Số hóa hệ thống tư pháp Kosovo: Biện pháp phòng ngừa tham nhũng

Thứ hai, 21/02/2022 17:20
(ThanhtraVietNam) - Kể từ khi độc lập vào năm 2008, Kosovo luôn bị đe dọa bởi vấn nạn tham nhũng. Tham nhũng được nhiều người coi là một thách thức lớn đối với quốc gia này.

Thiếu minh bạch trong trong hệ thống tư pháp

Tình trạng này không chỉ liên quan đến số lượng các chính trị gia tham nhũng, mà do mức độ phổ biến của tham nhũng trên quy mô lớn trong hệ thống tư pháp.

Số lượng lớn các thông tin được đăng tải trên phương tiện truyền thông đã vạch trần hành vi tham nhũng của một số quan chức tư pháp Kosovo. Điều này vô hình chung đã gây tổn hại đến uy tín của các cơ quan công tố và làm xói mòn lòng tin của công chúng đối với hệ thống tư pháp.

Ở cấp độ quốc tế, Chỉ số pháp quyền 2021 xếp Kosovo đứng thứ 94 về tham nhũng trong ngành tư pháp. Điều này đã củng cố cho nhận định rằng ở Kosovo tham nhũng trên quy mô lớn đang hủy hoại hệ thống tư pháp của quốc gia này.

leftcenterrightdel
(Ảnh: U4 anti-corruption resource centre)

Hệ thống thông tin quản lý hồ sơ - công cụ thay đổi

Hệ thống thông tin quản lý hồ sơ điện tử (CMIS) cho hệ thống tư pháp là dự án quan trọng nhất được thực hiện thông qua sự hỗ trợ của các nhà tài trợ quốc tế. Được thành lập vào năm 2014, với sự tài trợ của Bộ Ngoại giao Na Uy, dự án trị giá 10 triệu euro này đã được triển khai nhằm tăng cường tính minh bạch và trách nhiệm giải trình, đồng thời làm rõ công việc của từng thẩm phán và công tố viên. CMIS được xem là công cụ hữu hiệu đối với việc giải quyết các rủi ro tham nhũng tại quốc gia này.

Cho đến cuối năm 2021, CMIS đang trong “giai đoạn hợp nhất”, bao gồm việc chuẩn bị cho Hội đồng Tư pháp Kosovo và Hội đồng Công tố tiếp quản dự án.

Công tác quản lý hồ sơ thoàn thiện hơn

Trước khi CMIS ra đời, sự thiếu minh bạch trong quản lý hồ sơ phổ biến trong lĩnh vực tư pháp đã tạo ra lỗ hổng để lạm dụng quyền lực.

Vào năm 2017, Hội đồng Châu Âu đã tiến hành Đánh giá rủi ro tham nhũng đầu tiên và duy nhất của hệ thống Công tố của Kosovo, tập trung vào tổ chức và hoạt động của hệ thống công tố, cũng như mức độ khả năng thúc đẩy, duy trì tính liêm chính và phòng, chống tham nhũng. Đánh giá đã xác định một số rủi ro tham nhũng trong hệ thống truy tố, bao gồm mức độ minh bạch và trách nhiệm giải trình thấp.

Các đánh giá cho rằng sự phụ thuộc vào các giấy tờ dưới hình thức giấy tồn tại một số rủi ro: Các giao dịch có nhiều khả năng không được ghi chép; hồ sơ bị lấy đi mà không có biện pháp bảo vệ...

Ngoài ra, Viện Luật Kosovo (KLI) liên tục báo cáo sự chậm trễ trong việc tiến hành điều tra các vụ án, với hồ sơ vụ án vẫn còn trong tủ hồ sơ của các công tố viên trong một thời gian dài. Ví dụ, vào năm 2019, KLI cho biết, một số vụ án tham nhũng vẫn nằm trong tủ của các công tố viên trong một thập kỷ.

