Buông lỏng quản lý
Cụ thể, Thông báo kết luận thanh tra 1570/TB-TTCP của Thanh tra Chính phủ chỉ rõ, công tác kiểm tra, giám sát, nắm bắt tiến độ, tình hình thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh Gia Lai chưa thường xuyên, thiếu kịp thời, thiếu kiên quyết.
Việc tham mưu, xử lý vi phạm đối với các dự án chậm tiến độ, không thực hiện đầu tư, nhất là các dự án không đầu tư, chậm tiến độ kéo dài nhiều năm và hết thời hạn đầu tư nhưng Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban Quản lý Khu kinh tế không đề xuất UBND tỉnh chấm dứt hoạt động dự án, thu hồi tiền ký quỹ là buông lỏng quản lý, điển hình là vi phạm tại dự án Hoàng Nhi Plaza (thành phố Pleiku) mặc dù nhiều lần Hội đồng Nhân dân tỉnh có ý kiến xử lý dứt điểm nhưng chưa được chấm dứt hoạt động theo quy định. Còn nhiều dự án có thời điểm không quản lý, theo dõi, giám sát tiến độ đầu tư, thể hiện buông lỏng quản lý. Số tiền ký quỹ các dự án ngoài ngân sách 178.782,104 triệu đồng thuộc trường hợp phải thu hồi nhưng Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh đã buông lỏng quản lý, chưa kịp thời tham mưu thu hồi, cần phải được rà soát, xử lý theo quy định.
Về việc quản lý đầu tư công và thanh tra các dự án vốn ngân sách, UBND tỉnh chậm xây dựng văn bản công bố giá vật liệu trên địa bàn tỉnh, gây khó khăn trong công tác lập dự toán các dự án đầu tư; trong việc lập, thẩm định, phê duyệt, thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 còn để xảy ra nhiều tồn tại, vi phạm, thiếu sót, như: Kế hoạch đầu tư công phải điều chỉnh 08 lần; việc phân bố, bố trí vốn còn chậm, giao thành nhiều đợt, chưa sát với thực tế, vượt quá khả năng cân đối nguồn vốn, dẫn đến 32 dự án thuộc kế hoạch thiếu vốn, thi công chậm tiến độ, dở dang phải chuyển tiếp sang giai đoạn 2021-2025 với tổng vốn là 1.931.164 triệu đồng.
Cùng với đó, tỷ lệ giải ngân thấp, chỉ đạt 86%; một số dự án được bố trí vốn theo kế hoạch năm nhưng không thể giải ngân, phải hủy bỏ vốn của từng năm trong giai đoạn 2016-2020 với tổng số tiền 254.270 triệu đồng; chất lượng lập, thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư, phê duyệt dự án đầu tư còn nhiều hạn chế, thiếu thực tế, dẫn đến 23 dự án phải điều chỉnh, thay đổi quy mô thiết kế so với ban đầu, có dự án phải dừng thực hiện do chưa được GPMB, khu vực thực hiện dự án liên quan đến rừng phòng hộ; tỷ lệ giảm giá thông qua đấu thầu trên địa bàn tỉnh thấp, chưa phát huy được tính cạnh tranh trong đấu thầu, việc tổ chức đấu thầu qua mạng không đảm bảo lộ trình theo quy định; trong xử lý vi phạm hoạt động đấu thầu còn thiếu nghiêm túc, để các nhà thầu có vi phạm các hành vi bị cấm được tiếp tục tham gia và trúng nhiều gói thầu (Công ty TNHH Trang Khuê; Công ty TNHH Thanh Việt; Công ty TNHH xây dựng Xuân Hương), UBND tỉnh cần chỉ đạo các cơ quan có liên quan, UBND huyện Ia Pa chuyển hồ sơ sang cơ quan chức năng để điều tra xử lý theo quy định.
|
|
Một góc Gia Lai. Ảnh chỉ mang tính minh họa: Internet |
Có tình trạng chiếm dụng vốn kéo dài, khó thu hồi
Qua thanh tra nhận thấy, trong công tác quản lý nguồn vốn đầu tư, còn để nhà thầu chiếm dụng vốn tạm ứng quá hạn kéo dài với số tiền 50.348 triệu đồng, phải thu hồi về ngân sách nhà nước số tiền 27.183 triệu đồng và số tiền 23.165 triệu đồng liên quan đến thẩm quyền xử lý của cơ quan Tòa án, trong đó cá biệt Công ty cổ phần xây dựng thương mại Bình An tạm ứng quá hạn 20.189 triệu đồng có nguy cơ khó thu hồi, UBND tỉnh cần theo dõi, báo cáo quá trình giải quyết của cơ quan Tòa án đối với số tiền trên, đồng thời có biện pháp xử lý trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan; Quỹ phát triển đất tỉnh cho các Chủ đầu tư kéo dài thời gian thu hồi vốn ứng nhiều lần, không có cơ sở, đến nay còn phải thu hồi vốn ứng quá hạn với số tiền lớn là 136.722,752 triệu đồng.
Về công tác quản lý nhà nước đối với nghiệm thu, thanh quyết toán còn nhiều tồn tại, thiếu sót, đến thời điểm thanh tra (tháng 12/2021), còn 254 dự án chủ đầu tư chậm nộp hồ sơ đề nghị phê duyệt quyết toán theo quy định và còn 02 dự án chủ đầu tư chưa nộp hồ sơ quyết toán. Đến thời điểm thanh tra, tỉnh vẫn chưa bố trí vốn để xử lý nợ đọng với số tiền là 12.233,46 triệu đồng. Trong tổ chức thực hiện các kết luận của cơ quan thanh tra, kiểm toán, UBND tỉnh đã thiếu kiểm tra, giám sát, Chủ đầu tư đã thiếu trách nhiệm trong việc thực hiện khắc phục các vi phạm với số tiền phải nộp về NSNN là 280 triệu đồng.
Ngoài ra, kết quả thanh tra 13 dự án (chủ yếu tổng mức đầu tư dưới 10 tỷ) đã phát hiện các vi phạm, tồn tại, hạn chế như: công tác lập, thẩm tra, phê duyệt dự toán; áp dụng sai đơn giá, định mức, chế độ chính sách; biện pháp thi công, khối lượng chưa phù hợp làm tăng giá trị đầu tư...; dẫn đến giảm trừ khi quyết toán công trình hoàn thành với tống số tiền là 3.212 triệu đồng.
Kết luận thanh tra cũng chỉ rõ việc quản lý, giám sát quyền, nghĩa vụ của người sử dụng đất, quản lý giám sát đầu tư đối với một số dự án vốn ngoài ngân sách. Theo đó, tỉnh Gia Lai còn buông lỏng quản lý sử dụng đất, quản lý giám sát đầu tư, để xảy ra vi phạm, điển hình như: cấp chủ trương đầu tư trong khi Chủ đầu tư không đảm bảo năng lực tài chính; miễn tiền thuê đất sai quy định; có dự án xây dựng trên đất quy hoạch lâm nghiệp chưa được chuyển mục đích sử dụng đất (Nhà máy điện Yang Trung, Nhà máy điện Chơ Long); áp dụng phương pháp xác định giá đất cụ thế không đúng; không thu hồi tiền ký quỹ theo quy định đối với dự án chậm tiến độ; cấp Giấy chứng nhận QSDĐ khi Chủ đầu tư chưa ký hợp đồng thuê đất, chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính…/.