Thanh tra công tác quản lý và tổ chức lễ hội

Thứ sáu, 22/03/2024 10:50
(ThanhtraVietNam) - Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tiến hành thanh tra việc chấp hành các quy định pháp luật trong công tác quản lý và tổ chức lễ hội tại thành phố Hà Nội và các tỉnh Quảng Ninh, Nam Định, Thái Bình, Hải Dương.

Nâng cao hiệu quả công tác công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động lễ hội

Nhằm đánh giá việc thực hiện các quy định pháp luật về công tác quản lý và tổ chức lễ hội của các địa phương, căn cứ Kế hoạch năm 2024 đã được Bộ trưởng phê duyệt, Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành các Quyết định thanh tra việc chấp hành các quy định pháp luật trong công tác quản lý và tổ chức lễ hội tại Thành phố Hà Nội, Quảng Ninh, Nam Định, Thái Bình và Hải Dương.

Qua thanh tra cho thấy, công tác quản lý và tổ chức lễ hội tại các tỉnh đã được Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Sở Văn hóa và Thể thao), các cấp chính quyền quan tâm; các nguồn lực được đầu tư cho bảo vệ, tu bổ và tôn tạo di tích đã góp phần làm cho diện mạo di tích ngày càng thay đổi, trở thành một tiềm năng trong phát triển kinh tế xã hội và phát triển du lịch của địa phương. Phần nghi lễ được tiến hành trang trọng đúng nghi thức; phần hội đảm bảo vui tươi, lành mạnh, đa dạng về hình thức với các hoạt động văn hóa, văn nghệ dân gian truyền thống, tạo ấn tượng sâu sắc trong các tầng lớp nhân dân.

leftcenterrightdel
Quang cảnh lễ hội tại một ngôi đền ở Quảng Ninh. Ảnh: CTV 

Để phát huy các giá trị di tích đồng thời nâng cao hiệu quả công tác công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động lễ hội, Thanh tra Bộ đã có kết luận và kiến nghị đối với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Sở Văn hóa, Thể thao) các tỉnh, thành phố tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm công tác quản lý, tổ chức hoạt động lễ hội và khai thác giá trị di tích lịch sử văn hoá tại địa phương theo quy định của Luật Di sản văn hóa, Luật Tín ngưỡng tôn giáo; Chỉ thị số 41-CT/TW ngày 05 tháng 02 năm 2015 của Ban Bí thư về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý và tổ chức lễ hội; Chỉ thị số 26-CT/TW ngày 23/11/2023 của Ban Bí thư về việc tổ chức Tết Giáp Thìn năm 2024; Công điện số 1300/CĐ-TTg ngày 05/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Giáp Thìn và Lễ hội xuân 2024.

Cũng như việc thực hiện Chỉ thị số 30/CT-TTg ngày 15/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm; Nghị định số 110/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018 của Chính phủ quy định về quản lý và tổ chức lễ hội; Chỉ thị số 274/CT-BVHTTDL ngày 23/9/2022 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về tăng cường quản lý nhà nước đối với một số hoạt động văn hóa nghệ thuật, lễ hội, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, phục hồi và phát triển du lịch.

Và Công văn số 6489/VPCP-KGVX ngày 23/8/2023 của Văn phòng Chính phủ về việc tiếp tục triển khai Nghị định 110/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018 của Chính phủ; Quyết định số 2068/QĐ-BVHTTDL ngày 03/8/2023 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về Ban hành Bộ tiêu chí về môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống,…

Tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm những hiện tượng phản cảm diễn ra trong lễ hội

Kết quả thanh tra cho thấy, các địa phương cần tăng cường công tác tuyên truyền về di tích và lễ hội; đồng thời tuyên truyền với nhân dân và du khách trong việc thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội, tích cực bồi dưỡng, nâng cao trình độ, năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác hướng dẫn khách tham quan tại các điểm di tích.

Đối với Ban quản lý di tích, Ban tổ chức lễ hội, thủ từ thực hiện nghiêm công tác quản lý di tích, tổ chức lễ hội theo các quy định của Luật Di sản văn hóa và các văn bản pháp luật khác có liên quan. Không tiếp nhận hiện vật không rõ nguồn gốc (linh vật, đồ thờ cúng,…) không có trong danh mục hồ sơ xếp hạng di tích.

Cùng với đó, tăng cường sự phối hợp, nâng cao tinh thần trách nhiệm; kịp thời giải quyết, chấn chỉnh những phát sinh, tồn tại diễn ra trong lễ hội trên địa bàn như: đốt nhiều vàng mã, ăn xin, ăn mày, khấn thuê; hàng quán lấn chiếm lối đi vào di tích; nâng giá hàng hóa dịch vụ và trông giữ phương tiện; tổ chức chơi các trò chơi cờ bạc trá hình; bố trí lực lượng thu gom kịp thời tiền đặt lễ và tiền dầu nhang; hướng dẫn nhân dân và du khách thực hiện nếp sống văn minh khi tham gia lễ hội.

Cũng như, tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm những hiện tượng phản cảm diễn ra trong lễ hội. Đảm bảo vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm. Lắp đặt hệ thống bảng, biển hướng dẫn nhân dân và du khách về tham dự lễ hội tại các điểm vào di tích. Quản lý tốt nguồn thu, chi theo Thông tư số 04/2023/TT-BTC của Bộ Tài chính về Hướng dẫn quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội.

Hướng dẫn việc đặt tiền lễ đúng nơi quy định; quản lý và sử dụng nguồn thu từ hoạt động lễ hội hiệu quả, công khai, minh bạch, đúng mục đích. Tăng cường công tác tuyên truyền về lịch sử di tích và ý nghĩa lễ hội; đồng thời tuyên truyền với nhân dân và du khách trong việc thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội.

Phương Linh

TIN LIÊN QUAN

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra