70 năm qua là quá trình hình thành, phát triển và trưởng thành của báo Đại đoàn kết gắn với những thăng trầm lịch sử của dân tộc qua các thời kỳ. Ở mỗi giai đoạn, báo Đại đoàn kết đều giữ vị trí đặc biệt quan trọng, là cơ quan của Tổng bộ Việt Minh sau đó là của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, gắn kết khối đại đoàn kết dân tộc, vượt qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ vĩ đại, góp phần chống lại các thế lực thù địch, xây dựng đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
|
Ông Huỳnh Đảm, Chủ tịch Ủy ban TW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát biểu tại lễ kỷ niệm |
Về lịch sử báo Đại đoàn kết, ông Đinh Đức Lập, Tổng Biên tập báo Đại đoàn kết cho biết: Tiền thân của báo Đại đoàn kết là báo Cứu quốc và báo Giải phóng. Báo Cứu quốc là cơ quan của Tổng bộ Việt Minh, ra đời trong căn nhà nhỏ ở làng Xuân Kỳ (nay thuộc Sóc Sơn – Hà Nội). Đây là tờ báo đầu tiên có vinh dự được đăng những bài báo của Chủ tịch Hồ Chí Minh sau cách mạng (khoảng hơn 400 bài). Nhiều văn bản quan trọng của nước ta được đăng lần đầu tiên trên báo Cứu quốc như Tuyên ngôn độc lập của Hồ Chí Minh năm 1945, Hiến pháp đầu tiên của Quốc hội nước Việt Nam dân chủ cộng hòa năm 1946, Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của bác Hồ... Nhiều cây bút chính trị đã tham gia chỉ đạo, biên tập, viết bài tại báo Cứu quốc như Tổng bí thư Trường Chinh, Xuân Thủy, Thép Mới, ... cùng các văn nghệ sĩ hàng đầu như Tô Hoài... Năm 1950, Hội những người viết báo Việt Nam nay là Hội nhà báo Việt Nam đã ra đời dưới sự chủ trì của nhà báo Xuân Thủy. Cứu quốc là tờ báo ra đời thời tiền khởi nghĩa có đóng góp tích cực, quan trọng trong công cuộc giải phóng dân tộc.
Theo sự chỉ đạo của Mặt trận Tổ quốc, nhiều nhà báo Cứu quốc đã đi vào miền Nam. Ngày 22/12/1964, báo Giải phóng đã xuất hiện ở nội đô miền Nam, ra vùng ven rồi sang Cam-pu-chia. Đầu năm 1977, báo Giải phóng hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình, kết hợp với báo Cứu quốc thành báo Đại đoàn kết và ngày 6/2/1977 đã ra số đầu tiên. Đại đoàn kết đấu tranh, kiên trì việc phản ánh đời sống đồng bào ở các khu dân cư... Năm 2011, loạt bài đã đăng trên báo khẳng định chủ quyền của đất nước Việt Nam với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đã gây được tiếng vang lớn, được đánh giá cao.
|
Ông Huỳnh Đảm, Chủ tịch Ủy ban TW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trao bức trướng cho lãnh đạo báo Đại đoàn kết với dòng chữ “Phát huy truyền thống báo Cứu quốc. Đoàn kết – Đổi mới – Phát triển” |
70 năm Đại đoàn kết là một sự kiện lịch sử. Đánh dấu sự kiện này, báo ra hằng ngày thể hiện trách nhiệm của phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc trong giai đoạn mới càng trở nên cấp thiết. Báo Đại đoàn kết là cơ quan tuyên truyền của Tổng bộ Việt Minh sau đó là của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong việc củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế và phát hiện những lỗ hổng của xã hội. Với những thành quả đã đạt được, báo Đại đoàn kết đã được tặng Huân chương Độc lập, Huân chương Lao động. Ông Đinh Đức Lập nhấn mạnh đội ngũ cán bộ công nhân viên báo Đại đoàn kết phát huy truyền thống, không ngừng nỗ lực, sáng tạo trong củng cố khối đoàn kết toàn dân, đặc biệt âm mưu chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc. Bên cạnh đó, giữ được nét văn hóa truyền thống của dân tộc.
Phát biểu tại buổi lễ kỷ niệm, ông Huỳnh Đảm, Chủ tịch Ủy ban TW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam bày tỏ sự trân trọng, tự hào về những nỗ lực, cố gắng trong suốt 70 năm qua và công cuộc củng cố khối đại đoàn kết dân tộc. Ông cũng nhấn mạnh, báo Đại đoàn kết cần tiếp tục nỗ lực, phấn đấu không ngừng nâng cao chất lượng phục vụ công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc trong giai đoạn mới, xứng đáng với niềm tin yêu của bạn đọc, xứng đáng với truyền thống của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Đưa báo đến với đồng bào nhân dân cũng như kiều bào là nhiệm vụ của Mặt trận Tổ quốc theo Nghị quyết Trung ương 3. Nhân dịp này, UB TW MTTQ Việt Nam trao cho báo Đại đoàn kết bức trướng với dòng chữ “Phát huy truyền thống báo Cứu quốc. Đoàn kết – Đổi mới – Phát triển”./.
Minh Nguyệt