Để góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Giám đốc các Sở; Thủ trưởng các Ban, Ngành; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố: Tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, tổ chức đảng trong hoạt động thi hành pháp luật...
|
|
Ảnh minh họa (Phương Thảo) |
Các cấp ủy, tổ chức đảng tập trung chỉ đạo, thống nhất với chính quyền cụ thể hóa kịp thời, toàn diện, đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; trọng tâm là thi hành các chính sách thúc đẩy thu hút đầu tư, cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, ứng dụng chuyển đổi số, tăng cường phân cấp, phân quyền…
Đặc biệt, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc tổ chức thi hành pháp luật. Đề cao vai trò, trách nhiệm giám sát của cơ quan nhà nước và xã hội; phát hiện và xử lý kiên quyết, triệt để, đúng pháp luật các hành vi vi phạm pháp luật trong tổ chức thi hành pháp luật; nâng cao năng lực phản ứng chính sách trong quá trình tổ chức thi hành pháp luật, đặc biệt là việc tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của người dân và doanh nghiệp.
Đổi mới mạnh mẽ hơn nữa tư duy, cách làm trong thi hành pháp luật, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, xác định rõ cơ chế phân công, trách nhiệm phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức, cá nhân, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành cần chỉ đạo quyết liệt, chủ động tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn và chịu trách nhiệm trong tổ chức thi hành pháp luật thuộc các lĩnh vực được giao phụ trách quản lý.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức và ý thức tuân thủ pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân; trong đó, về nội dung cần tập trung vào các văn bản quy phạm pháp luật mới, văn bản của địa phương, văn bản có quy định liên quan đến quyền con người, quyền công dân, quyền theo dõi, giám sát việc thực hiện quyền lực của cơ quan nhà nước và người có thẩm quyền trong bộ máy nhà nước.
Cùng với đó, tiếp tục kiện toàn và đổi mới tổ chức bộ máy, biên chế làm công tác thi hành pháp luật theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả đáp ứng thực tiễn, yêu cầu nhiệm vụ; xây dựng và thực hiện cơ chế bảo vệ đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung trong thi hành pháp luật.
Quan tâm xây dựng cơ chế tài chính, bố trí cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ quá trình thi hành công vụ. Đồng thời, nghiên cứu, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa đảm bảo tính kết nối, liên thông và hiệu quả trong các hoạt động thi hành pháp luật.
Nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác tổ chức thi hành pháp luật, xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành; gắn kết công tác thi hành pháp luật với công tác xây dựng pháp luật. Kịp thời phát hiện, xử lý văn bản có mâu thuẫn, chồng chéo, không khả thi, tiêu cực, “lợi ích nhóm” hoặc gây ách tắc, cản trở hoạt động đầu tư, kinh doanh và đời sống xã hội.
Bên cạnh đó, khen thưởng kịp thời các tổ chức, cá nhân có thành tích; đồng thời, xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân có khuyết điểm, vi phạm trong công tác thi hành pháp luật.