Tăng cường vai trò cơ quan thanh tra trong phòng ngừa tham nhũng ở Việt Nam – Từ kinh nghiệm của một số quốc gia trên thế giới

Thứ năm, 24/01/2019 08:11
(ThanhtraVietNam) - Tham nhũng hiện nay đang là vấn nạn trên toàn cầu và diễn ra ở khắp các quốc gia, vùng lãnh thổ, không phân biệt chế độ chính trị, kinh tế, trình độ phát triển xã hội. Thực tế cho thấy, ngay cả những quốc gia có nền kinh tế phát triển mạnh mẽ, hiện đại như Hoa Kỳ, Singapore, Hàn Quốc, Hồng Kông… cũng từng có thời kỳ “vật lộn” với tình trạng tham nhũng hoành hành.

Tại Việt Nam, hoạt động phòng ngừa tham nhũng của Đảng, Nhà nước ta nói chung và cơ quan thanh tra nhà nước nói riêng so với các quốc gia trên thế giới vẫn có thể coi là khá “non trẻ”, bộc lộ một số bất cập và hạn chế cố hữu, chưa đạt được hiệu quả như kỳ vọng. Do đó, việc tìm hiểu và chọn lọc kinh nghiệm phòng ngừa tham nhũng từ một số quốc gia trên thế giới ứng dụng vào thực tiễn ở Việt Nam hiện nay là yêu cầu đúng đắn và mang tính cấp thiết cao.

Kinh nghiệm phòng ngừa tham nhũng ở Singapore

Khi nhắc đến Singapore, chúng ta thường nghĩ đến hình ảnh về một quốc đảo dân chủ, trong sạch, vững mạnh... Để phòng ngừa tham nhũng có hiệu quả, Chính phủ Singapore đã thực hiện tổng thể các biện pháp như:

Thứ nhất, tăng lương cho viên chức nhà nước: Thực tế cho thấy, đồng lương được trả quá ít ỏi là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng bộ máy hành chính của Chính phủ hoạt động kém hiệu quả, quan liêu; công chức, viên chức thường xuyên nhũng nhiễu, lợi dụng quyền hạn nhận hối lộ và bòn rút công quỹ. Vì vậy, Chính phủ Singapore lúc đó đưa ra giải pháp tiên quyết là tăng lương và đảm bảo mức lương tốt cho công chức, viên chức. Nếu quan chức có lương cao, xứng đáng với công sức bỏ ra thì họ sẽ “không cần và không dám” nhận một khoản tiền hối lộ nào đó để rồi phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Thứ hai, thiết lập cơ quan điều tra chống tham nhũng (CPIB): Cơ quan điều tra tham nhũng của Singapore được thành lập năm 1952, là cơ quan trực thuộc Thủ tướng Chính phủ, có quyền độc lập điều tra và ngăn chặn tham nhũng. Những người có thông tin về tham nhũng có thể gửi đơn, gọi điện cho cơ quan CPIB hoặc nhân viên cơ quan này đang thi hành công vụ, hay cũng có thể gọi điện cho bộ phận trực ban 24/24 giờ theo một số máy cố định để cung cấp thông tin, phản ánh các vấn đề liên quan đến tham nhũng. Vì thế, CPIB luôn tiếp nhận những thông tin phản ánh một cách nhanh nhạy và đầy đủ, không bỏ sót bất kỳ một tố cáo nào. Điều này sẽ là tiền đề cho những hoạt động điều tra về sau, là cơ sở thực hiện hoạt động phòng ngừa tham nhũng.

Thứ ba, hoàn thiện hệ thống pháp luật, trong đó Chính phủ Singapore thiết lập chế tài xử phạt “mạnh tay” đối với chủ thể thực hiện hành vi tham nhũng: Điểm đáng chú ý nhất trong hệ thống pháp luật về phòng, chống tham nhũng nói chung và phòng ngừa tham nhũng nói riêng ở Singapore đó là việc quy định tham nhũng là một loại tội phạm. Tội phạm tham nhũng được quy định cụ thể trong Bộ luật Hình sự, với hình phạt rất “mạnh”.

Kinh nghiệm phòng ngừa tham nhũng ở Trung Quốc

Với mục tiêu làm trong sạch bộ máy chính quyền, phòng ngừa tham nhũng, đẩy mạnh hơn nữa quá trình phát triển vượt bậc của đất nước, Trung Quốc đã thực hiện một số giải pháp khá hiệu quả như:

Thứ nhất, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức trong sạch, vững mạnh: Tại Trung Quốc, vị trí cán bộ lãnh đạo chủ chốt ở địa phương không thể là người của địa phương đó và thực hiện việc luân chuyển cán bộ. Đây là giải pháp hiệu quả được nhiều quốc gia lựa chọn để phòng ngừa tình trạng tham nhũng có thể xảy ra. Bởi lẽ, biện pháp này giải quyết được triệt để vấn đề “gia đình trị, dòng họ trị, gây bè kéo cánh” vốn là mầm mống của bệnh quan liêu, tham nhũng. Cấp phó vẫn là người của địa phương, tuy nhiên, thường niên sẽ phải báo cáo, tự phê bình, kiểm điểm bản thân. Nếu để xảy ra sai phạm thì sẽ bị luân chuyển đến địa phương khác. Mặt khác, cơ quan chức năng của Trung Quốc còn bố trí nhà ở, luân chuyển công việc của vợ, con cán bộ nhằm đảm bảo giúp họ “toàn tâm toàn ý” cống hiến cho địa phương mình đang quản lý.

Phẩm chất cán bộ, công chức phản ánh đạo đức, lối sống trong quá trình thực thi công vụ. Một cán bộ, công chức có phẩm chất đạo đức – chính trị vững vàng thì không dễ dàng gì có thể bị mua chuộc bằng những lợi ích vật chất tầm thường. Vì vậy, để xây dựng nếp sống giản dị, chống xa hoa lãng phí, bệnh quan liêu, tham nhũng, Đảng Cộng sản Trung Quốc và Quốc vụ viện đã ban hành quy định về 31 điều không cho phép đối với các cán bộ, công chức nhằm nâng cao tinh thần trách nhiệm, tính liên khiết trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao. Từ đó góp phần phòng ngừa tình trạng tham nhũng có thể xảy ra trong tương lai. 

Thứ hai, tiến hành hạn chế việc lợi dụng quyền lực để tham nhũng, đặc biệt đối với những cán bộ, công chức giữ những vị trí lãnh đạo chủ chốt đã nghỉ hưu: Hệ thống pháp luật về phòng, chống tham nhũng của Trung Quốc quy định: “Cán bộ khi rời chức vụ lãnh đạo hoặc nghỉ hưu thì trong vòng 3 năm sau đó, không được kinh doanh ở những lĩnh vực có liên quan đến công việc trước đây mình phụ trách; vợ (hoặc chồng), con cán bộ lãnh đạo không được kinh doanh ở các lĩnh vực do chồng (hoặc vợ), cha mẹ mình quản lý”. Đây là một trong số những biện pháp hữu hiệu nhằm hạn chế đến mức tối đa tình trạng một số cán bộ lãnh đạo lợi dụng chức vụ, quyền hạn từng đảm nhiệm để tạo “lợi thế cạnh tranh” đối với đối thủ.

Kinh nghiệm phòng ngừa tham nhũng ở Hoa Kỳ

Để giải quyết được tình trạng tham nhũng, đưa Hoa Kỳ trở thành quốc gia số một về kinh tế trên thế giới hiện nay, các nhà lãnh đạo Mỹ đã thực hiện hiệu quả một số giải pháp phòng ngừa tham nhũng như:

Thứ nhất, áp dụng triệt để học thuyết “tam quyền phân lập” của Montesquieu: Montesquieu (1689 – 1775) là một nhà bình luận xã hội và tư tưởng chính trị người Pháp nổi tiếng với học thuyết tam quyền phân lập – học thuyết lý giải sự phân chia quyền lực nhà nước. Theo đó, quyền lực nhà nước được chia thành 3 nhánh quyền cơ bản: quyền lập pháp (ban hành Hiến pháp và Luật); quyền hành pháp (ban hành chính sách, điều hành xã hội) và quyền tư pháp (xét xử). Trong đó, 3 nhánh quyền hoạt động dựa trên sự kiềm chế, đối trọng lẫn nhau. Hoa Kỳ là một trong số những quốc gia trên thế giới áp dụng triệt để mô hình này. Khả năng kiểm soát chéo, cân bằng, không tập trung quyền lực vào một hoặc một vài cơ quan là cơ sở ngăn chặn triệt để tình trạng lạm quyền, phòng ngừa tham nhũng có hiệu quả.

Thứ hai, ý chí kiên quyết phòng, chống của các Tổng thống Mỹ: Người lãnh đạo giữ vị trí, vai trò vô cùng quan trọng, ảnh hưởng tới sự tồn vong của một tổ chức. Đặc biệt, đối với quốc gia áp dụng triệt để học thuyết tam quyền phân lập như Mỹ thì sự trong sạch, ý chí kiên quyết chống lại tham nhũng của Tống thống Mỹ sẽ là yếu tố then chốt quyết định sự thành công. “Lịch sử đã ghi nhận, từ năm 1901 cho tới 1917, dưới thời ba vị Tổng thống liêm khiết:  Roosevelt, Taft và Wilson, nước Mỹ chứng kiến nhiều cuộc cải cách về hành chính và tư pháp với mục đích chính để giảm tham nhũng của hệ thống cơ quan công quyền”. Tuy thời gian sau đó, nước Mỹ vẫn chưa “diệt trừ” hoàn toàn tệ tham nhũng nhưng ý chí kiên quyết, những giải pháp cải cách hành chính và tư pháp là nền tảng cho sự thành công trong công cuộc phòng, chống tham nhũng ở Hoa Kỳ hiện nay.

Thứ ba, huy động sự tham gia của xã hội vào phòng ngừa tham nhũng, đặc biệt là cơ quan báo chí: Hiện nay, báo chí được coi là quyền lực thứ 4 của xã hội. Ở Hoa Kỳ, từ những năm 1870 đến năm 1920 có một sự chuyển biến mạnh mẽ theo hướng độc lập hóa của báo giới. Sự chuyển biến này được thể hiện rõ khi báo chí Mỹ lúc đó bắt đầu sử dụng ngôn ngữ trung lập, ít bị chi phối bởi các đảng phái chính trị; lắng nghe ý kiến phản hồi của người dân và trung thực với vụ án xảy ra trên thực tế. Cho đến nay, vai trò của báo chí không ngừng được nâng cao trong đời sống xã hội, vừa là công cụ thu thập thông tin, vừa là giải pháp phòng ngừa tham nhũng hiệu quả.

Kinh nghiệm phòng ngừa tham nhũng ở Đức

Ở Đức, tình trạng tham nhũng không phải là không xảy ra, tuy nhiên mức độ nghiêm trọng của nó không quá cao, chủ yếu tập trung ở một số lĩnh vực như: thuế, thương mại… Chính phủ Đức phòng ngừa tham nhũng dựa trên sự phân tích, am hiểu nguyên nhân dẫn tới tham nhũng. Từ đó hoàn thiện hệ thống pháp luật, hạn chế những lỗ hổng trong quản lý nhà nước.

Trong các văn bản quy phạm pháp luật của Đức, nhận thức rõ chủ thể thực hiện hành vi tham nhũng chủ yếu lợi dụng quyền lực công để nhũng nhiễu, vòi vĩnh vì vụ lợi. Vì vậy, Chính phủ Đức hết sức chú trọng vào việc xây dựng đội ngũ công chức, nền công vụ trong sạch, vững mạnh. Ngoài ra, quy chế hoạt động của cơ quan cũng được thiết kế hết sức công phu, chặt chẽ, hạn chế tối đa khả năng tham nhũng của nhân viên.

Ngân sách nhà nước giống như “miếng mồi béo bở” mà chủ thể thực hiện hành vi tham nhũng luôn “nhăm nhe, nhòm ngó” chiếm đoạt bất chính. Nhận thức rõ vai trò của ngân sách nhà nước đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Nhà nước Đức đã sớm hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật nhằm kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ vấn đề thu – chi, cân đối ngân sách nhà nước.

Một số liên hệ với Việt Nam

Thứ nhất, bài học về hoàn thiện pháp luật đảm bảo cho việc thực hiện vai trò của thanh tra nhà nước trong phòng ngừa tham nhũng: Thực tiễn trên thế giới chứng minh rằng, hệ thống pháp luật hoàn thiện là yếu tố vô cùng quan trọng đảm bảo phòng ngừa tham nhũng đạt hiệu quả cao nhất. Do vậy, để nâng cao vai trò của cơ quan thanh tra nhà nước trong hoạt động phòng ngừa tham nhũng ở nước ta hiện nay cần tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung trước hết là hệ thống pháp luật về phòng ngừa tham nhũng. Trên thực tế, chế tài xử phạt đối với người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị khi để xảy ra hành vi tham nhũng còn chưa rõ ràng, quá “mềm”, không đủ sức răn đe. Những “kẽ hở” trong hệ thống pháp luật quy định liên quan đến vai trò của thanh tra nhà nước trong phòng ngừa tham nhũng là “yếu điểm” vô cùng lớn. Khắc phục triệt để điểm yếu này cũng chính là cơ sở đảm bảo bộ máy nhà nước trong sạch, vững mạnh hơn nữa. Bên cạnh đó, cũng góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả phòng ngừa tham nhũng của thanh tra nhà nước trong thời gian tới.

Thứ hai, bài học về thiết lập bộ máy, cơ cấu tổ chức tạo điều kiện cho cơ quan thanh tra nhà nước thực hiện tốt vai trò phòng ngừa tham nhũng: Xuất phát từ kinh nghiệm của Singapore trong việc thiết lập cơ quan điều tra chống tham nhũng (CPIB) hay việc thành lập một Trung tâm nhận và xử lý thông tin về tham nhũng đã khẳng định rằng điều kiện tiên quyết dập tắt tệ nạn quan liêu, tham nhũng, hách dịch nhất thiết phải xây dựng nên bộ phận tiếp nhận, xử lý thông tin do người dân, tổ chức, doanh nghiệp phản ánh dấu hiệu, hành vi tham nhũng. Ứng dụng công nghệ thông tin tiếp nhận phản hồi trực tiếp trên mạng internet, giữ bí mật danh tính người gửi... là tiền đề góp phần nâng cao hiệu quả phòng ngừa tham nhũng trong tương lai của cơ quan thanh tra nhà nước. 

Ngoài ra, sự phụ thuộc quá lớn của cơ quan thanh tra nhà nước đối với cơ quan quản lý nhà nước làm giảm đi hiệu quả phòng ngừa tham nhũng. Tại Singapore, cơ quan điều tra tham nhũng là cơ quan trực thuộc Thủ tướng Chính phủ, có quyền độc lập điều tra và ngăn chặn tham nhũng. Nhìn lại với cơ quan thanh tra nhà nước ở Việt Nam, sự thiếu chủ động trong quá trình điều tra, ngăn chặn tham nhũng làm ảnh hưởng không nhỏ tới vai trò của thanh tra nhà nước trong phòng ngừa tham nhũng. Ngoài ra, hành vi tham nhũng càng ngày càng có dấu hiệu tinh vi, xảo quyệt hơn, chính vì vậy trong việc xác định mối quan hệ giữa cơ quan thanh tra nhà nước và cơ quan nhà nước khác cần tạo ra sự linh hoạt, chủ động cần thiết. Có như vậy, vai trò của thanh tra nhà nước trong phòng ngừa tham nhũng sẽ đạt hiệu quả cao nhất.

Thứ ba, bài học về công tác nhân sự, thanh tra viên, nguồn nhân lực của thanh tra nhà nước trực tiếp tham gia vào công tác phòng ngừa tham nhũng: Ban hành nội quy, quy chế thực hiện nhiệm vụ, lối sống lành mạnh là bài học kinh nghiệm thanh tra nhà nước cần kế thừa và áp dụng có chọn lọc vào hoạt động cụ thể ở nước ta. Bên cạnh đó, cần đảm bảo tiền lương ở mức đủ, phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nâng cao chất lượng điều kiện cơ sở vật chất – tinh thần cho thanh tra viên cũng là bài học kinh nghiệm khá nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng. Nếu được áp dụng một cách khoa học thì có thể chính giải pháp này sẽ góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả vai trò của thanh tra nhà nước trong phòng ngừa tham nhũng trong thời gian tới ở Việt Nam.

Thứ tư, bài học về sự phối hợp giữa cơ quan thanh tra nhà nước với các thiết chế xã hội tham gia vào công tác phòng ngừa tham nhũng: Huy động sự tham gia của các thiết chế xã hội và người dân vào công cuộc phòng ngừa tham nhũng là giải pháp đa số các quốc gia trên thế giới áp dụng. Ở Việt Nam hiện nay, báo chí không chỉ đơn thuần là kênh cung cấp thông tin thời sự - kinh tế xã hội mà rộng hơn những tin tức liên quan đến tham nhũng là tác nhân tích cực góp phần phòng ngừa nạn tham nhũng có thể xảy ra trong tương lai. Người dân có thể lựa chọn báo chí là cầu nối “vận chuyển thông tin” nếu như phát hiện dấu hiệu tham nhũng từ các chủ thể có chức vụ, quyền hạn, báo cáo cho cơ quan thanh tra nhà nước biết để xử lý. Cơ quan thanh tra nhà nước cần xây dựng mối liên hệ chặt chẽ với cơ quan báo chí trong việc tiếp nhận thông tin tham nhũng từ người dân, doanh nghiệp, tổ chức trong xã hội. Ngoài ra, cơ quan thanh tra nhà nước cần thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giáo dục mạnh mẽ hơn nữa nhằm nâng cao nhận thức của người dân về tác hại của tham nhũng. Như vậy, chắc chắn hoạt động phòng ngừa tham nhũng sẽ đạt được hiệu quả tối đa trong tương lai.

Kể từ sau Đại hội Đảng VI năm 1986 cho tới nay, Việt Nam đã có bước phát triển về mọi mặt, từ kinh tế, văn hóa, cho đến giáo dục, y tế. Tuy vậy, bên cạnh những kết quả tích cực đã được được thì tham nhũng vẫn đang là thách thức và là một trong những vấn đề bức xúc nhất của xã hội hiện nay. Cơ quan Thanh tra nhà nước được giao phó nhiệm vụ làm trong sạch, vững mạnh hoạt động của bộ máy nhà nước. Từ khi ra đời đến nay, cơ quan thanh tra nhà nước từng bước khẳng định vai trò, vị trí hết sức quan trọng của mình trong công tác phòng ngừa tham nhũng. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ phòng ngừa tham nhũng của mình, cơ quan thanh tra nhà nước cần không ngừng nghiên cứu, tiếp thu, học hỏi và áp dụng có chọn lọc kinh nghiệm phòng ngừa tham nhũng của một số quốc gia trên thế giới. Phòng ngừa tham nhũng có hiệu quả là cơ sở bảo đảm thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh mà Đảng và Nhà nước ta đề ra.

Ths. Phạm Văn Phong

Học viện Hành chính Quốc gia

 

Tài liệu tham khảo

1. Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005, sửa đổi, bổ sung 2007, 2012;

2. Nguyễn Văn Kim, Nguyễn Huy Hoàng, Pháp luật chống tham nhũng của các nước trên thế giới, Nhà xuất bản Văn hóa Dân tộc, 2003;

3. Trần Thái Hà, Trung Quốc với công tác phòng, chống tham nhũng, Tạp chí Tổ chức nhà nước, 2015;

4. Corruption and Reform: Lessons from America’s History (Tham nhũng và cải cách: Những bài học từ Hoa Kỳ), Edward L. Glaseser (2004).

 

 

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra