Đề án “Tăng cường quản lý đất có nguồn gốc nông, lâm trường quốc doanh trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng”:

Tư vấn lập dự toán kinh phí thực hiện Đề án "chênh" hơn 18,8 tỷ đồng, tạo kẽ hở cho các nhà thầu hưởng lợi

Thứ ba, 21/05/2024 15:12
(ThanhtraVietNam) – Đơn vị tư vấn lập thiết kế kỹ thuật - dự toán tại Đề án “Tăng cường quản lý đất có nguồn gốc nông, lâm trường quốc doanh trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng", không căn cứ, áp dụng đơn giá vật liệu của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền quyết định dẫn đến tư vấn lập dự toán kinh phí thực hiện Đề án cao hơn quy định hơn 18,8 tỷ đồng, tạo kẽ hở cho các nhà thầu hưởng lợi

Thanh tra tỉnh Lâm Đồng mới ban hành Kết luận thanh tra công tác đấu thầu và thực hiện Đề án “Tăng cường quản lý đối với đất đai có nguồn gốc từ các nông, lâm trường quốc doanh trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng” (gọi tắt là Đề án).

Tạo kẽ hở để các nhà thầu hưởng lợi

Đề án này được thực hiện căn cứ Quyết định số 32/QĐ- TTg ngày 7/1/2020 của Thủ tướng Chính phủ. Ngày 17/11/2020, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2616/QĐ-UBND về việc phê duyệt dự toán kinh phí thực hiện Đề án với tổng kinh phí hơn 311 tỷ đồng, trong đó kinh phí hỗ trợ từ ngân sách trung ương và 10% nguồn thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất của địa phương) và chủ đầu tư thực hiện Đề án là Sở Tài nguyên và Môi trường; thời gian thực hiện giai đoạn 2020 - 2024.  Ngày 10/8/2022, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1425/QĐ-UBND phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu thực hiện Đề án với tổng dự toán hơn 305 tỷ đồng.

Đề án gồm 6 gói thầu, trong đó gói thầu số 3 có giá trị 101,5 tỉ đồng; gói thầu số có giá trị 4 97,3 tỉ đồng; gói thầu số 5 gần 92,5 tỉ đồng; gói thầu số 6 gần 11,5 tỉ đồng. Các gói thầu này đấu thầu rộng rãi trong nước, lựa chọn nhà thầu qua mạng với quy trình một giai đoạn hai túi hồ sơ.

Các gói thầu của Đề án tập trung vào xác định ranh giới; cắm mốc ranh giới; đo đạc, lập hồ sơ ranh giới sử dụng đất; lập bản đồ địa chính; đăng ký đất đai; xét cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính đối với tất cả các chủ sử dụng đất đai có nguồn gốc từ các nông, lâm trường quốc doanh trên địa bàn tỉnh.

Đáng chú ý, Thanh tra tỉnh chỉ rõ: Về lập dự toán các gói thầu của Đề án, đơn vị tư vấn lập thiết kế kỹ thuật - dự toán không căn cứ, áp dụng đơn giá vật liệu của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền quyết định dẫn đến tư vấn lập dự toán kinh phí thực hiện Đề án cao hơn quy định hơn 18,8 tỷ đồng, tạo kẽ hở cho các nhà thầu hưởng lợi. Đến thời điểm thanh tra, có 2 đơn vị thi công gói thầu số 5 hưởng lợi khi được Chủ đầu tư nghiệm thu, thanh toán lần 1 đối với vật liệu đúc mốc trên 1,1 tỷ đồng; không báo cáo chủ đầu tư để điều chỉnh dự toán hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh dự toán đối với các mục chi phí chưa phù hợp.

Sở Tài chính thẩm định sai sót, Sở Tài nguyên và Môi trường thiếu kiểm tra, giám sát

Về thẩm định dự toán kinh phí thực hiện Đề án, Sở Tài chính thẩm định dự toán kinh phí thực hiện Đề án chưa chặt chẽ, sai sót dẫn đến thẩm định dự toán lớn hơn quy định; không chấp hành đầy đủ chỉ đạo của UBND tỉnh về rà soát dự toán kinh phí thực hiện Đề án.

Trong quá trình tổ chức lựa chọn nhà thầu, chủ đầu tư là Sở Tài nguyên và Môi trường không yêu cầu nhà thầu làm rõ hồ sơ dự thầu khi nhận thấy sự chưa rõ ràng của tài liệu chứng minh sự phù hợp về năng lực và kinh nghiệm tại E- HSDT của nhà thầu là chưa thực hiện đầy đủ quy trình xét thầu theo quy định tại Điều 16 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP. Các nhà thầu thi công cắm mốc trên ranh giới do các đơn vị chủ rừng đề xuất khi UBND tỉnh chưa phê duyệt ranh giới đất lâm nghiệp của các đơn vị chủ rừng là không phù hợp.

leftcenterrightdel
Thanh tra tỉnh Lâm Đồng kiến nghị kiểm điểm các cá nhân tham mưu dự toán kinh phí Đề án “Tăng cường quản lý đất có nguồn gốc nông, lâm trường quốc doanh trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng" tạo kẽ hở cho nhà thầu hưởng lợi 

Kết luận thanh tra chỉ rõ, nguyên nhân của những tồn tại hạn chế nêu trên là do Đơn vị tư vấn khảo sát, lập thiết kế kỹ thuật - dự toán, Sở Tài chính không căn cứ đơn giá của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền quyết định là không thực hiện đúng quy định tại điểm a khoản 1 Điều 6 Thông tư số 136/TT-BTC ngày 22/12/2017 của Bộ trưởng Bộ Tài chính Quy định lập, quản lý, sử dụng kinh phí chi hoạt động kinh tế đối với các nhiệm vụ chi về tài nguyên môi trường là nguyên nhân chính dẫn đến tham mưu cấp có thẩm quyến phê duyệt dự toán vật liệu đúc mốc lớn hơn quy định.

Ngoài ra, Đơn vị tư vấn khảo sát, lập thiết kế kỹ thuật - dự toán không báo cáo Chủ đầu tư để điều chỉnh dự toán đối với các hạng mục cho phù hợp với thiết kế, yêu cầu kỹ thuật, điều kiện thi công và biện pháp thi công của công trình là chưa thực hiện đúng quy định tại điểm a khoản 4 Điều 21 Nghị định số 10/2021/NÐ-CP ngày 09/02/2021 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng.

Sở Tài chính không đề nghị Chủ đầu tư, đơn vị tư vấn khảo sát, lập thiết kế kỹ thuật - dự toán kiểm tra, rà soát, giải trình về sự không phù hợp của chi phí hạng mục vật liệu đúc mốc để kịp thời điều chỉnh trước khi tham mưu UBND tỉnh phê duyệt; không chấp hành đúng chỉ đạo rà soát dự toán kinh phí thực hiện Đề án của UBND tỉnh.

Sở Tài nguyên và Môi trường thiếu kiểm tra, giám sát trong quá trình thực hiện Đề án; không thực hiện đầy đủ quy trình xét thầu theo quy định tại Điều 16 Nghị định số 63/2014/ND-CP.

Yêu cầu các nhà thầu tạm dừng thi công, nghiệm thu thanh toán các gói thầu 3, 4, 5 của Đề án 

Theo Thanh tra tỉnh, trách nhiệm chính đối với các tồn tại, sai phạm nêu trên thuộc về đơn vị lập dự toán, Sở Tài chính trong việc lập, thẩm định dự toán kinh phí thực hiện Đề án; Sở Tài nguyên và Môi trường chịu một phần trách nhiệm do là chủ đầu tư nhưng thiếu kiểm tra, giám sát nên không phát hiện đơn vị tư vấn lập thiết kế kỹ thuật - dự toán áp dụng đơn giá không đúng quy định để kịp thời điều chỉnh trước khi trình cơ quan có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt theo quy định.

Từ kết quả thanh tra, Thanh tra tỉnh kiến nghị UBND tỉnh ban hành văn bản yêu cầu Giám đốc các sở, ban, ngành, Giám đốc các Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng chuyên ngành cấp tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố Đà Lạt, Bảo Lộc, Giám đốc các Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng trực thuộc cấp huyện và các đơn vị chủ đầu tư, bên mời thầu nghiêm túc thực hiện lập, thẩm tra, thẩm định dự toán kinh phí thực hiện gói thầu theo đúng quy định của pháp luật chuyên ngành liên quan.

Chỉ đạo Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường yêu cầu các nhà thầu tạm dừng thi công, nghiệm thu thanh toán các gói thầu 3, 4, 5 của Đề án trước khi UBND tỉnh phê duyệt điều chỉnh dự toán kinh phí thực hiện Đề án, nhằm hạn chế thiệt hại về kinh tế của Nhà nước cũng như của các nhà thầu (nếu có).

Kiểm tra, rà soát lại dự toán kinh phí thực hiện Đề án theo đúng quy định để báo cáo UBND tỉnh phê duyệt điều chỉnh dự toán các gói thầu. Trên cơ sở đó thương thảo lại giá trị hợp đồng đã ký kết với các nhà thầu thi công, tư vấn giám sát thi công để tránh thiệt hại cho Nhà nước.

Tổ chức họp kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và xử lý theo quy định đối với các cá nhân liên quan đến các tồn tại, sai phạm trong việc triển khai thực hiện Đề án.

Tham mưu xử lý trách nhiệm theo quy định của pháp luật và điều khoản hợp đồng đã ký kết đối với đơn vị tư vấn lập thiết kế kỹ thuật - dự toán liên quan đến sai phạm trong công tác lập dự toán kinh phí thực hiện Đề án. 

Về phía Sở Tài chính, Thanh tra tỉnh kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo Giám đốc Sở Tài chính sau khi Sở Tài nguyên và Môi trường lập điều chỉnh dự toán, Sở Tài chính thực hiện thẩm định trước khi trình UBND tỉnh phê duyệt và chịu trách nhiệm về kết quả đã thẩm định. Tổ chức họp kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và xử lý theo quy định đối với các cá nhân liên quan đến việc tham mưu thẩm định dự toán kinh phí thực hiện Đề án lớn hơn quy định, thẩm định các gói thầu chưa chặt chẽ, không đúng quy định, tạo kẽ hở cho các nhà thầu hưởng lợi./.

H.T

TIN LIÊN QUAN

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
 
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra