20 năm thành lập huyện Chợ Mới hướng tới thành lập thị xã trong tương lai

Thứ ba, 05/06/2018 11:19
“Ngày 2 tháng 9 năm 1998, huyện Chợ Mới được thành lập và đi vào hoạt động. Trải qua 20 năm xây dựng và phát triển, Đảng bộ, chính quyền, các tầng lớp nhân dân trên địa bàn huyện đã phát huy tiềm năng thế mạnh với tinh thần sáng tạo, vượt qua những khó khăn, thử thách, tạo nên sự chuyển biến tích cực, toàn diện và sâu sắc trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội, an ninh quốc phòng. Những thành quả đạt được đã tạo nên khí thế mới, quyết tâm mới cho huyện Chợ Mới bước vào giai đoạn phát triển theo hướng bền vững”.

Là huyện cửa ngõ phía Nam của tỉnh Bắc Kạn, nơi có quốc lộ 3 đi qua - con đường huyết mạch kháng chiến nối liền Thủ đô Hà Nội với toàn vùng Việt Bắc, đây là một thế mạnh để giao lưu kinh tế, tạo động lực thúc đẩy phát triển sản xuất hàng hoá giữa địa phương và các vùng lân cận. Từ những thuận lợi đó, ngay từ những năm đầu thành lập, huyện Chợ Mới đã chỉ đạo nhân dân khai thác tiềm năng, thế mạnh, đưa huyện nhà ngày càng phát triển đi lên.

leftcenterrightdel
Trung tâm hành chính của huyện Chợ Mới 

Xác định cơ sở hạ tầng có ý nghĩa quyết định, tạo nền móng cho sự phát triển, huyện đã chú trọng đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội. Đây là lĩnh vực được đánh giá có sự chuyển biến mạnh mẽ, tích cực. Giao thông, thủy lợi, điện lưới, trường học, bệnh viện, trạm y tế, công trình nước sạch, viễn thông, trụ sở làm việc… được đầu tư toàn diện và phát huy hiệu quả. Huyện đặc biệt quan tâm, chăm lo đến chính sách định canh, định cư tại vùng sâu, vùng xa, xóa khoảng cách giữa các vùng trên địa bàn. Một điểm nhấn Chợ Mới là địa phương đầu tiên của tỉnh được đầu tư xây dựng Khu Công nghiệp quy mô cấp tỉnh tại xã Thanh Bình.

Đặc biệt, trong phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp, UBND  huyện đã có nhiều cơ chế, chính sách tạo điều kiện cho nhân dân phát huy lợi thế của từng vùng, hình thành các khu vực chuyên canh cây trồng, vật nuôi; đồng thời tích cực áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, nhờ đó năng suất, sản lượng cây trồng ngày càng cao. Hàng loạt cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất đã được triển khai thực hiện, như: Chính sách hỗ trợ người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng giá trị kinh tế thấp sang trồng cây có giá trị cao; hỗ trợ lãi suất vốn vay cho hộ nghèo chăn nuôi gia súc gia cầm; quy hoạch, phân vùng cụ thể đối với lĩnh vực sản xuất nông - lâm nghiệp cho phù hợp với tùng loại cây trồng, vật nuôi, từ đó, phát triển kinh tế ở Chợ Mới đã có sự chuyển biến mạnh mẽ, từng bước xóa bỏ sản xuất tự túc tự cấp chuyển sang sản xuất hàng hóa.

Huyện xác định lĩnh vực nông lâm nghiệp có một vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế. Với những chủ trương đúng đắn, sự vào cuộc quyết liệt của cấp uỷ, chính quyền từ huyện đến cơ sở, sự tham gia tích cực của nhân dân nên 20 năm qua, lĩnh vực nông lâm nghiệp của huyện Chợ Mới đã đạt được những kết quả nổi bật, nhiều cây trồng đã thực hiện đạt và vượt chỉ tiêu. Tổng sản lượng lương thực, thu nhập bình quân đầu người, diện tích trồng rừng mới, trồng lại sau khai thác, trồng cây ăn quả vượt chỉ tiêu so với kế hoạch đề ra, từng bước hình thành vùng sản xuất hàng hoá gắn với chế biến. Phát triển rừng chuyển từ khai thác rừng tự nhiên sang trồng rừng kinh tế. Một số mặt hàng nông sản có giá trị sau chế biến như chè Shan tuyết tại Yên Cư, chè trung du tại Quảng Chu, Yên Đĩnh. Các cây trồng có giá trị kinh tế cao dần được mở rộng diện tích, và trở thành hàng hoá như: Cam, quýt, cam Xã Đoài, cây mơ…

leftcenterrightdel
Cây cam Xã Đoài được thực hiện có hiệu quả tại huyện Chợ Mới. 

Đến nay nhiều xã trong huyện đã xây dựng thành công những cây trồng chủ lực, phát triển theo hướng hàng hoá, nâng cao giá trị kinh tế và thu nhập cho người dân. Điển hình như xã Quảng Chu, Yên Đĩnh, Như Cố đã phát triển diện tích chè trung du lên tới hàng trăm héc-ta. Xã Yên Hân, Bình Văn, Yên Cư phát huy thế mạnh về cây hồi, quế với diện tích hơn 800ha. Các xã phía tây của huyện như Thanh Vận, Thanh Mai, Mai Lạp phát triển cây cam, quýt lên đến 300ha. Xã Cao Kỳ triển khai trồng  trên 5ha cây bưởi Diễn, Thanh Bình trồng 2ha cây chanh leo, cây gừng tại Tân Sơn, vùng trồng cây hồi, thuốc lá tại Bình Văn….Hàng năm, tổng sản lượng lương thực có hạt của huyện đạt trên 20.000 tấn. Đối với diện tích cánh đồng có giá trị đạt 100 triệu/ha: Trong năm 2017 ước đạt kế hoạch đề ra là 440ha. Về tăng trưởng kinh tế tổng giá trị gia tăng trên địa bàn năm 2017(theo giá hiện hành) ước đạt 907.307 triệu đồng, bằng 96,4% so kế hoạch; tăng 4,8% so với năm 2016. Trong đó nông, lâm nghiệp, thủy sản ước đạt 509.910 triệu đồng, bằng 97,8% so kế hoạch, tăng 6,2% so với năm 2016; Công nghiệp – Xây dựng ước đạt 83.451 triệu đồng, bằng 88,2% so kế hoạch; thương mại dịch vụ ước đạt 313.928  triệu đồng, bằng 96,1% so kế hoạch, tăng 10,3% so với năm 2016; Thu nhập bình quân đầu người ước đạt 22,53 triệu đồng /người đạt 95,8% kế hoạch, tăng 4,21% so với năm 2016.

Phát triển sản xuất nông nghiệp được huyện triển khai gắn với Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới. Năm 2017 tổng số tiêu chí đạt Bộ tiêu chí Quốc gia về NTM toàn huyện là:153 tiêu chí đạt chỉ tiêu kế hoạch, trung bình đạt 10,2 tiêu chí/xã. Xã Như cố hoàn thành 19 tiêu chí và đón Bằng công nhận xã đạt chuẩn NTM ngày 19/3/2018.  

leftcenterrightdel
 

Sau 3 năm đưa Nghị quyết của Đảng bộ huyện lần thứ V, nhiệm kỳ 2015 - 2020 vào cuộc sống, lĩnh vực sản xuất nông lâm nghiệp của huyện Chợ Mới đã đạt được những kết quả nổi bật. An ninh lương thực được giữ vững, giá trị sản xuất không ngừng được nâng cao, nông sản không những đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân mà còn trở thành hàng hoá. Phát triển kinh tế rừng được xác định là ngành mũi nhọn, do đó huyện đang tập trung phát triển thành vùng nguyên liệu, gắn sản xuất với xây dựng công nghiệp chế biến lâm sản.

UBND huyện đã triển khai thực hiện rà soát, điều chỉnh bổ sung và hoàn thiện trình UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch phát triển tổng thể KT-XH huyện giai đoạn 2015-2020, tầm nhìn đến 2030; hoàn thiện trình UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất huyện Chợ Mới giai đoạn 2011-2020; thực hiện đưa mốc lộ giới ra thực địa theo quy hoạch thị trấn Chợ Mới theo đúng kế hoạch đề ra. Năm 2018 là năm bản lề của kế hoạch 5 năm giai đoạn 2016 – 2021, là năm thứ 3 thực hiện NQĐH đại biểu Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2015-2020, các cấp các ngành cần tập trung rà soát, đánh giá tình hình thực hiện các Nghị quyết của Huyện ủy, HĐND huyện để đưa ra các cơ chế, biện pháp giải pháp mới phù hợp để thực hiện phát triển KT-XH cho cả giai đoạn 2016-2021.

Để phát huy những thành tựu đã đạt được trong 20 năm qua, đến năm 2020 Qui hoạch tổng thể phát triển KT-XH huyện Chợ Mới các ngành, lĩnh vực đã chỉ rõ 3 tiềm năng, lợi thế của huyện đó là: Phát triển kinh tế rừng, tập trung đầu tư các nhà máy chế biến nông, lâm sản; sản xuất vật liệu xây dựng và phát triển dịch vụ, du lịch. Về lĩnh vực nông, lâm nghiệp: ưu tiên phát triển kinh tế lâm nghiệp là mũi nhọn, tập trung chỉ đạo trồng rừng nguyên liệu, cả trồng tập trung và phân tán để cung cấp nguyên liệu cho KCN Thanh Bình, diện tích trồng rừng mới đạt 1.500ha/năm.

 Rừng là thế mạnh của Chợ Mới

Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu nông, lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá, nâng cao giá trị trên một đơn vị diện tích, phát huy lợi thế từng địa phương để xây dựng các vùng chuyên canh, hằng năm trồng mới từ 15 - 20ha cây ăn quả; trồng mới và cải tạo 150ha cây chè chất lượng cao. Phấn đấu đến năm 2020 tổng sản lượng lương thực có hạt của toàn huyện đạt 21.413 tấn, bình quân lương thực đạt 532kg/người/năm. Cuối nhiệm kỳ có 750ha diện tích đất ruộng 2 vụ đạt giá trị thu nhập trên 100 triệu đồng/ha trở lên (trong đó: có 100ha đạt 150 triệu đồng trở lên). Về lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, tập trung cho chế biến nông, lâm sản; khai thác và sản xuất vật liệu xây dựng, tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có ở địa phương và thúc đẩy sản xuất hàng hoá phát triển. Về phát triển du lịch, dịch vụ, tập trung phát triển các loại hình dịch vụ phục vụ sản xuất và đời sống; xây dựng các trung tâm thương mại theo qui hoạch; hoàn thành qui hoạch điểm du lịch Đền Thắm, Chùa Thạch Long để thu hút đầu tư…

Có thể nói, sau 20 năm xây dựng và phát triển, đến nay huyện Chợ Mới đã đạt được nhiều thành tựu trên các lĩnh vực, nền kinh tế tiếp tục giữ vững ổn định, kết cấu hạng tầng được quan tâm đầu tư. Công tác xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận, được chăm lo củng cố vững mạnh; quốc phòng - an ninh được tăng cường. Lĩnh vực văn hoá - xã hội có nhiều khởi sắc, UBND huyện luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân; chú trọng đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và bồi dưỡng trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ y tế. Việc giải quyết các chính sách xã hội, xoá đói giảm nghèo được quan tâm kịp thời; công tác lao động, việc làm được thực hiện hiệu quả; phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” có nhiều chuyển biến tiến bộ; sự nghiệp giáo dục được chăm lo phát triển, qui mô, mạng lưới trường lớp học tiếp tục củng cố, đầu tư và phát triển đáp ứng nhu cầu học tập của 9.208 học sinh ở 41 trường học các cấp trên địa bàn; Công tác xây dựng trường học đạt chuẩn tiếp tục được triển khai thực hiện, đưa tổng số trường đạt chuẩn lên 15/41 trường. Từ đó chất lượng giảng dạy ở các bậc học được nâng lên.

Những thành tựu đạt được của huyện Chợ Mới trong 20 năm qua đã khẳng định bước phát triển quan trọng của địa phương trên con đường đổi mới; đồng thời là cơ sở, điều kiện, là niềm cổ vũ lớn lao đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong toàn huyện tiếp tục đóng góp công sức, trí tuệ, quyết tâm xây dựng huyện nhà trở thành thị xã giàu đẹp, văn minh trong tương lai./. 

Triệu Đức Văn

Chủ tịch UBND huyện

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra