Tây Ban Nha bắt đầu phiên toà xử các lãnh đạo ly khai Catalonia
Thứ tư, 13/02/2019 09:46 (GMT+7)
Một loạt các chính trị gia ly khai tại Catalonia sẽ phải trả lời trước Toà án tối cao Tây Ban Nha các cáo buộc về nổi loạn và xúi giục nổi loạn.
Gần 15 tháng kể từ khi nổ ra cuộc khủng hoảng ly khai tại vùng Catalonia vào tháng 10/2017, ngày 12/2, Toà án tối cao Tây Ban Nha sẽ mở phiên xử chính thức đối với các chính trị gia dẫn đầu phong trào ly khai tại vùng này.
Lãnh đạo cao nhất của phong trào ly khai Catalonia là ông Carles Puigdemont không xuất hiện trong phiên Toà ngày 12/2. Ảnh: CNBC News
Tổng cộng, 12 chính trị gia ly khai vùng Catalonia sẽ phải trả lời trước Toà về các cáo buộc liên quan đến các tội danh như nổi loạn, kích động nổi loạn, tham ô công quỹ và bất tuân dân sự. Những người này đều được coi là các nhân vật lãnh đạo chủ chốt trong sự kiện vùng Catalonia tổ chức cuộc trưng cầu ý dân về độc lập vào ngày 1/10/2017 bị chính quyền trung ương Tây Ban Nha coi là bất hợp pháp và vi hiến.
Các lời buộc tội đối với các chính trị gia ly khai Catalonia sẽ đến từ 3 phía: Viện kiểm sát Tây Ban Nha, Công tố viên nhà nước và từ các “cáo buộc của nhân dân”, bởi theo luật pháp Tây Ban Nha, mọi công dân cũng như tổ chức pháp nhân của nước này đều có quyền khởi kiện trong các vụ việc có liên quan đến lợi ích công cộng.
Phiên toà khai mạc ngày 12/2 dự kiến diễn ra trong vòng 3 tháng và sẽ có hơn 500 nhân chứng được triệu tập đến Toà, trong đó có cả cựu Thủ tướng Mariano Rajoy. Nếu bị buộc tội, các chính trị gia ly khai vùng Catalonia có thể sẽ phải lĩnh án từ 7 năm đến 25 năm tù giam. Trong số này, có các nhân vật chủ chốt của chính trường Catalonia như Oriol Junqueras, cựu Phó Chủ tịch chính quyền hành pháp vùng Catalonia hay bà Carme Forcadell, cựu Chủ tịch Nghị viện vùng Catalonia, cùng nhiều cựu Bộ trưởng khác trong chính quyền vùng Catalonia.
Tuy nhiên, lãnh đạo cao nhất của phong trào ly khai Catalonia là ông Carles Puigdemont sẽ không xuất hiện trong phiên Toà ngày hôm nay do vẫn đang sống lưu vong tại Bỉ. Giới lập pháp Đức và Bỉ đã từ chối dẫn độ ông Puigdemont về Tây Ban Nha xét xử với các tội danh liên quan đến nổi loạn.
Hiện tại, hồ sơ ly khai của vùng Catalonia vẫn đang gây ra nhiều căng thẳng trên chính trường và xã hội Tây Ban Nha. Ngày 10/2, hàng trăm nghìn người đã biểu tình tại thủ đô Madrid nhằm phản đối chính sách đối thoại của chính phủ của Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez hiện nay với vùng Catalonia. Các đảng phái đối lập như đảng Nhân dân (PP) hay đảng “Công dân” (Ciudadanos) chỉ trích ông Pedro Sanchez là đang “phản bội” lại lợi ích của Tây Ban Nha khi tỏ ra quá mềm dẻo với phe ly khai Catalonia và kêu gọi tổ chức tổng tuyển cử sớm./.
Theo Quang Dũng (VOV-Paris)