Sáng 2/8, Văn phòng Chủ tịch nước phối hợp một số Bộ, tổ chức họp báo công bố quyết định về đặc xá năm 2024 của Chủ tịch nước Tô Lâm.
Theo đó, năm nay sẽ thực hiện đặc xá tha tù trước thời hạn cho người bị kết án phạt tù có thời hạn, tù chung thân nhân nhân dịp 79 năm ngày Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2/9) và 70 năm giải phóng Thủ đô (10/10). Thời gian đã chấp hành án phạt tù để xét đặc xá tính đến 30/9/2024.
|
|
Phiên họp báo công bố Quyết định về đặc xá năm 2024 của Chủ tịch nước sáng 2/8. Ảnh: nguoiduatin |
Lần gần nhất là dịp Quốc khánh 2/9/2022, Chủ tịch nước đã đặc xá cho 2.434 phạm nhân cải tạo tốt. Từ 2009 đến nay, Việt Nam có 9 đợt đặc xá nhân sự kiện trọng đại để tha tù cho hơn 92.000 phạm nhân có quá trình cải tạo, lao động, học tập tốt đã khẳng định chính sách nhân văn này.
Theo Luật sư Trịnh Hữu Đức, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội, theo Luật Đặc xá và Quyết định số 758/2024/QĐ-CTN về đặc xá năm 2024 của Chủ tịch nước, ngoài các điều kiện như có tiến bộ, ý thức cải tạo tốt và được xếp loại chấp hành án phạt tù khá hoặc tốt theo quy định; đã chấp hành án phạt tù ít nhất một phần hai thời gian đối với trường hợp bị phạt tù có thời hạn; đã chấp hành xong hình phạt bổ sung là phạt tiền, đã nộp án phí… thì các tội phạm tham nhũng cần phải thi hành xong nghĩa vụ trả lại tài sản, bồi thường thiệt hại, nghĩa vụ dân sự.
Tại Điều 2 của Quyết định 758/2024/QĐ-CTN cũng nêu cụ thể, đối tượng đặc xá bao gồm: Người đang chấp hành án phạt tù có thời hạn, người bị kết án tù chung thân đã được giảm xuống tù có thời hạn, người đang được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù.
Nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước đã tiến hành nhiều đợt đặc xá, giảm hình phạt, tha tù trước thời hạn cho những người lầm lỗi có quá trình cải tạo tốt được trở về với cộng đồng. Công tác đặc xá, giảm án, tha tù trước thời hạn những năm qua đã đạt được nhiều kết quả tích cực.
"Trong thực tế nhận thấy, có rất nhiều người từng có quá khứ lầm lỡ, nhưng được đặc xá và nhận được sự giúp đỡ của cộng đồng, nên họ vượt qua được mặc cảm, tự đứng lên làm lại cuộc đời và trở thành các nhân tố tích cực trong xã hội", Luật sư Trịnh Hữu Đức nhấn mạnh.
|
|
Luật sư Trịnh Hữu Đức, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội. Ảnh: NVCC |
Để giúp các phạm nhân sau khi trở lại với cộng đồng, tìm lại được niềm tin với cuộc sống, có động lực phấn đấu cho tương lai, theo Luật sư Trịnh Hữu Đức, ngoài gia đình, các cơ quan, tổ chức, đoàn thể ngay tại địa phương cần tìm hiểu hoàn cảnh, gia đình, có phương án hỗ trợ phù hợp, có thể kêu gọi các doanh nghiệp trong địa bàn tạo điều kiện đón nhận những người được đặc xá vào làm việc để công tác đặc xá được hiệu quả cao nhất.
Nói riêng về tội phạm tham nhũng, luật sư Đức chia sẻ, đây là những người trong quá khứ có chức vụ hoặc quyền hạn. Có thể nhận định theo cách khác, đây là những con người được học hành bài bản, có trình độ nhất định, nhưng chỉ vì những phút giây lầm lỡ, những quyết định sai lầm đã lợi dụng hoặc lạm dụng những chức vụ, quyền hạn để vụ lợi, gây thiệt hại cho Nhà nước, cho tập thể. "Người Việt Nam chúng ta vốn có truyền thống bao dung, "đánh kẻ chạy đi, không ai đánh người chạy lại", với những tội phạm tham nhũng được đặc xá, mong người dân, xã hội có cái nhìn cảm thông, vị tha, tạo điều kiện để những người chấp hành xong án phát tù trở về cuộc sống đời thường, phát huy những điểm mạnh của bản thân, cống hiến nhiều giá trị tích cực của bản thân, đem sức lực, tài năng, trí tuệ vốn có của mình đống góp cho cộng đồng", luật sư Đức nhấn mạnh.
Có thể nói, Luật Đặc xá là một trong những đạo luật quan trọng về quyền con người, các phạm nhân đều bình đẳng như nhau khi xét hồ sơ đặc xá. Đặc xá, giảm án, tha tù trước thời hạn hay ân giảm hình phạt đều là những chính sách khoan hồng của Đảng, Nhà nước, thể hiện truyền thống nhân văn, nhân đạo của dân tộc ta đối với những người phạm tội, khuyến khích họ hối cải, tạo điều kiện cho nhiều người có cơ hội sớm trở về với gia đình, hòa nhập với cộng đồng và rèn luyện trở thành người có ích cho xã hội./.