Tại Trung Quốc, các biện pháp chống tham nhũng đã được tăng cường trong những năm gần đây. Sau khi Chủ tịch Tập Cận Bình nhậm chức năm 2013, đấu tranh chống tham nhũng là ưu tiên hàng đầu của chính quyền của ông. Kể từ khi chiến dịch chống tham nhũng được đẩy mạnh, hàng chục ngàn cán bộ đã phải đối mặt với việc bị trừng phạt, có người thậm chí còn bị tử hình vì nhận hối lộ. Vào ngày 5 tháng 12 năm 2014, cựu giám đốc an ninh nội địa Chu Vĩnh Khang, một trong những chính trị gia cao cấp nhất Trung Quốc cho tới năm 2012 đã bị bắt vì tội nhận hối lộ và các cáo buộc tương tự. Đây là lần đầu tiên thành viên đã nghỉ hưu của Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị bị truy tố. Vào tháng 6 năm 2015, người này đã bị kết án chung thân.
Những nội dung về chống tham nhũng của Trung Quốc có thể được tìm thấy trong Luật Hình sự và Luật Cạnh tranh không lành mạnh. Song song với hệ thống pháp luật của Trung Quốc là những chính sách và biện pháp kỷ luật của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Bộ luật hình sự Trung Quốc
Bộ Luật Hình sự Trung Quốc nghiêm cấm mọi hành vi hối lộ cho nhân viên nhà nước, các quan chức nước ngoài, người thân và cộng sự của nhân viên nhà nước. Bộ Luật này cũng cấm hối lộ cho các công ty.
Đối với trường hợp hối lộ cán bộ, Điều 389 Bộ luật Hình sự Trung Quốc chỉ rõ “với mục đích tìm kiếm lợi nhuận bất hợp pháp, đưa tài sản cho một nhân viên nhà nước sẽ bị kết tội hối lộ”. Một người nhận hối lộ có thể bị phạt tù lên đến mức chung thân. Thời gian bị giam giữ dựa trên mức độ nghiêm trọng của từng trường hợp. Hành vi nhận hối lộ của một nhân viên nhà nước cũng là một hành vi phạm tội, trong một số trường hợp mức án có thể dẫn đến tù chung thân hoặc tử hình. Nếu một người hối lộ phạm tội ở mức độ nhẹ, nhưng thành khẩn khai báo và đóng vai trò quan trọng trong một cuộc điều tra thì hình phạt của người đó có thể được giảm bớt hoặc từ bỏ.
Về hối lộ thương mại và hối lộ quan chức nước ngoài, Điều 164 của Bộ Luật Hình sự Trung Quốc ban đầu đã cấm “đưa một lượng lớn tiền hoặc tài sản cho một công ty vì lợi ích bất hợp pháp”. Đến năm 2011, nội dung này đã được sửa đổi thành “cấm đưa bất kỳ khoản tiền hoặc tài sản nào cho một quan chức công chúng nước ngoài vì lợi ích thương mại bất hợp pháp.” Những sửa đổi năm 2011 đã giúp Bộ luật Hình sự Trung Quốc phù hợp hơn với các công ước quốc tế.
Luật cạnh tranh không lành mạnh của Trung Quốc
Ngoài Điều 163 của Bộ luật Hình sự Trung Quốc nghiêm cấm hối lộ thương mại, Điều 8 của Luật Cạnh tranh không lành mạnh Trung Quốc cũng quy định nội dung này. Cụ thể, một nhà điều hành kinh doanh không được hối lộ bằng cách cung cấp tiền hoặc hàng hóa hoặc bằng bất kỳ phương tiện nào khác, trong việc bán hoặc mua hàng hóa. Một nhà điều hành kinh doanh cung cấp giảm giá bí mật ngoài sổ sách cho đối tác, một đơn vị hoặc một cá nhân, sẽ bị coi là đưa hối lộ; và bất kỳ đơn vị hoặc cá nhân nào chấp nhận giảm giá ngoài sổ sách trong bí mật sẽ bị coi là nhận hối lộ. Nhà điều hành kinh doanh giảm giá cho đối tác và trả tiền hoa hồng cho người trung gian phải nhập chúng vào tài khoản một cách trung thực. Nhà điều hành kinh doanh chấp nhận giảm giá hoặc hoa hồng cũng phải kê khai thật vào tài khoản.
Năm 2008, Tòa án và Viện kiểm sát nhân dân tối cao Trung Quốc đã đưa ra ý kiến về hối lộ thương mại. Cụ thể, các yếu tố sau đây cần được xem xét để phân biệt hối lộ với một món quà: Mối quan hệ gia đình hay bạn bè; lịch sử, hoàn cảnh và mức độ tương tác giữa người cho và người nhận; giá trị của món quà; lý do của món quà, thời gian và cách thức của món quà và sự hiện diện của một yêu cầu...
Có hiệu lực từ năm 2013, Tòa án và Viện kiểm sát nhân dân tối cao Trung Quốc tuyên bố rằng một khoản hối lộ cho 10.000 RMB (khoảng 1600 đô la Mỹ ngày nay) sẽ dẫn đến một hình phạt hình sự. Những khoản hối lộ dưới 200.000 RMB có thể được coi là nghiêm trọng nếu được trao cho các cơ quan như Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Nhà nước và Cục Bảo vệ môi trường vì tính mạng hoặc tài sản và lợi ích công cộng đang bị đe dọa. Hối lộ hơn 1 triệu RMB (khoảng 157.300 đô la Mỹ ngày nay) được coi là nghiêm trọng nhất.
Nguồn gốc của việc tặng quà
Trong thời cổ đại Trung Quốc, việc tặng quà (đơn giản là trao tặng) được đánh giá cao, các quy tắc của giá trị sở hữu là sự có đi có lại. Nếu tặng một món quà và không có gì đáp lại, điều đó trái với sự hiếu khách. Như vậy, liệu việc tặng quà trong kinh doanh tại Trung Quốc có nên được cho phép và sử dụng trong cuộc chiến chống tham nhũng hay không?
Theo các chuyên gia nghiên cứu chống tham nhũng, dù đã ban hành lệnh cấm nhận quà tết nhưng cơ quan kỷ luật đảng rất khó bắt tận tay day tận mặt những quan chức nhận quà và cũng rất khó xác định liệu quà biếu dịp lễ tết có phải là tiền hối lộ hay không, bởi thông thường những người biếu quà không đặt mục tiêu thu hồi vốn ngay lập tức mà coi đó là những khoản đầu tư dài hạn.
ại Trung Quốc, lễ mừng năm mới là lễ hội quan trọng nhất trong lịch âm và cũng liên quan đến việc tặng quà rộng rãi. Vào thời nhà Hán, các quan chức và chức sắc đã tặng những đĩa ngọc bích, cừu, da và vải lụa cho nhà vua vào ngày đầu tiên của năm. Còn vua thì quan tâm đến những khó khăn của dân chúng và mở những vựa lúa lớn để phân phát của cải cho tất cả mọi người.
Trong thời gian này, nhiều chuyến thăm và quà tặng được dành cho các thành viên gia đình và bạn bè để cầu bình an, may mắn cho năm mới. Các bao lì xì, món quà nhỏ được trao cho trẻ em như để bảo vệ chúng trước cái ác và những điều không may...
Tết trung thu là ngày lễ quan trọng thứ hai trong lịch âm tại Trung Quốc. Tết Trung thu nhằm tôn vinh mặt trăng, đó là âm trong khu phức hợp âm dương trong tư tưởng Trung Quốc cổ đại. Trung thu diễn ra vào đêm trăng tròn nhất trong mùa thu hoạch. Trăng tròn tượng trưng cho sự đoàn tụ. Do đó, bánh trung thu tròn được trao đổi giữa gia đình và bạn bè để bày tỏ lòng biết ơn, sự tôn trọng và tình bạn.
Quà tặng ngày nay
Kể từ năm 1980, sự tăng trưởng kinh tế một cách chóng mặt của Trung Quốc đã không những không làm giảm, mà còn khuếch đại việc tặng quà. Trung Quốc đang chiếm số lượng lớn nhất của người tiêu dùng hàng xa xỉ trên thế giới. Điều này là dễ hiểu bởi vì khi thu nhập của Trung Quốc tăng lên, phải được thể hiện thông qua những món quà có giá trị tăng lên.
Tại Trung quốc, tặng quà thể hiện một sức mạnh kinh tế, làm tăng thể diện cho người tặng đồng thời, món quà thể hiện sự tôn trọng đối với người nhận. Sự phân biệt giữa hối lộ và tặng quà được xác định bởi một khoản hối lộ đòi hỏi phải trả lại ngay lập tức. Nói cách khác, một món quà là nhằm phát triển mối quan hệ và hối lộ là để đạt được lợi ích ngay lập tức. Ranh giới giữa tặng quà và hối lộ thể hiện thông qua mục đích là để phát triển mối quan hệ hay để đạt được lợi ích ngay lập tức. Đây là sự phân biệt cổ xưa giữa quà tặng và hối lộ.
Trên thực tế, tại Trung Quốc nhiều vụ việc được phanh phui đã minh chứng về mối liên kết chặt chẽ giữa kinh doanh và tặng quà cho các quan chức. Năm 2012, nhập khẩu đồng hồ Thụy Sĩ sang Trung Quốc đã giảm 27,5% sau khi chính phủ ban hành lệnh cấm đối với các quan chức sử dụng quỹ công cộng để mua hàng hóa xa xỉ. Trước lệnh cấm, các quan chức chính phủ là người nhận quà tặng đồng hồ xa xỉ. Khi một bộ trưởng ngành đường sắt đến thăm hiện trường thảm họa tàu hỏa vào năm 2011, anh ta đã đeo một chiếc đồng hồ Rolex trị giá 11.000 đô la Mỹ. Điều này gây ra sự phẫn nộ trong dân chúng Trung Quốc.
Ngoài ra, tại Trung Quốc, bánh trung thu được sử dụng làm hối lộ trong cả giới kinh doanh và nhà nước. Bánh trung thu, từng được coi là mặt hàng xa xỉ. Vào năm 2012, các công ty đã mua bánh trung thu vàng làm quà tặng, nặng 50 gram mỗi chiếc và trị giá khoảng 3.400 USD. Việc họ sử dụng làm hối lộ đã trở nên phổ biến đến mứccó những quy định được đặt ra nhằm chi phối bao bì của họ. Trong mỗi hộp quà không chỉ có bánh ngọt mà còn có bánh kẹo, rượu. Với hộp bánh kín đáo, người tặng dễ dàng bỏ tiền mặt vào đó để tránh sự soi mói của người khác. Năm 2013, sau khi chính phủ Trung Quốc đưa ra các biện pháp chống tham nhũng, các hoạt động biếu tặng quà nhằm vào giới quan chức bị cấm. Kết quả là hoạt động sản xuất bánh Trung thu xa xỉ tại Trung Quốc đã đi xuống, doanh số bán bánh trung thu đã giảm 60% và các hộp bánh bình dân với giá chỉ 200 NDT (33 USD) lên ngôi trở lại.
Trước thực tế trên, thiết nghĩ, một cơ quan chuyên trách quốc tế và đa ngành cũng nên được thành lập để đưa ra những hình thức tặng quà hợp pháp. Trong khi nhiều cơ quan chống tham nhũng hiện tại lại chỉ tập trung vào việc tránh hành vi tặng quà, tặng quà chỉ có giá trị danh nghĩa hoặc đưa ra những hướng dẫn chung chung. Tuy nhiên, việc tồn tại một cơ quan chuyên trách tập trung vào việc tặng quà hợp pháp ngoài những món quà mang tính hình thức sẽ giúp các doanh nghiệp không bị vướng vào hành vi hối lộ mà vẫn giữ được mỗi quan hệ kinh doanh của mình. Do sự phức tạp của việc tặng quà, cơ quan chuyên trách này nên bao gồm các nhà quản lý, công tố viên, luật sư và các chuyên gia từ các ngành như nghệ thuật, nhân chủng học, khoa học thực phẩm, lịch sử, xã hội học, triết học, đạo đức, khoa học chính trị và tôn giáo, các chuyên gia về chống tham nhũng... Sự hướng dẫn của họ sẽ đem lại cơ sở pháp lý an toàn cho các doanh nghiệp trong việc tặng quà.
Có thể khẳng định, tặng quà là hoạt động không thể thiếu đối với quy tắc đạo đức cổ xưa tại Trung Quốc. Việc tặng quà bắt nguồn từ việc bày tỏ lòng biết ơn, do đó, tặng quà đại diện cho sự tôn trọng. Vậy làm thế nào có thể chống tham nhũng? Tuân thủ các biện pháp chống tham nhũng là một phần của giải pháp, nhưng phải được bổ sung bằng những các thức cách tặng quà hợp pháp. Do đó, để chống tham nhũng, Trung Quốc cần phải tăng cường các hướng dẫn cụ thể về tặng quà hợp pháp. Sự cần thiết của việc thiết lập cơ quan chuyên trách quốc tế để phác thảo không chỉ những món quà không phù hợp, mà còn có những món quà được phép để đảm bảo rằng trong mọi trường hợp, quà tặng kinh doanh phải luôn được báo cáo chính xác và minh bạch, và giới hạn tiền tệ là phù hợp. Hy vọng rằng, một quy tắc đạo đức và pháp luật có thể được chấp nhận cả trong và ngoài Trung Quốc, bao gồm cả hình thức tặng quà. Hành vi tặng quà một cách trong sáng có thể và nên được sử dụng trong cuộc chiến chống tham nhũng./.
Dương Nguyễn
Theo https://ir.lawnet.fordham.edu/ilj/vol39/iss3/3/