Công tác thanh tra góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước ở Lạng Sơn

Thứ hai, 22/07/2024 10:09
(ThanhtraVietNam) - Chủ động triển khai kế hoạch, quá trình thực hiện có sự điều chỉnh kịp thời, phù hợp thực tế, chất lượng cuộc thanh tra được nâng lên đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước trên địa bàn là nhận định của lãnh đạo UBND tỉnh Lạng Sơn về công tác thanh tra.

Theo UBND tỉnh Lạng Sơn, ngày từ đầu năm 2024, lãnh đạo địa phương đã quan tâm chỉ đạo, quán triệt, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, phát huy trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị.

Thanh tra tỉnh đã hướng dẫn xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai công tác thanh tra bám sát định hướng của Thanh tra Chính phủ, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước đối với ngành, lĩnh vực, phù hợp yêu cầu nhiệm vụ chính trị của mỗi cơ quan, đơn vị.

Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 17/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp và hoạt động rà soát, xử lý chồng chéo tiếp tục được chỉ đạo thực hiện.

Kết thúc 6/12 cuộc thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng, các cơ quan thanh tra trên địa bàn Lạng Sơn đã phát hiện vi phạm về kinh tế 362,18 triệu đồng; kiến nghị thu hồi 289,52 triệu đồng, giảm trừ thanh toán, quyết toán 33,01 triệu đồng; yêu cầu trả lại các cá nhân 39,65 triệu đồng, đã thu hồi được 212,09 triệu đồng, đạt tỷ lệ 73,25%.

Báo cáo của UBND tỉnh Lạng Sơn cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2024, có 181 lượt thanh tra, kiểm tra đối với 81 doanh nghiệp được chỉ đạo xử lý chồng chéo. Các tổ chức thanh tra trên địa bàn đã triển khai 137 cuộc thanh tra, kiểm tra (giảm 34,1% số cuộc so với cùng kỳ năm 2023).

Qua thanh tra đã phát hiện sai phạm về kinh tế gần 2,4 tỷ đồng, kiến nghị thu hồi gần 1,6 tỷ đồng, giảm trừ thanh toán, quyết toán gần 765 triệu đồng; yêu cầu trả lại các cá nhân 51,49 triệu đồng.

Đồng thời yêu cầu các cơ quan, đơn vị nghiêm túc chấn chỉnh, khắc phục các hạn chế, thiếu sót, sai phạm đã được chỉ ra qua thanh tra.

Các tổ chức thanh tra chuyên ngành đã xử phạt vi phạm hành chính đối với 62 tổ chức, cá nhân, số tiền xử phạt gần 1,2 tỷ đồng, đã nộp ngân sách 100%.

UBND tỉnh đánh giá, nhờ những chỉ đạo, triển khai chương trình, kế hoạch của tỉnh, của ngành Thanh tra việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ, nâng cao hiệu quả phục vụ người dân và doanh nghiệp đã có sự chuyển biến.

leftcenterrightdel
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Lương Trọng Quỳnh cùng lãnh đạo sở  ngành dự Hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024 của ngành Thanh tra. Ảnh: PV 

Tuy nhiên, hoạt động của Ngành vẫn còn hạn chế nhất định, trong đó có nội dung thanh tra, kiểm tra thực hiện các quy định về quản lý, sử dụng tài sản công. Đó là, số lượng cuộc thanh tra, kiểm tra còn ít và chủ yếu được lồng ghép với các nội dung khác.

Về nguyên nhân dẫn tới những tồn tại trong công tác thanh tra, UBND tỉnh Lạng Sơn cho rằng, còn có cơ quan, đơn vị chưa quan tâm thường xuyên; lực lượng công chức làm công tác thanh tra ở cấp huyện, cấp sở có biến động; cá biệt có những công chức mới vào ngành Thanh tra còn thiếu kinh nghiệm thực tiễn…

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế và hoàn thành nhiệm vụ công tác năm 2024, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn yêu cầu ngành Thanh tra tỉnh này tập trung thực hiện tốt một số nội dung sau:

Một là, tiếp tục triển khai kế hoạch thanh tra năm 2024, chú trọng công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo, thường xuyên theo dõi, nắm tình hình tham mưu xử lý, giải quyết các vụ việc phức tạp, kéo dài theo Kế hoạch số 363/KH-TTCP của Thanh tra Chính phủ, không để phát sinh “điểm nóng” về an ninh, trật tự.

Hai là, nâng cao hiệu quả hoạt động thanh tra, kiểm tra, tổ chức thanh tra đột xuất khi phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật; xử lý kịp thời, hiệu quả, tránh chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp.

Ba là, đẩy mạnh giám sát, thẩm định và xử lý sau thanh tra; kiên quyết xử lý các trường hợp không chấp hành các kết luận thanh tra, kiến nghị kiểm toán.

Bốn là, thực hiện có hiệu quả các Quy định số 131-QĐ/TW, số 114-QĐ/TW của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng; các chỉ thị, kế hoạch, kết luận của Tỉnh ủy về tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí trên địa bàn giai đoạn 2021 - 2025, về thực hiện Chỉ thị số 04-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế, về tăng cường lãnh đạo hoạt động quản lý xuất nhập khẩu hàng hóa và công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tại các cửa khẩu…

Năm là, tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác kiểm tra nội bộ nhằm ngăn ngừa tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp trong giải quyết công việc; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các vụ việc tham nhũng, tiêu cực; phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng để xử lý trách nhiệm của người đứng đầu để xảy ra tham nhũng và chuyển điều tra các vụ việc có dấu hiệu tội phạm tham nhũng.

Sáu là, tăng cường phối hợp trong điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp trên địa bàn.

Liên quan đến công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn đã yêu cầu thủ trưởng các cơ quan, tổ chức, đơn vị kịp thời xem xét, giải quyết các kiến nghị của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc về các biện pháp nhằm phát hiện và phòng ngừa tham nhũng; tạo điều kiện tốt cho công tác giám sát hoạt động đối với các cơ quan nhà nước và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; làm rõ và trả lời cho cơ quan báo chí theo quy định của pháp luật…

Ngô Tân

TIN LIÊN QUAN

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
 
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra