Bộ Tư pháp: Tăng cường giám sát pháp lý, phòng chống tham nhũng tập trung vào các cơ quan Thi hành án dân sự

Thứ hai, 04/11/2024 14:37
(ThanhtraVietNam) - Năm 2025, Bộ Tư pháp dự kiến triển khai một kế hoạch thanh tra toàn diện nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, tăng cường giám sát pháp lý và thực thi quy định pháp luật về phòng, chống tham nhũng, đặc biệt tập trung vào các cơ quan Thi hành án dân sự tại địa phương và các lĩnh vực trọng điểm. Kế hoạch thanh tra bao gồm hai mảng chính: thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành, với mục tiêu đảm bảo tính minh bạch, hiệu quả và tuân thủ pháp luật.

Các quy trình thuộc lĩnh vực thanh tra theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2015 năm 2024

Bộ Giao thông Vận tải lên kế hoạch thanh tra toàn diện trong năm 2025

Tập trung thanh tra trách nhiệm về giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến nhân sự Đại hội Đảng các cấp

Sẽ thanh tra việc cung cấp, quản lý, sử dụng chữ ký số

Thanh tra có trọng tâm, trọng điểm các chương trình, chính sách Dân tộc

Giám sát hiệu quả quản lý tài sản công và trách nhiệm công chức

Kế hoạch thanh tra hành chính sẽ tập trung vào những lĩnh vực nhạy cảm nhất trong công tác quản lý công. Bộ Tư pháp sẽ thực hiện các cuộc thanh tra về trách nhiệm phòng, chống tham nhũng và tiêu cực tại các cơ quan thi hành án dân sự địa phương. Bộ sẽ tiến hành thanh tra công tác đầu tư xây dựng cơ bản để đảm bảo các dự án do cơ quan này quản lý được thực hiện minh bạch, đúng quy trình, tránh thất thoát tài sản công.

Việc thanh tra toàn diện công tác tổ chức cán bộ, quản lý và sử dụng ngân sách nhà nước và tài sản công cũng là một phần quan trọng của kế hoạch. Điều này giúp đảm bảo ngân sách được phân bổ và sử dụng hiệu quả, đúng mục đích.

Bên cạnh đó, thanh tra trách nhiệm thực hiện các quy định về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại và tố cáo tại các cơ quan thi hành án dân sự địa phương cũng được chú trọng. Đây là nỗ lực nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người dân và xây dựng một môi trường pháp lý minh bạch.

leftcenterrightdel
 Trụ sở Bộ Tư pháp. (Ảnh: VGP)

Tập trung vào các lĩnh vực pháp lý trọng yếu

Công tác Thanh tra chuyên ngành sẽ tập trung vào một số lĩnh vực pháp lý quan trọng, bao gồm: lý lịch tư pháp, con nuôi, công chứng, luật sư, đấu giá tài sản, thừa phát lại, trọng tài thương mại, hộ tịch, quốc tịch, chứng thực. Các lĩnh vực này ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người dân, vì vậy, Bộ Tư pháp sẽ giám sát chặt chẽ việc tuân thủ pháp luật, đảm bảo tính minh bạch và trách nhiệm trong hoạt động của các cơ quan và tổ chức.

Đáng chú ý, trong thanh tra chuyên đề, Bộ sẽ thực hiện Thanh tra chuyên đề đối với các tổ chức đấu giá tài sản trong việc đấu giá tài sản là quyền sử dụng đất, các tài sản gắn liền trên đất để đảm bảo việc thi hành án và trách nhiệm của người có tài sản đưa ra đấu giá. Thanh tra việc thi hành án dân sự liên quan đến việc xử lý các tài sản trong các vụ án tham nhũng không qua thủ tục đấu giá tài sản từ năm 2022 đến thời điểm thanh tra.

Ngoài ra, theo Kế hoạch số 120-KH/BCSĐ ngày 19/12/2019 của Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp về việc triển khai thực hiện các kết luận và chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo Kế hoạch số 192-KH/BCĐTW ngày 04/9/2018, Bộ sẽ tăng cường thanh tra thủ tục đấu giá tài sản trong các vụ án tham nhũng và kinh tế có giá trị từ 500 triệu đồng trở lên.

Đối với các cuộc thanh tra đột xuất, Bộ Tư pháp sẽ thực hiện khi có yêu cầu của Bộ trưởng Bộ Tư pháp hoặc khi phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc quyền quản lý trực tiếp của Bộ. Các cuộc thanh tra đột xuất cũng sẽ được thực hiện khi có yêu cầu của việc giải quyết khiếu nại, tố cáo phòng, chống tham nhũng hoặc phục vụ công tác quản lý nhà nước của Bộ trưởng Bộ Tư pháp theo thẩm quyền; hoặc yêu cầu công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động đấu giá tài sản theo Chỉ thị số 40/CT-TTg ngày 02/11/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động đấu giá tài sản.

Kế hoạch thanh tra năm 2025 của Bộ Tư pháp không chỉ là một chương trình giám sát mà còn là bước tiến lớn trong nỗ lực nâng cao tính minh bạch và hiệu quả của công tác quản lý nhà nước. Thông qua việc thực hiện kế hoạch này, Bộ Tư pháp kỳ vọng cải thiện quy trình quản lý tài sản công và đầu tư, ngăn chặn các hành vi tiêu cực, góp phần xây dựng một môi trường pháp lý công bằng, bền vững và bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân.

B.S

TIN LIÊN QUAN

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra