Thanh tra nội bộ trong các đơn vị sự nghiệp công lập: Giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý

Thứ ba, 08/10/2024 14:09
(ThanhtraVietNam) - Các đơn vị sự nghiệp công lập, với quy mô và cơ cấu khác nhau, đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp dịch vụ công. Tuy nhiên, để các đơn vị này đảm bảo hoạt động hiệu quả và tuân thủ pháp luật thì công tác thanh tra nội bộ được xem là một giải pháp hữu hiệu.

Trong bối cảnh quản lý nhà nước ngày càng đòi hỏi tính minh bạch và hiệu quả, vai trò của các đơn vị sự nghiệp công lập trở nên vô cùng quan trọng. Được thành lập với mục đích cung cấp dịch vụ công và thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước, các đơn vị này là một phần không thể thiếu trong hệ thống quản lý công của Việt Nam. Tuy nhiên, việc kiểm soát hoạt động bên trong các đơn vị sự nghiệp công lập đang gặp nhiều thách thức. Để khắc phục những hạn chế này, thanh tra nội bộ được xem là một giải pháp hữu hiệu.

Đơn vị sự nghiệp công lập và vai trò của thanh tra nội bộ

Chia sẻ về vấn đề này, TS. Phạm Tuấn Anh, Trường Cán bộ Thanh tra, Thanh tra Chính phủ cho biết, "đơn vị sự nghiệp công lập là tổ chức do cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước hoặc tổ chức chính trị xã hội thành lập theo quy định pháp luật, có tư cách pháp nhân và cung cấp dịch vụ công." Những tổ chức này được Nhà nước đầu tư để cung cấp các dịch vụ mà khu vực phi nhà nước không có khả năng hoặc không muốn đầu tư.

Cơ chế hoạt động của các đơn vị này được quản lý theo chế độ thủ trưởng và nguyên tắc tập trung dân chủ, nhằm hạn chế tình trạng lạm quyền, vượt quyền và phòng chống tham nhũng.

Một trong những điểm nhấn quan trọng của các đơn vị sự nghiệp công lập là sự đa dạng về quy mô và cơ cấu tổ chức. Có đơn vị sự nghiệp công lập quy mô nhỏ như các trường phổ thông, tiểu học, mẫu giáo... Có đơn vị sự nghiệp công lập có quy mô lớn như các trường đại học, bệnh viện, có đơn vị sự nghiệp có quy mô đặc biệt lớn như Đại học quốc gia Hà Nội, Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh...

Đặc điểm này đòi hỏi việc thanh tra nội bộ phải được tổ chức linh hoạt, phù hợp với từng loại hình đơn vị để đảm bảo hiệu quả quản lý. Việc này không chỉ giúp kiểm soát hoạt động mà còn tạo ra một môi trường công bằng, minh bạch trong hoạt động công.

leftcenterrightdel
 Ảnh minh họa (nguồn: elight.edu.vn)

Tại sao thanh tra nội bộ là cần thiết?

Hoạt động thanh tra luôn được xem là công cụ hữu hiệu để kiểm soát và đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ, chính sách của các cơ quan nhà nước và đơn vị công lập. TS. Phạm Tuấn Anh nhấn mạnh rằng "thanh tra gắn liền với quản lý, với tư cách là một chức năng, là một giai đoạn của

chu trình quản lý". Việc tổ chức thanh tra nội bộ tại các đơn vị sự nghiệp công lập giúp chủ thể quản lý xem xét, đánh giá việc tuân thủ chính sách, pháp luật, cũng như kịp thời phát hiện các hành vi vi phạm, từ đó đưa ra các biện pháp khắc phục.

Thanh tra nội bộ cũng là phương tiện để phòng ngừa và xử lý các hành vi sai phạm trong nội bộ đơn vị. TS. Phạm Tuấn Anh chia sẻ, việc thanh tra nội bộ để phòng ngừa, phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm trong nội bộ là rất quan trọng. Qua công tác thanh tra nội bộ có thể giúp ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm, từ đó nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý. Điều này không chỉ giúp đảm bảo sự tuân thủ của các tổ chức và cá nhân trong đơn vị mà còn tạo điều kiện để họ thực hiện đúng nhiệm vụ được giao một cách hiệu quả hơn.

Lợi ích của thanh tra nội bộ đối với các đơn vị sự nghiệp công lập

Việc áp dụng thanh tra nội bộ không chỉ là yêu cầu pháp lý mà còn mang lại nhiều lợi ích cho các đơn vị sự nghiệp công lập. Trước hết, giúp tăng cường công tác quản lý và đảm bảo việc thực hiện đúng đắn các chính sách, pháp luật. Điều này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với các đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ về tài chính, nơi mà sự kiểm soát nội bộ chặt chẽ có thể ngăn ngừa nhiều rủi ro tài chính và tổ chức.

Thanh tra nội bộ cũng giúp phát hiện kịp thời những hạn chế trong công tác quản lý nội bộ. Theo TS. Phạm Tuấn Anh, việc thanh tra nội bộ giúp phát hiện kịp thời những hạn chế, bất cập trong quản lý nội bộ, các quy định, nội quy, quy chế của đơn vị sự nghiệp công lập nhằm khắc phục và sửa đổi kịp thời. Chính vì thế, thanh tra nội bộ không chỉ mang tính phòng ngừa mà còn là công cụ cải tiến, giúp các đơn vị nâng cao hiệu quả hoạt động.

Ngoài ra, hoạt động thanh tra nội bộ còn đóng vai trò hướng dẫn và hỗ trợ các đơn vị cấp dưới trong việc thực hiện nhiệm vụ. Qua thanh tra, cấp trên có thể nắm bắt được những khó khăn, vướng mắc của các đơn vị cấp dưới và đưa ra các biện pháp hỗ trợ kịp thời. Điều này giúp toàn bộ hệ thống hoạt động một cách trơn tru và hiệu quả hơn.

Với vai trò ngày càng quan trọng của các đơn vị sự nghiệp công lập trong việc cung cấp dịch vụ công và quản lý nhà nước, việc tổ chức thanh tra nội bộ trở nên cần thiết hơn bao giờ hết. Thanh tra nội bộ không chỉ giúp đảm bảo tuân thủ pháp luật, mà còn phát hiện và xử lý kịp thời các vi phạm, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý. Như TS. Phạm Tuấn Anh đã khẳng định: "Thông qua hoạt động thanh tra nội bộ sẽ chấn chỉnh kịp thời đối với các hành vi vi phạm và hướng dẫn cấp dưới thực hiện đúng, có hiệu quả nhiệm vụ được giao". Đây là yếu tố then chốt để các đơn vị sự nghiệp công lập phát triển bền vững và hiệu quả.

Dương Nguyễn

TIN LIÊN QUAN

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra