VITARA – Giải pháp hiện đại hóa hệ thống thuế, đảm bảo minh bạch, hiệu quả

Thứ ba, 03/12/2024 18:46
(ThanhtraVietNam) - VITARA, hướng dẫn tham khảo quốc tế về quản trị thể chế thuế, mang đến giải pháp hiện đại hóa hệ thống thuế, đảm bảo minh bạch, hiệu quả và công bằng, đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế toàn cầu.

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, đòi hỏi các quốc gia không ngừng hoàn thiện hệ thống thuế, hướng đến sự hiệu quả, minh bạch và công bằng. Hướng dẫn tham khảo VITARA về quản trị thể chế, một sản phẩm hợp tác của các tổ chức quốc tế uy tín như CIAT (Trung tâm Liên Mỹ về quản lý thuế), IMF (Quỹ Tiền tệ quốc tế), IOTA (Tổ chức Hợp tác quản lý thuế châu Âu) và OECD (Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế), chính là cẩm nang hữu ích cho các quốc gia trong hành trình nâng cao năng lực quản trị cơ quan thuế, góp phần xây dựng hệ thống thuế hiện đại, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

leftcenterrightdel
Ảnh minh họa 

VITARA - Khái niệm và tầm quan trọng của quản trị thể chế

Hướng dẫn tham khảo VITARA về quản trị thể chế cung cấp cho người đọc cái nhìn toàn diện về quản trị thể chế, được định nghĩa là tập hợp các phương pháp quản lý hệ thống thuế một cách hiệu quả từ cả bên ngoài và bên trong cơ quan thuế. Tài liệu nhấn mạnh quản trị thể chế là yếu tố then chốt, góp phần vào sự thành công của cơ quan thuế.

Hai mặt của quản trị thể chế: Bên ngoài và bên trong

Quản trị thể chế bao gồm hai khía cạnh chính: quản trị từ bên ngoài và quản trị nội bộ. Quản trị từ bên ngoài bao gồm các yếu tố tác động đến hoạt động của cơ quan thuế từ các cơ quan bên ngoài, như luật pháp, quy định thuế, cơ chế giám sát từ Bộ Tài chính, cơ quan lập pháp, Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra viên Thuế và hội đồng quản lý (nếu có).

Mặt khác, quản trị nội bộ tập trung vào việc thiết kế và vận hành các quy trình, hệ thống, cơ cấu tổ chức, quản lý rủi ro và báo cáo hiệu suất bởi chính cơ quan thuế. Người đứng đầu cơ quan thuế đóng vai trò then chốt trong việc thiết lập và duy trì hệ thống quản trị nội bộ hiệu quả.

VITARA - Hướng dẫn xây dựng khung pháp lý cho cơ quan thuế

VITARA khuyến nghị các quốc gia cần xây dựng khung pháp lý rõ ràng và minh bạch cho cơ quan thuế. Khung pháp lý này cần quy định cụ thể về cơ cấu tổ chức như mô hình tổ chức, các đơn vị trực thuộc và mối quan hệ giữa chúng.

Vị trí pháp lý: Một vấn đề quan tâm là xác định cơ chế thuế nên trực thuộc Bộ Tài chính chính hay hoạt động độc lập, với trách nhiệm giải trình trực tiếp trước Quốc hội hoặc một cơ quan quản lý riêng.

Nhiệm vụ và quyền hạn: Nhiệm vụ, chức năng, quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan thuế trong việc quản lý thuế.

Quyền và nghĩa vụ của người nộp thuế: Bảo đảm quyền lợi của người nộp thuế và nghĩa vụ tuân thủ pháp luật thuế.

Mô hình cơ quan thuế thống nhất: Hiệu quả toàn diện

Một trong những khuyến nghị đáng chú ý của VITARA là ứng dụng mô hình cơ quan thuế nhất, quản lý tất cả các loại thuế ở cấp quốc gia thay vì phân tán thành nhiều cơ quan riêng lẻ. Mô hình này mang lại nhiều lợi ích cho cả chính phủ và người nộp thuế, bao gồm:

Nâng cao hiệu quả hoạt động: Cơ quan thuế thống nhất giúp phối hợp các hoạt động thu thuế, giảm chi phí hoạt động và tăng cường hiệu quả thu thuế.

Tăng cường tuân thủ thuế tự nguyện: Người nộp thuế chỉ cần liên hệ với một cơ quan duy nhất, giúp đơn giản hóa thủ tục và giảm thiểu gánh nặng tuân thủ.

Quản lý rủi ro toàn diện: Cơ quan thuế thống nhất có cái nhìn tổng quan về rủi ro tuân thủ của người nộp thuế, từ đó đưa ra biện pháp xử lý phù hợp.

VITARA – Nâng cao tính tự chủ và trách nhiệm giải trình

Một điểm khác trong Hướng dẫn VITARA là khuyến nghị tăng cường tính tự chủ cho cơ quan thuế trong các lĩnh vực then chốt, bao gồm:

Thiết kế cơ cấu tổ chức nội bộ: Linh hoạt trong việc sắp xếp, bố trí các đơn vị, phòng ban và thiết kế công việc.

Xây dựng chiến lược, kế hoạch và tiêu chuẩn hiệu suất: Chủ động trong việc xác định mục tiêu, chiến lược phát triển và xây dựng hệ thống đánh giá hiệu quả hoạt động.

Quản lý ngân sách và nhân sự: Tăng cường khả năng kiểm soát ngân sách, đồng thời thúc đẩy các chương trình tuyển dụng, đào tạo và phát triển nhân lực.

Ra quyết định trong hoạt động quản lý thuế: Chủ động trong việc xử lý hồ sơ thuế, giải thích luật thuế và thực hiện các hoạt động kiểm tra, thanh tra thuế.

Tuy nhiên, Hướng dẫn VITARA cũng nhấn mạnh rằng tính tự chủ cần đi kèm với trách nhiệm giải trình. Cơ quan thuế cần minh bạch trong hoạt động, công khai thông tin và báo cáo kết quả hoạt động cho các cơ quan giám sát và người dân.

VITARA - Quản lý rủi ro hiệu quả

Quản lý rủi ro là một yếu tố quan trọng được đề cập trong Hướng dẫn VITARA. Tài liệu đề xuất thiết lập các biện pháp ngăn chặn rủi ro có thể thực hiện các nhiệm vụ:

Phân loại rủi ro: Xác định các loại rủi ro tiềm ẩn, bao gồm rủi ro doanh nghiệp, rủi ro hoạt động và rủi ro tuân thủ thuế.

Xây dựng chiến lược quản lý rủi ro: Đề xuất các biện pháp phòng ngừa và xử lý rủi ro phù hợp với từng loại rủi ro.

Tích hợp quản lý rủi ro vào quy trình lập kế hoạch: Đảm bảo quản lý rủi ro được lồng ghép trong các kế hoạch chiến lược và hoạt động của cơ quan thuế.

VITARA - Vai trò của người đứng đầu cơ quan thuế

Hướng dẫn VITARA cũng nhấn mạnh vai trò của lãnh đạo cơ quan thuế trong việc xây dựng và duy trì khung quản trị nội bộ hiệu quả. Cụ thể, người đứng đầu cần thiết lập cơ cấu và quy trình quản trị minh bạch, hiệu quả, công bằng và có trách nhiệm.

Đồng thời, xây dựng văn hóa tổ chức lành mạnh, đề cao tính chuyên nghiệp, liêm chính và trách nhiệm giải trình; Đảm bảo cơ quan thuế tuân thủ luật pháp, quy định và các tiêu chuẩn quốc tế về quản trị thuế; Thường xuyên đánh giá và cải thiện hệ thống quản trị nội bộ, đáp ứng yêu cầu phát triển.

Hướng dẫn tham khảo VITARA về quản trị thể chế là tài liệu tham khảo hữu ích, cung cấp cho các quốc gia bộ công cụ toàn diện để nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan thuế. Việc áp dụng khuyến nghị từ tài liệu này không chỉ giúp tối ưu hoá hoạt động của cơ quan thuế mà còn góp phần xây dựng một hệ thống thuế hiện đại, minh bạch và công bằng, cung cấp sự phát triển bền vững của nền tảng kinh tế trong kỷ nguyên hội nhập quốc tế.

Dương Nguyễn (Theo OECD)

TIN LIÊN QUAN

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra