Trong cuộc họp báo trực tuyến tại Geneva (Thụy Sĩ), ngày 15/4, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus đánh giá Mỹ là một người bạn lâu năm, hào phóng của WHO và ông hy vọng điều này sẽ tiếp diễn. Ông Ghebreyesus kêu gọi tất cả các nước trên thế giới tỏ rõ tinh thần đoàn kết trong cuộc chiến chung chống đại dịch, bởi theo ông “nếu chúng ta bị chia rẽ, thì virus sẽ xâm nhập vào những kẽ hở giữa chúng ta”.
Ông Ghebreyesus cho biết WHO đang đánh giá những tác động công việc xoay quanh việc Mỹ chấm dứt tài trợ cho tổ chức này. Nhà lãnh đạo WHO kêu gọi các nước thành viên tăng cường đóng góp và cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ các nước có hệ thống y tế yếu kém.
Theo quan điểm của ông Ghebreyesus thì vai trò điều hành của WHO sẽ do các nước thành viên và các tổ chức độc lập đánh giá, trong khi những mặt hạn chế cũng sẽ được xác định để cải thiện, với phương châm “tất cả chúng ta đều có những điều cần học hỏi”. Tuy nhiên, người đứng đầu WHO khẳng định, ưu tiên của ông vào thời điểm hiện nay là chặn đứng virus và cứu lấy mạng sống của con người.
Trên trang Twitter, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao và Thương mại Ai Len Simon Coveney mô tả quyết định của Mỹ là “gây sốc và không thể biện minh”. “Đây là quyết định không thể biện minh giữa thời điểm đại dịch toàn cầu bùng phát. Rất nhiều người dễ bị tổn thương đang dựa vào WHO...” – ông Coveney nói, đồng thời nhấn mạnh đây là thời điểm các nhà lãnh đạo trên thế giới thể hiện tinh thần đoàn kết để cứu lấy mạng sống của con người, chứ không phải chia rẽ hay đổi lỗi cho nhau.
Cùng ngày, Chủ tịch Ủy ban Liên minh châu Phi (AU) Moussa Faki Mahamat cũng tỏ rõ sự tiếc nuối sâu sắc trước quyết định của Mỹ và nhấn mạnh vai trò của WHO trong việc dẫn dắt toàn cầu ứng phó với đại dịch COVID-19. “Trách nhiệm tập thể của chúng ta là bảo đảm WHO có thể thực hiện đẩy đủ những trọng trách của tổ chức này đang trở nên cấp bách hơn bao giờ hết” – ông Mahamat nói.
Thế giới đang phải đối mặt với kẻ thù chung là COVID-19. (Ảnh: Reuters)
Cho rằng việc Mỹ ngừng viện trợ cho WHO là một “bước lùi lớn”, Ngoại trưởng Phần Lan Pekka Haavisto khẳng định “công việc của WHO là đặc biệt cần thiết trong những ngày này để vượt qua đại dịch COVID-19”. Cũng trong ngày 15/4, nội các Phần Lan đã quyết định nâng mức tài trợ cho WHO lên 5,5 triệu euro (tương đương 6 triệu USD), tương đương với mức của năm 2015.
Sau cuộc họp nội các diễn ra cùng ngày, phát ngôn viên chính phủ Pháp Sibeth Ndiaye đã bày tỏ sự tiếc nuối trước việc Mỹ thông báo ngừng tài trợ cho WHO, hy vọng mọi thứ sẽ “quay trở lại bình thường” để WHO có thể tiếp tục theo đuổi công việc.
Ngoại trưởng Đức Heiko Maas cũng bày tỏ lập trường phản đối quyết định của Mỹ. Đại diện ngoại giao này nêu rõ: “Việc đổ lỗi không giúp ích. Virus không có biên giới. Chúng ta phải hợp tác chặt chẽ để chống lại COVID-19… Một trong những sự đầu tư tối ưu nhất là Liên hợp quốc, đặc biệt là WHO vốn đang hoạt động với nguồn hỗ trợ tài chính thiếu hụt, cần đẩy mạnh hoạt động, ví dụ như trong việc phát triển và phân phối các bộ xét nghiệm, vắc-xin chống virus”.
Trên trang Twitter, Ngoại trưởng Cuba Bruno Rodriguez đã chỉ trích việc Mỹ ngừng viện trợ cho WHO, đồng thời khẳng định Cuba sẽ tiếp tục hợp tác với định chế y tế toàn cầu này dựa trên tinh thần đoàn kết.
Trong khi đó, nhà đồng sáng lập tập đoàn Microsoft Bill Gates cũng cho rằng, việc ngừng tài trợ cho WHO trong thời điểm thế giới đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng y tế là “nguy hiểm”. Thông điệp trên Twitter của vị tỷ phú này cho rằng: “Công việc của tổ chức này là làm chậm lại sự lây lan của COVID-19 và nếu như công việc này chấm dứt thì sẽ không có tổ chức nào trên thế giới có thể thay thế. Ở thời điểm hiện tại, thế giới cần WHO hơn bao giờ hết”.
Ngày 14/4, Tổng thống Mỹ D.Trump thông báo Washington sẽ đóng băng các khoản hỗ trợ tài chính cho WHO trong khi tiến hành đánh giá xem liệu tổ chức này có che đậy thông tin tình hình dịch bệnh COVID-19 và có thiếu sót nghiêm trọng trong ứng phó với dịch bệnh hay không. Thông tin này không chỉ gây ra những phản ứng trái chiều từ nhiều nước trên thế giới mà còn trở thành nguồn cơn khiến người đứng đầu Nhà Trắng phải đương đầu với những sóng gió mới từ nội bộ chính trường Mỹ.
Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi cho rằng chấm dứt tài trợ trong khi WHO đang dẫn đầu cuộc chiến toàn cầu chống lại dịch COVID-19 là một việc làm vô nghĩa. Bà khẳng định các nghị sĩ đảng Dân chủ sẽ tìm cách "phản công" quyết định của ông D.Trump. Theo bà Pelosi, Mỹ chỉ có thể giành thắng lợi trong cuộc chiến chống dịch bệnh khi phối hợp với các nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế.
Phòng Thương mại Mỹ (USCC) cũng nhận định quyết định của Tổng thống Trump không phục vụ lợi ích cao nhất của đất nước. Trong khi đó, Hiệp hội Y khoa Mỹ cũng nhận định quyết định của Tổng thống D.Trump là một bước đi nguy hiểm sai hướng, đồng thời thúc giục ông xem xét lại vấn đề này.
Theo số liệu do worldometers.info công bố trưa 16/4, số ca nhiễm COVID-19 trên thế giới đã lên tới 2.083.866 trường hợp, với 134.567 ca tử vong. Mỹ hiện đang là nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ COVID-19 và trong nhiều ngày qua liên tiếp đứng đầu bảng thống kê của worldometers.info về số ca nhiễm, với tỷ lệ tử vong cao vì dịch bệnh./.
Theo dangcongsan.vn