Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông:

Tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các nhãn hàng, các quảng cáo có nội dung vi phạm pháp luật

Thứ ba, 12/11/2024 14:27
(ThanhtraVietNam) - Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã tăng cường giám sát hoạt động quảng cáo trên báo chí trên môi trường mạng; tiếp tục tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các nhãn hàng, các quảng cáo có nội dung vi phạm pháp luật; tập trung đấu tranh với nền tảng xuyên biên giới để yêu cầu tuân thủ Luật pháp Việt Nam…

Sáng 12/11, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội về nhóm vấn đề thứ ba thuộc lĩnh vực thông tin và truyền thông. Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn chủ trì điều hành phiên họp.

leftcenterrightdel
Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn 

Tập trung đấu tranh với nền tảng xuyên biên giới

Trình bày Báo cáo trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, đối với 03 nhóm vấn đề được lựa chọn chất vấn gồm: Giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động của ngành báo chí trong giai đoạn bùng nổ về truyền thông trên mạng xã hội hiện nay, đặc biệt là vai trò của báo chí cách mạng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; việc quản lý hoạt động quảng cáo trên báo chí, trên môi trường mạng; việc đầu tư, phát triển và nâng cao chất lượng hạ tầng viễn thông, nhất là khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã đạt được nhiều kết quả…

Cụ thể, báo chí cách mạng Việt Nam đã có những bước phát triển về nội dung, đáp ứng nhu cầu thông tin của công chúng. Thông tin tuyên truyền đã phát huy vai trò dẫn dắt, định hướng dư luận xã hội, tạo sự đồng thuận và niềm tin xã hội, khơi dậy khát vọng Việt Nam và biến nó thành sức mạnh tinh thần to lớn, góp phần quan trọng trong thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội của đất nước. 

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược chuyển đổi số báo chí, coi không gian này là mặt trận chính của báo chí. Nhiều cơ quan báo chí đã nỗ lực nghiên cứu xây dựng đề án chuyển đổi số với mục tiêu xây dựng các cơ quan báo chí theo hướng chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại, tiếp cận được với đông đảo công chúng.

Trong thời gian qua, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã tăng cường giám sát hoạt động quảng cáo trên báo chí trên môi trường mạng; phối hợp với các bộ, ngành liên quan để đẩy mạnh các biện pháp kỹ thuật về rà quét, phát hiện các quảng cáo vi phạm pháp luật, trong đó tập trung vào các nền tảng mạng xã hội lớn, có nhiều vi phạm như: Facebook, Youtube… và tiếp tục tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các nhãn hàng, các quảng cáo có nội dung vi phạm pháp luật; tập trung đấu tranh với nền tảng xuyên biên giới để yêu cầu tuân thủ Luật pháp Việt Nam…

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nhìn nhận, trên thực tế, vẫn còn những tồn tại, hạn chế, những vấn đề mới phát sinh thuộc chức năng quản lý của Bộ Thông tin và Truyền thông. “Chúng tôi luôn coi những tồn tại, hạn chế này là động lực để thúc đẩy phát triển ngành. Các vấn đề mà các vị đại biểu Quốc hội sẽ nêu ra ngày hôm nay dưới các góc nhìn khác nhau, cách tiếp cận khác nhau trong các ngữ cảnh khác nhau… chắc chắn sẽ giúp chúng tôi nhìn thấy rõ hơn và toàn cảnh hơn về ngành mình, nhìn thấy rõ hơn những vấn đề của mình, những hạn chế, tồn tại của mình và trách nhiệm của mình, cũng như hé mở những giải pháp mới, cách làm mới, cách tiếp cận mới”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.

leftcenterrightdel
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng. Ảnh: Quochoi.vn 

Cần có khả năng đề kháng cho không gian số

Trả lời chất vấn của đại biểu Tạ Thị Yên, Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên, Bộ trưởng cho biết, khi kinh tế thị trường phát triển, các doanh nghiệp bắt buộc phải quảng cáo để bán hàng, vì thế chi khá nhiều tiền cho quảng cáo, khi đó quảng cáo chủ yếu trên báo chí. Các cơ quan báo chí cũng mong muốn được tự tài chính, nhưng sau đó mạng xã hội xuất hiện, 80% quảng cáo trực tuyến, như vậy nguồn thu của báo chí, nhất là các cơ quan báo chí tự chủ tài chính đã giảm đáng kể.

Về tình trạng lừa đảo trực tuyến gia tăng, Bộ trưởng cho biết, có tình trạng nhà nhà thu thập thông tin cá nhân, mà không biết rằng thu thập thông tin cần xin phép, khi thu thập thông tin phải có hệ thống an toàn để bảo vệ thông tin không bị tấn công…

Để giải quyết tình trạng này, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, việc phổ biến Luật An toàn thông tin, Luật An ninh mạng, trách nhiệm của người thu thập thông tin bảo vệ dữ liệu, sử dụng đúng quy định của pháp luật… là câu chuyện lớn. Năm 2023, 2024 Bộ Thông tin và Truyền thông coi đây là trọng điểm, tổ chức nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra tại các đơn vị dễ để xảy ra lộ lọt thông tin cá nhân. Bộ đã công bố những sai sót của các doanh nghiệp trên các phương tiện thông tin đại chúng, để nhắc nhở các doanh nghiệp tuân thủ đúng quy định của pháp luật.

Trước đây, chúng ta mới quy định xử lý cá nhân sử dụng mạng xã hội khi đưa thông tin sai sự thật, tin giả. Mới đây, chúng ta đã đưa vấn đề xử lý các nền tảng xã hội khi vi phạm luật pháp Việt Nam. Trước đây, chúng ta cho rằng đây là trách nhiệm của quản lý nhà nước, nhưng thật ra trách nhiệm lớn là đối với các nền tảng xã hội”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nêu rõ.

Do đó, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, họ phải có trách nhiệm rà quét, tự động gỡ bỏ các thông tin sai sự thật, thông tin xấu độc. Bên cạnh đó, chúng ta đang sống trong không gian mới là không gian số trong khoảng 10 năm trở lại đây. Vì vậy, vấn đề truyền thông để mọi người có kĩ năng số, biết sử dụng các nền tảng số, có khả năng đề kháng cho không gian số, đào tạo cho cả thế hệ tương lai (học sinh, sinh viên) là rất cần thiết.

 

Lan Anh

TIN LIÊN QUAN

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra