiên can - Địa chi, tượng trưng cho Thiên - Địa – Nhân- Hòa. Vì vậy, ngoài tục mừng tuổi, mừng thọ đầu năm, ngày Tết là dịp để người ta hướng về nguồn cội, tỏ bày lòng biết ơn ông bà, cha mẹ và chúc tụng người thân, bạn bè…
Nhằm thể hiện những điều cầu vọng, ước mơ trong năm mới, ở mỗi nước đều có phong tục, tập quán riêng trong ngày Tết như các món ăn, món cúng tổ tiên, trang phục ngày Tết, cách trang trí nhà cửa…
Mâm cơm cúng trong ngày Tết ở Hàn Quốc. Ảnh: iveinkorea.kr/portal
Tại
Hàn Quốc, người dân gọi ngày Tết Nguyên đán (tức ngày mùng Một tháng Giêng âm lịch) là “Seol”. Do những điều kiện lịch sử, đến năm 1989, tết âm lịch ở Hàn Quốc mới được phục hồi và được gọi là Seol. Theo đài KBS, từ “Seol” bắt nguồn từ “Natseolda” mang ý nghĩa là sự “khác lạ, mới mẻ”.
Với người Hàn Quốc, lễ tết là những ngày đoàn viên đại gia đình, là dịp để cảm tạ ơn đức của ông bà tổ tiên bằng những mâm cơm cúng với những quy ước nghiêm ngặt.
Vào ngày này, người ta làm mâm cơm cúng để cảm tạ ông bà tổ tiên. Các món ăn và vị trí của mỗi loại thức ăn trên mâm cơm cúng của người Hàn Quốc đều được sắp đặt theo qui tắc, như món Eodongyukseo (ngư đông nhục tây, tức là món cá thì đặt ở phía đông, món thịt đặt ở phía tây) hay món Jwapouhye (tả phủ hữu ê, tức là thịt khô thì đặt bên trái và nước sikhye nấu bằng gạo và mầm lúa mỳ lên men thì đặt bên phải…).
Theo phong tục truyền thống, trong những ngày tết ở Hàn Quốc, sau khi cúng bái tại gia và đi tảo mộ, mọi người sẽ tổ chức liên hoan chung cả làng, nơi chôn rau cắt rốn và trưởng thành của mỗi thành viên.
Người Triều Tiên chơi cờ Yut Nori trong những ngày Tết. Nguồn ảnh: Korea Times
Người
Triều Tiên cũng đón Tết Nguyên đán (gọi là Seollal) vào ngày đầu tiên của năm mới âm lịch và kéo dài trong 3 ngày. Đây là ngày lễ truyền thống quan trọng nhất của nhân dân Triều Tiên.
Vào ngày Tết, người Triều Tiên thường vận trang phục truyền thống, gọi là hanbok. Mon ăn truyền thống của họ là món “Tteokguk” (canh bánh gạo).
Tết Triều Tiên tương tự sinh nhật của người Triều Tiên và việc ăn Tteokguk như là một phần của buổi sinh nhật. Theo đó, nếu bạn ăn xong phần Tteokguk của mình tức là bạn già đi 1 tuổi.
Người dân Trung Quốc ở Thanh Đảo (tỉnh Sơn Đông) mua sắm đồ trang hoàng dịp Tết Mậu Tuất 2018. Ảnh: Tân Hoa xã (ngày 10/2/2018)
Tết Nguyên đán tại
Trung Quốc còn có tên gọi là "Xuân Tiết", đánh dấu sự kết thúc của mùa đông và khởi đầu mùa xuân mới.
Tết của người Trung Quốc được tính từ ngày đầu tiên của tháng âm lịch đầu tiên và kết thúc vào ngày tổ chức lễ hội đèn lồng Rằm tháng Giêng.
Đêm giao thừa ở Trung Quốc là ngày dành cho sum họp gia đình.
Tết của người Trung Quốc còn được biết tới như lễ hội mùa xuân với nhiều hoạt động văn hóa như múa lân, rồng... Nhà cửa, đường phố đều được trang trí bằng màu đỏ hoặc vàng, hai màu tượng trưng cho sự giàu sang, thịnh vượng, được người Trung Quốc ưa chuộng.
Lễ hội Chingay Parade là sự phô bày rực rỡ những nét đặc sắc nhất trong di sản đa văn hóa của Singapore. Ảnh: VisitSingapore.com
Ở Đông Nam Á, quốc đảo
Singapore đón Tết âm lịch cũng giống Việt Nam, Trung Quốc vì gần một dân số Singapore là người gốc Hoa.
Diễn ra cùng thời điểm với Tết Nguyên đán của người Việt Nam, những ngày Tết ở Singapore thường tổ chức lễ hội mùa xuân với 3 sự kiện nổi bật là Lễ hội Hoa đăng, Lễ hội Singapore River Hongbao và Lễ hội đường phố Chingay Parade.
Trong 15 ngày (từ ngày đầu năm mới đến Rằm tháng Giêng), trên đất nước Singapore đâu đâu cũng diễn ra các hoạt động vui xuân. Đây cũng là dịp mọi người đi thăm họ hàng, bạn bè… Vào dịp này, biểu diễn múa lần là hoạt động văn hóa không thể thiếu ở Singapore.
Người Mông Cổ quây quần đón Tết. Nguồn ảnh: Zing.vn
Tại
Mông Cổ, Tết âm lịch được gọi là “Tsagaan Sar” (nghĩa là Trăng Trắng). Vào ngày đầu tiên trong năm theo âm lịch Mông Cổ, người dân tổ chức lễ hội đánh dấu Tết âm lịch.
Đây là thời gian vào khoảng 1 tháng sau ngày trăng mới đầu tiên của tiết Đông chí (khoảng tháng 1 hay tháng 2 dương lịch), trùng với dịp Tết Nguyên đán của Việt Nam, Trung Quốc).
Vào ngày Tết, người dân dọn dẹp nhà cửa kỹ lưỡng; người chăn gia súc cũng dọn dẹp chuồng trại sạch sẽ. Người Mông Cổ cũng tổ chức lễ tất niên. Trong khoảng thời gian Tết, các gia đình sẽ thắp nến ở bàn thờ. Ngoài ra, vào dịp này, mọi người cũng đi thăm bạn bè.
Trong ngày Tết, trang phục của nhiều người Mông Cổ sẽ hoàn toàn là trang phục dân tộc Mông Cổ. Món ăn truyền thống của người Mông Cổ vào ngày Tết bao gồm các sản phẩm từ bơ sữa, cơm với sữa đông hay cơm với nho khô, bánh buuz, thịt ngựa…
Theo baochinhphu.vn