Kế hoạch thanh tra năm 2025 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư với mục tiêu nâng cao hiệu quả quản lý tài sản công, bảo đảm tuân thủ pháp luật trong công tác đầu tư, cũng như đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong các lĩnh vực quan trọng. Kế hoạch thanh tra năm nay sẽ bao gồm các hoạt động thanh tra hành chính, thanh tra chuyên ngành và thanh tra chuyên đề nhằm giám sát chặt chẽ các hoạt động tại các Bộ, ngành và địa phương trên toàn quốc.
|
|
Trụ sở Bộ Kế hoạch và Đầu tư. (Ảnh: VGP) |
Nội dung thanh tra hành chính sẽ tập trung vào công tác quản lý và sử dụng tài sản, tài chính trong các cơ quan công quyền. Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiến hành rà soát việc tuân thủ các quy định pháp luật liên quan đến thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, cũng như phòng, chống tham nhũng và tiêu cực. Đặc biệt, Bộ sẽ kiểm tra việc thực hiện các quy định về kiểm soát tài sản và thu nhập của các cán bộ công chức, đảm bảo tính minh bạch và trách nhiệm trong quản lý tài sản công.
Về Thanh tra chuyên ngành năm 2025, Bộ sẽ chú trọng đến việc chấp hành pháp luật về đầu tư công tại các Bộ, ngành và địa phương, đặc biệt là các dự án đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP). Công tác đấu thầu, một lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro về tham nhũng và lãng phí, cũng sẽ được giám sát chặt chẽ. Cùng với đó, thanh tra sẽ bao gồm các hoạt động kiểm tra trong quản lý nhà nước về đăng ký kinh doanh, phát triển doanh nghiệp, hợp tác xã và công tác quy hoạch nhằm đảm bảo các quy trình diễn ra đúng quy định và công khai minh bạch.
Trong bối cảnh phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiến hành thanh tra chuyên đề đối với 3 Chương trình mục tiêu Quốc gia, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội cùng với công tác quản lý đấu thầu.
Bên cạnh đó, Bộ sẽ thanh tra việc thực hiện các phương án điều tra thống kê trong đó chú trọng thanh tra việc thực hiện phương án tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp.
Ngoài ra, công tác đấu thầu, mua sắm tài sản công cũng nằm trong phạm vi thanh tra để ngăn chặn các hành vi tiêu cực như thông thầu, mua bán thầu, tham nhũng, lãng phí. Các dự án và công trình trọng điểm quốc gia sẽ được kiểm tra kỹ lưỡng, đảm bảo quá trình đầu tư, mua sắm tài sản công được thực hiện minh bạch và hiệu quả.
Kế hoạch thanh tra năm 2025 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư không chỉ nhằm đảm bảo tính tuân thủ pháp luật mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả quản lý công, đặc biệt là trong bối cảnh ngân sách nhà nước đang bị áp lực bởi nhiều dự án lớn và các chương trình phục hồi kinh tế. Việc giám sát, phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm sẽ giúp tăng cường tính minh bạch, trách nhiệm trong quản lý tài sản công, góp phần xây dựng môi trường đầu tư công trong sạch, lành mạnh.
Trước đó, Ban Chấp hành Trung ương ban hành Quy định 189-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công, quy định rõ những hành vi tham nhũng, tiêu cực trong quản lý, sử dụng tài chính công gồm:
1. Lãnh đạo, chỉ đạo, tham mưu, ban hành các văn bản trái chủ trương, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong quản lý, sử dụng tài chính công.
2. Không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ, không kịp thời chủ trương, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy chế làm việc, quy định, quy trình nghiệp vụ, chuẩn mực đạo đức, quy tắc ứng xử, nhiệm vụ, công vụ trong quản lý, sử dụng tài chính công.
3. Thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý để xảy ra hành vi vi phạm, lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn, lạm quyền, tham nhũng, tiêu cực trong quản lý, sử dụng tài chính công.
4. Bao che, dung túng, tiếp tay, xử lý không đúng quy định đối với hành vi vi phạm, lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn, lạm quyền, tham nhũng, tiêu cực trong quản lý, sử dụng tài chính công. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt hoặc thiếu trách nhiệm làm thiệt hại đến nguồn thu ngân sách nhà nước.
5. Thu sai quy định của các luật thuế và quy định khác của pháp luật về thu ngân sách; phân chia sai quy định nguồn thu giữa ngân sách các cấp; giữ lại nguồn thu của ngân sách nhà nước sai chế độ; tự đặt ra các khoản thu trái với quy định của pháp luật.
6. Chi không có dự toán, không đúng dự toán ngân sách được giao trái với quy định của pháp luật; chi sai chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi, không đúng mục đích; tự đặt ra các khoản chi trái với quy định của pháp luật.
7. Quyết định đầu tư chương trình, dự án có sử dụng vốn ngân sách không đúng thẩm quyền, không xác định rõ nguồn vốn để thực hiện.
8. Thực hiện vay trái với quy định của pháp luật; vay vượt quá khả năng cân đối của ngân sách.
9. Sử dụng ngân sách nhà nước để cho vay, tạm ứng, góp vốn trái với quy định của pháp luật.
10. Trì hoãn việc chi ngân sách khi đã bảo đảm các điều kiện chi theo quy định của pháp luật. Hạch toán sai chế độ kế toán nhà nước và mục lục ngân sách nhà nước.
11. Lập, trình dự toán, quyết toán ngân sách nhà nước chậm so với thời hạn quy định. Phê chuẩn, duyệt quyết toán ngân sách nhà nước sai quy định của pháp luật.
12. Không thực hành tiết kiệm để xảy ra thất thoát, lãng phí trong việc quản lý, sử dụng tài chính công.
13. Các hành vi tham nhũng, tiêu cực khác trong quản lý, sử dụng tài chính công theo chủ trương, quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.