Bài 2: Vì sao chậm giải ngân vốn đầu tư công?

Thứ tư, 27/03/2024 09:00
(ThanhtraVietNam) - Có nhiều nguyên nhân khiến Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn Quảng Nam chậm giải ngân vốn đầu tư công.

Bài 1: Chậm giải ngân vốn đầu tư công nhiều dự án

Kết quả thanh tra của Thanh tra tỉnh Quảng Nam cho thấy, tại Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn Quảng Nam (gọi tắt là Ban Quản lý Dự án), các dự án, công trình thi công hoàn thành, nghiệm thu đưa vào sử dụng có tỷ lệ giải ngân tương đối cao. Tuy nhiên, từng thời điểm, từng năm thì một số dự án, công trình có tỷ lệ giải ngân chưa đạt kế hoạch.

leftcenterrightdel
Ảnh minh họa về Dự án Sửa chữa và nâng cao an toàn đập (WB8). Nguồn: http://cpo.vn/wb8

Nhiều nguyên nhân khách quan

Mặc dù đối với dự án, công trình hoàn thành thì tỷ lệ giải ngân tương đối cao, nhưng vẫn không đạt 100% như kế hoạch chủ yếu là do một số chi phí thực tế không thực hiện, một số chi phí thực hiện thấp hơn dự toán và kế hoạch vốn. Bên cạnh đó, nguồn vốn được giao vào giữa hoặc gần cuối năm kế hoạch nên trong năm chưa có khối lượng nhiều để giải ngân.

Ngoài ra, khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) cũng là một trong những nguyên nhân quan trọng ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân.

Có những dự án chủ đầu tư đã chủ động phối hợp với các địa phương trong công tác GPMB, tuy nhiên các địa phương chưa giải quyết kịp thời, dứt điểm nên ảnh hưởng đến việc bàn giao mặt bằng, tiến độ thi công và kế hoạch giải ngân.

Một số dự án có phương án, bồi thường hỗ trợ tái định cư chưa thống nhất và chưa được phê duyệt do cơ cấu nguồn vốn ban đầu không đảm bảo cân đối cho GPMB, cũng như triển khai thực hiện dự án.

Việc xác minh nguồn gốc đất nhiều lần, tranh chấp, khiếu nại kéo dài nên cũng tốn nhiều thời gian ảnh hưởng đến tiến độ thi công và giải ngân.

Một số dự án khi thực hiện lập phương án bồi thường GPMB chưa có quy định về đơn giá nên phải lấy ý kiến nhiều cơ quan, đơn vị.

Việc huy động chuyên gia tư vấn quốc tế đối với một số dự án, công trình chuyển tiếp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nên công tác chuẩn bị một số dự án chậm so với kế hoạch đề ra nên không thể triển khai các bước tiếp theo để giải ngân vốn.

Tình hình giá vật liệu xây dựng, nhất là giá thép tăng đột biến, tình hình khan hiếm vật liệu (cát, đá, đất đắp...) cũng làm ảnh hưởng lớn đến tiến độ các công trình đã và đang triển khai thực hiện, nhất là đối với các Hợp đồng theo đơn giá cố định và Hợp đồng trọn gói.

Có thời điểm thời tiết diễn biến phức tạp, xuất hiện nhiều trận mưa lớn trái mùa nên việc thi công công tác đất cũng như các hạng mục khác của công trình thủy lợi như: hồ chứa, đê kè gặp rất nhiều khó khăn. Trong khi các hồ chứa vừa thi công vừa đảm bảo tưới phục vụ sản xuất nên ảnh hưởng đến tiến độ thi công xây lắp của các hồ chứa và không giải ngân hết kế hoạch vốn được giao.

Trong quá trình triển khai thực hiện dự án, xuất hiện nhiều yếu tố cần phải điều chỉnh thiết kế cho phù hợp với điều kiện thực tế tại hiện trường, đảm bảo an toàn cho công trình và phù hợp với kiến nghị của địa phương nên một số dự án phải điều chỉnh thiết kế, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án.

Liên quan đến Dự án Sửa chữa và nâng cao an toàn đập (WB8), năm 2022, Dự án này vướng thủ tục pháp lý trong công tác giải ngân ở Bộ Tài chính nên không thể giải ngân hết kế hoạch vốn được giao.

Nguyên nhân chủ quan thuộc về trách nhiệm của Chủ đầu tư

Tại Kết luận Thanh tra số 02/KL-TTT, Thanh tra tỉnh Quảng Nam đã chỉ rõ trách nhiệm của Chủ đầu tư (Ban Quản lý Dự án) trong việc triển khai chậm công tác thiết kế bản vẽ thi công, xin giấy phép thi công và xin điều chỉnh thiết kế.

Đồng thời, Ban Quản lý Dự án chưa thực hiện tốt công tác khảo sát, đánh giá hiện trạng công trình dẫn đến việc phải điều chỉnh, thay đổi thiết kế nhiều lần mất nhiều thời gian.

Ngoài ra, các thiếu sót khác của Chủ đầu tư làm ảnh hưởng đến việc theo dõi, kiểm tra tiến độ thi công và tình hình giải ngân như: Việc nghiệm thu thanh toán chưa đạt 100% khối lượng thực hiện; việc tạm ứng hợp đồng mặc dù đảm bảo quy định nhưng chủ đầu tư chưa căn cứ vào tiến độ thi công, nhu cầu sử dụng vốn của từng nhà thầu để thực hiện giải ngân vốn; dẫn đến, bất cập trong việc tạm ứng nguồn vốn bố trí, kéo dài thời gian thu hồi tạm ứng.

Đối với các huyện, thị xã có các dự án còn những tồn tại, hạn chế trong công tác GPMB thì việc thống kê, đo đạc, kiểm đếm và áp giá đền bù của các địa phương chưa chính xác, một số hạng mục chưa có quy định về đơn giá dẫn đến người dân khiếu nại phải giải quyết nhiều lần tốn nhiều thời gian (Huyện Núi Thành: Dự án Sửa chữa, nâng cấp khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá An Hòa (giai đoạn 1), Dự án Sửa chữa và nâng cao an toàn đập WB8; huyện Bắc Trà My: Dự án Kè Sông Trường; huyện Phú Ninh, thị xã Điện Bàn: Dự án phát triển vùng sản xuất hạt giống lúa lai tại tỉnh Quảng Nam; huyện Hiệp Đức: Dự án hồ chứa nước Phước Hòa; huyện Thăng Bình: Dự án Đê Bình Dương, Bình Đại, Bình Đào).

(Còn tiếp)

K. Dung

TIN LIÊN QUAN

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra