Các y bác sĩ bệnh viện Bạch Mai chứng kiến buổi lễ dỡ các chốt ra vào sau 14 ngày cách ly toàn diện bệnh viện, đêm 11.4. Ảnh: LDO
Sputnik dẫn câu hỏi của tờ The Asean Post: Phải chăng số ít ca mắc COVID-19 ở Việt Nam là do không tiến hành đầy đủ xét nghiệm cần thiết? Rồi cũng chính tờ báo này trả lời: "Không, không phải là như vậy!"
Ấn phẩm này nhấn mạnh rằng Việt Nam đã chiến thắng trong cuộc chiến chống COVID-19 bởi đã thực hiện những biện pháp nghiêm ngặt và kịp thời để theo dõi các tiếp xúc và cách ly người nhiễm bệnh. Ngoài ra, chính quyền duy trì giám sát chặt chẽ với các trường hợp nghi nhiễm.
"Hẳn là các nước khác trong ASEAN và phần còn lại của thế giới có thể rút ra bài học từ cách phản ứng mau lẹ và dứt khoát của Việt Nam trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19" - tờ báo viết.
Tờ The Strategist lưu ý rằng Chính phủ Việt Nam đã thắt chặt kiểm soát biên giới và đưa các bệnh viện cùng cơ quan y tế địa phương vào tình trạng báo động cao, chỉ 3 ngày sau khi dịch COVID-19 bùng phát ở Trung Quốc và còn trước khi xảy ra trường hợp tử vong đầu tiên tại ổ dịch.
Việt Nam áp dụng lối tiếp cận thuận lợi với ngân sách và cách làm này đã chứng tỏ hiệu quả. Chính quyền tập trung chú ý vào truyền thông và giáo dục thường thức cho cư dân với sự hỗ trợ của nền tảng công nghệ và hệ thống theo dõi.
Tại Việt Nam, các công dân tự nguyện chia sẻ thông tin y tế cá nhân của họ thông qua một ứng dụng do Chính phủ đề xuất với tên gọi NCOVI, còn chính quyền tích cực tương tác với nhân dân thông qua mạng xã hội.
Kinh nghiệm của Việt Nam cho thấy bằng cách tập trung đánh giá sớm các rủi ro, giao lưu và hợp tác hiệu quả giữa chính phủ và công dân, một quốc gia với nguồn lực hạn chế và hệ thống chăm sóc sức khỏe chưa vững vàng ổn định vẫn có thể đối phó với đại dịch.
Bắt đầu từ kỷ nguyên của hai cuộc kháng chiến lâu dài chống thực dân đế quốc xâm lược cho đến khi đương đầu với dịch bệnh SARS và COVID-19, Việt Nam xây đắp nên lịch sử chiến đấu thành công với những căn bệnh tử thần - tờ Liberation của đảng Cộng sản Mỹ nhận xét.
Báo này so sánh cuộc chiến chống đại dịch ở Việt Nam và Mỹ. Trong chừng mực hệ thống chăm sóc sức khỏe của Việt Nam tập trung vào đảm bảo an toàn và sức khỏe của người dân thay vì chú trọng mức lợi nhuận của các công ty bảo hiểm, Việt Nam đã đạt thành tựu ấn tượng trong lĩnh vực phòng ngừa và điều trị bệnh - tờ báo kết luận.
Còn tờ báo Nga Novosti Petrozavodsk giới thiệu cảm tưởng của một người phụ nữ Nga vừa thăm Việt Nam trở về. "Tôi rất thích chuyện người Việt Nam không do dự mà nghiêm chỉnh chấp hành các yêu cầu. Tôi thích chuyện nhà nước chăm lo tối đa cho công dân của mình: Luôn sẵn có tất cả các thực phẩm và hàng hóa cần thiết, khẩu trang bảo vệ đáp ứng mọi sở thích, cả ngân sách và mức giá đều giảm cho mọi thứ!".
Tờ The New York Times đưa tin, mặc dù không đủ nguồn lực và thua kém xa về tài chính so với nhiều nước, Việt Nam vẫn gửi tặng 550.000 chiếc khẩu trang cho Pháp, Đức, Italia, Tây Ban Nha và Anh, 390.000 chiếc cho nước láng giềng Campuchia và 340.000 chiếc cho một láng giềng khác là Lào. Việt Nam cũng đã bàn giao 450.000 bộ quần áo bảo hộ DuPont sản xuất ở Việt Nam cho Mỹ, và nhận được lời cảm ơn "các bạn ở Việt Nam" từ Tổng thống Donald Trump.
"Việt Nam có lẽ thêm vững tin vì biết đương đầu thành công với virus Corona" - tờ The New York Times dẫn lời chuyên gia nổi tiếng về Việt Nam, ông Carl Thayer. Chuyên gia người Australia này cũng cho rằng đất nước bắt đầu chờ đợi sự hồi sinh kinh tế.
Còn Reuters cho hay, Việt Nam có thể sản xuất 5,72 triệu khẩu trang y tế mỗi ngày để giúp đỡ chống đại dịch COVID-19. Trong khi đó, tờ The Guardian tiết lộ cách các hoạ sĩ Việt Nam vẽ tranh cổ động chống COVID-19 và phát hành tem bưu chính truyền tải "thông điệp rõ ràng về sự đoàn kết trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19".
Theo Laodong.vn