Việc chuyển các hệ thống lưu trữ bằng giấy sang CMIS - và sử dụng có tính ràng buộc pháp lý - giúp giảm thiểu những rủi ro này. Mọi phần thông tin đều được thu thập và truyền đi bằng kỹ thuật số, với các chỉnh sửa và cập nhật được kiểm tra và ghi lại.

Mặt khác, CMIS còn giúp các công tố viên trưởng có quyền quyết định cá nhân để giao các vụ án cho các công tố viên cụ thể mà không bị ảnh hưởng bới các yếu tố khách quan cũng như chủ quan. Ở đây, CMIS cũng đóng một vai trò quan trọng bằng cách chỉ định và phân phối các trường hợp thông qua các tiêu chí mở, được thiết lập sẵn.

Các báo cáo giám sát của KLI đã nhiều lần thảo luận về một số hành vi cố ý khác từ phía các công tố viên. Cụ thể, điều đáng lo ngại nhất là mô hình trì hoãn các vụ án tham nhũng cho đến khi chúng hết thời hiệu, đây được xem là một chiến thuật bị các báo cáo viên trong nước và quốc tế chỉ trích.

Theo Báo cáo Giám sát Tư pháp của EU, việc trì hoãn mở các cuộc điều tra chính thức có thể nhằm kéo dài thủ tục để cuộc điều tra kéo dài hơn thời hạn pháp lý hai năm, hoặc để phục vụ các áp lực khác. Tại một báo cáo gần đây khác, 50 vụ án tham nhũng đã hết thời hạn luật định từ năm 2015 đến năm 2019.

CMIS: Các quy tắc, thủ tục và hình phạt hiệu quả

Chắc chắn, CMIS có thể không phải là liều thuốc chữa bách bệnh cho tất cả các rủi ro tham nhũng trong hệ thống công tố, hoặc hệ thống tư pháp nói chung. Phạm vi tiếp cận của các công cụ công nghệ thông tin khác nhau giữa các quốc gia và dữ liệu về kết quả đạt được thông qua việc sử dụng nó là không thể kết luận. Tuy nhiên, dữ liệu hiện có cho thấy rằng các hệ thống quản lý hồ sơ có tổ chức và tự động có tiềm năng lớn để tăng tính minh bạch và trách nhiệm giải trình cũng như giảm cơ hội tham nhũng.

Trong công tác truy tố của Kosovo, nhiều hành vi cố ý như vậy phải được CMIS giải quyết. Hệ thống này theo dõi tiến trình của các vụ án và thúc đẩy các công tố viên phải thực hiện ở từng giai đoạn. Hệ thống có thể phát hiện xem các bước có bị bỏ qua hay không và các trường có bị bỏ qua hoặc điền sai hay không. Và thời lượng tổng thể của quá trình tố tụng luôn được theo dõi, do đó, sự chậm trễ có thể được báo trước. Nếu được sử dụng đúng cách, hệ thống sẽ giúp đảm bảo tuân thủ các quy trình chính xác, vì mọi hành vi sử dụng sai đều có thể được thể hiện rõ ràng và ngay lập tức.

Có thể khẳng định, các hệ thống quản lý hồ sơ có tổ chức và tự động có tiềm năng lớn để tăng tính minh bạch và trách nhiệm giải trình cũng như giảm cơ hội tham nhũng.

Mặc dù việc triển khai CMIS ở Kosovo còn nhiều thách thức, nhưng một khi đi vào hoạt động đầy đủ, CMIS có khả năng mang lại những lợi ích đáng kể cho hệ thống tư pháp. Bằng cách tối đa hóa hiệu quả và tính minh bạch, CMIS được đánh giá là một công cụ quan trọng để đảm bảo trách nhiệm giải trình, giảm thiểu cơ hội tham nhũng, qua đó góp phần tăng cường, củng cố sự tin tưởng của người dân vào hệ thống tư pháp của quốc gia này.

Dương Nguyễn

Theo U4 anti-corruption resource centre

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra