Nghiên cứu ứng dụng công nghệ số trong ngành Thanh tra

Thứ tư, 04/12/2024 16:20
(ThanhtraVietNam) - Việc nghiên cứu đề tài cấp bộ “Ứng dụng công nghệ số trong hoạt động thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng” là thực sự cấp thiết, không thể chậm trễ hơn nữa.
leftcenterrightdel
 TS. Lê Tiến Hào, nguyên Phó Tổng Thanh tra Chính phủ, Chủ tịch Hội động nghiệm thu đề tài. Ảnh: K. Dung

TS. Nguyễn Huy Hoàng, Phó Viện trưởng, Viện Chiến lược và Khoa học Thanh tra, Chủ nhiệm đề tài cấp bộ “Ứng dụng công nghệ số trong hoạt động thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng” đã khẳng định như vậy tại Hội nghị nghiệm thu đề tài, chiều ngày 4/12/2024.

TS. Nguyễn Huy Hoàng cho biết, Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã nêu rõ: Phải chủ động, tích cực tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư là yêu cầu tất yếu khách quan; là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đặc biệt quan trọng, vừa cấp bách vừa lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, gắn chặt với quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng… coi đó là giải pháp đột phá với bước đi và lộ trình phù hợp, là cơ hội để Việt Nam bứt phá trong phát triển kinh tế - xã hội.

leftcenterrightdel
TS Nguyễn Quốc Văn, Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học Thanh tra. Ảnh: K. Dung

Công nghệ số là cốt lõi của Cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Ứng dụng công nghệ số trong quản trị quốc gia giúp cho chính phủ hoạt động hiệu lực, hiệu quả hơn, minh bạch hơn, hạn chế tham nhũng, kiến tạo sự phát triển cho xã hội. Ứng dụng công nghệ số trong quản lý nhà nước nói chung giúp thay đổi trải nghiệm của công dân, tổ chức, doanh nghiệp với các dịch vụ do nhà nước cung cấp, thay đổi quy trình nghiệp vụ, thay đổi mô hình và phương thức hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước

Ứng dụng công nghệ số trong lĩnh vực hoạt động thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng không chỉ là mục tiêu mà còn là trọng tâm nhiệm vụ chính trị của ngành Thanh tra trong hiện tại và thời gian tới.

leftcenterrightdel
 Ông Vũ Hồng Khánh, Ủy viên phản biện 1 phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: K. Dung

Thời gian vừa qua, nhiều cơ quan ở trung ương và một số địa phương đã chủ động, tích cực triển khai việc ứng dụng công nghệ số trong quản lý nhà nước. Trong lĩnh vực hoạt động thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng cũng đã bước đầu ghi nhận những kết quả tích cực từ việc ứng dụng công nghệ số.

Hiện nay, Thanh tra Chính phủ, với tư cách là cơ quan quản lý nhà nước cao nhất thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng trong phạm vi cả nước; thực hiện hoạt động thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng thời gian qua đã có nhiều bước đi cụ thể, đáng ghi nhận trong ứng dụng công nghệ số vào hoạt động của cơ quan và ngành Thanh tra.

Đó là việc đã triển khai và đưa vào sử dụng trong toàn quốc Hệ thống cơ sở dữ liệu về báo cáo công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại tố cáo và phòng, chống tham nhũng” theo quy định của Thông tư số 02/2021/TT-TTCP ngày 22/3/2021 của Tổng Thanh tra Chính phủ về chế độ báo cáo công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng; đầu tư và triển khai thực hiện các dự án “Xây dựng nền tảng chia sẻ, tích hợp dùng chung” và “Xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập”.

leftcenterrightdel
 Toàn cảnh Hội nghị nghiệm thu đề tài. Ảnh: K. Dung

Trước đó, Thanh tra Chính phủ cũng đã xây dựng và vận hành các phần mềm như phần mềm quản lý hồ sơ lưu trữ đoàn thanh tra; phần mềm đặt lịch và trả lịch hẹn tiếp công dân; hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về khiếu nại, tố cáo…

Nhằm đẩy mạnh hơn nữa việc ứng dụng công nghệ số, tháng 4/2022 Thanh tra Chính phủ đã ban hành Chương trình chuyển đổi số của Thanh tra Chính phủ đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Bên cạnh việc đặt ra những mục tiêu cụ thể, Thanh tra Chính phủ còn đề ra kỳ vọng ở mức độ cao khi ứng dụng công nghệ số như sử dụng các công cụ phân tích thông minh để giúp lãnh đạo kịp thời đưa ra các quyết sách trong công tác quản lý nhà nước về thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng.

Có thể nói, việc ứng dụng công nghệ số vào hoạt động thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng thời gian qua đã đạt được những kết quả khả quan nhưng vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế cần phải tiếp tục nghiên cứu nhằm tìm ra các giải pháp đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả.

leftcenterrightdel
TS. Nguyễn Huy Hoàng, Phó Viện trưởng, Viện Chiến lược và Khoa học Thanh tra, Chủ nhiệm đề tài cấp bộ “Ứng dụng công nghệ số trong hoạt động thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng”. Ảnh: K. Dung 

Hoạt động thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng là những lĩnh vực rất đa dạng, phức tạp và nhạy cảm, liên quan đến mọi chủ thể và hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội. Khác với nhiều hoạt động quản lý nhà nước khác, tính nhạy cảm và yêu cầu bảo mật thông tin trong lĩnh vực hoạt động thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng là tối quan trọng.

Theo danh mục các nội dung thông tin ở mức độ Mật trong lĩnh vực hoạt động thanh tra, giải quyết tố cáo và phòng, chống tham nhũng dễ dàng nhận thấy có những xung đột với một trong những yêu cầu và mục đích cơ bản của ứng dụng công nghệ số là nhằm tăng cường sự công khai, minh bạch. Vấn đề này liệu có giải quyết được không trong bối cảnh phải đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số?

Ứng dụng công nghệ số trong hoạt động thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng không còn phải bàn đến việc có làm hay không mà vấn đề ở chỗ phải làm như thế nào? Mức độ, phạm vi, nội dung đến đâu?

Những yêu cầu nào đảm bảo cho việc ứng dụng công nghệ số? Bên cạnh những thuận lợi đang có thì những rào cản, thách thức nào đang và sẽ đặt ra khi ứng dụng công nghệ số? Những vấn đề này đã được luận giải trong đề tài nghiên cứu.

Tổng hợp đánh giá đề tài, TS. Lê Tiến Hào, nguyên Phó Tổng Thanh tra Chính phủ, Chủ tịch Hội động nghiệm thu đề tài khẳng định: “Đề tài có tính cấp thiết cả về lý luận và thực tiễn, có ý nghĩa thiết thực trong việc ứng dụng công nghệ số trong hoạt động thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng”.

Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu đề tài cũng nhấn mạnh: Đề tài được nghiên cứu công phu, nghiêm túc, có chất lượng tốt, có nhiều nội dung mới, có ý nghĩa cả về lý luận và thực tiễn đối với việc nâng cao hiệu quả ứng dụng công nghệ số trong hoạt động thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng thời gian tới. Chính vì thế, Hội đồng nghiệm thu đã đánh giá cao và ghi nhận đề tài đạt loại Xuất sắc.

K. Dung

TIN LIÊN QUAN

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra