Bước đầu khắc phục được tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”
Cử tri nhất trí cao với việc đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng (PCTN) trong thời gian qua của Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên, cử tri cũng kiến nghị Chính phủ xử lý nghiêm cán bộ có hành vi tham nhũng, hối lộ, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi, gây thất thoát tài sản nhà nước và thông tin công khai cho người dân biết; tích cực có giải pháp thu hồi hiệu quả tài sản do hành vi tham nhũng mà có.
Về vấn đề này, tại văn bản số 1649/TTCP-KHTH, Thanh tra Chính phủ nêu rõ, trong thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tăng cường kiểm tra, thanh tra, kiểm toán các lĩnh vực có nhiều nguy cơ và dư luận về tiêu cực, tham nhũng như: Các dự án đầu tư lớn; quản lý, sử dụng đất đai; cổ phần hóa, thoái vốn, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước; việc mua bán, chuyển nhượng tài sản công; các dự án mua sắm lớn từ tài sản nhà nước... Tập trung kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, xử lý dứt điểm những vấn đề tồn động kéo dài gây bức xúc mà cán bộ, đảng viên, Nhân dân quan tâm. Tăng cường kiểm tra, thanh tra trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hiện nhiệm vụ PCTN; kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ.
Công tác phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm về tham nhũng đã được tập trung chỉ đạo đổi mới, nâng cao chất lượng. Do vậy, có nhiều chuyển biến tích cực và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, tạo chuyển biến mạnh mẽ, được lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN đánh giá cao, với hàng loạt các vụ án lớn, đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp được điều tra, làm rõ và xử lý nghiêm minh, nhiều vụ án tồn đọng từ những năm trước đã được giải quyết, số vụ án khởi tố mới năm sau cao hơn năm trước. Đặc biệt, công tác phát hiện, điều tra án tham nhũng không ngừng được cải thiện ở địa phương, giảm dần các vụ án tham nhũng khởi tố mới, bước đầu khắc phục được tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”. Công tác thu hồi tài sản thất thoát trong các vụ án tham nhũng ngày càng được thực hiện triệt để và hiệu quả hơn, tỷ lệ thu hồi năm sau cao hơn năm trước. Đã phối hợp xét xử nghiêm minh các vụ án tham nhũng, trong đó có bị cáo từng là cán bộ cao cấp, qua đó khẳng định quyết tâm của Đảng là “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ”, “bất kể người đó là ai” trong công tác phát hiện, xử lý tham nhũng.
Thực hiện đồng bộ các giải pháp
Trong thời gian tới, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục tăng cường giám sát, kiểm tra, nâng cao hơn nữa tính hiệu quả trong quá trình tổ chức thực hiện của các bộ, ngành, địa phương; thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng; xử lý nghiêm cán bộ có hành vi tham nhũng, hối lộ, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi, gây thất thoát tài sản nhà nước và thông tin công khai việc xử lý tham nhũng; thu hồi hiệu quả tài sản do hành vi tham nhũng mà có; trong đó tập trung chỉ đạo thực hiện các công tác trọng tâm sau:
Tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác PCTN theo tinh thần Kết luận số 10-KL/TW, ngày 26/12/2015 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCTN, lãng phí, gắn với trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp trong công tác PCTN.
Bên cạnh đó, đề xuất xây dựng, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và tạo hành lang pháp lý cần thiết cho công tác phát hiện, xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng đạt hiệu quả, nhất là trong công tác giám định, định giá tài sản, xử lý tài sản bị tạm giữ, kê biên, phong tỏa tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng. Chỉ đạo, hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong phát hiện, xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng. Tổ chức sơ kết, tổng kết các chuyên đề, vụ án lớn về kinh tế, tham nhũng để rút kinh nghiệm trong công tác chỉ đạo, điều tra, xử lý.
Mặt khác, tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng, xây dựng văn hóa “không tham nhũng, lãng phí trong cán bộ, đảng viên” gắn với việc thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngàyl5/5/2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XI, XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biếu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyến hóa” trong nội bộ. Kiên quyết đấu tranh phản bác luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, lợi dụng phòng, chống phá Đảng, Nhà nước.
Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ điều tra các vụ án, vụ việc tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, nhất là các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN theo dõi, chỉ đạo; chú trọng công tác điều tra, mở rộng án; kết luận, đề xuất xử lý triệt đế, nghiêm minh; đề nghị truy tố đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, hạn chế việc trả hồ sơ để yêu cầu điều tra bố sung hoặc điều tra lại. Thực hiện tốt công tác thi đua khen thưởng, kịp thời đề xuất biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong tố cáo, phát hiện và đấu tranh với hành vi tham nhũng; đồng thời, có biện pháp hữu hiệu bảo vệ những người phát hiện, tố cáo hành vi tham nhũng.
Ngoài ra, tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra; phát hiện, ngăn chặn, chấn chỉnh, xử lý vi phạm và các hiện tượng tiêu cực trong thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, công chức, viên chức; xử lý nghiêm minh, kịp thời các hành vi tham nhũng, đồng thời xử lý về trách nhiệm của người đứng đầu để xảy ra tham nhũng theo quy định; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác PCTN. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế về PCTN; nghiên cứu, học tập kinh nghiệm của các nước tiên tiến trên thế giới để xây dựng, đề xuất áp dụng một số biện pháp đặc biệt, kỹ thuật điều tra mới nhằm phát hiện, điều tra tội phạm về tham nhũng và thu hồi tài sản tham nhũng có hiệu quả./.
Lan Anh