Ngày 31/8/2022, Thanh tra Chính phủ ban hành Công văn số 1445/TTCPC.IV về điểm đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng năm 2020 đối với tỉnh Quảng Nam. Theo đó, Thanh tra Chính phủ chấm điểm đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng của tỉnh Quảng Nam năm 2020 là 60,92 điểm/100 điểm. Để chấn chỉnh những hạn chế, tồn tại và tăng cường thực hiện các biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) trên địa bàn tỉnh Quảng Nam trong thời gian tới, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Thủ trưởng các Sở, ban, ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố; Thủ trưởng đơn vị sự nghiệp công lập (sau đây gọi tắt là đơn vị, địa phương) nghiêm túc chấn chỉnh những hạn chế, tồn tại trong việc thực hiện các quy định về PCTN thời gian qua; nghiêm túc rà soát tất cả các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh trong công tác PCTN nhằm cụ thể hóa bằng văn bản chỉ đạo cho phù hợp với tình hình thực tế của đơn vị, địa phương một cách kịp thời, đúng nội dung, trọng tâm trọng điểm. Rà soát tất cả các kế hoạch đã được ban hành cùng nhiệm vụ được phân công, yêu cầu thực hiện trong năm 2022 để nghiêm túc triển khai thực hiện, phấn đấu hoàn thành tất cả các mục tiêu đã đề ra.
Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND tỉnh cũng đề nghị người đứng đầu các đơn vị, địa phương tiếp tục tăng cường thực hiện đồng bộ các giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo nhằm nâng cao hiệu quả công tác PCTN tại đơn vị, địa phương. Thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật về PCTN; đề xuất các giải pháp nhằm góp phần PCTN. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCTN thông qua các cơ quan thông tin, truyền thông nhằm nâng cao nhận thức cho công dân và người có chức vụ, quyền hạn. Thường xuyên kiểm tra và theo dõi thi hành văn bản quy phạm pháp luật về PCTN.
Tiếp tục triển khai thực hiện 06 giải pháp phòng ngừa theo quy định của Luật PCTN năm 2018 gồm: Thực hiện tốt việc công khai minh bạch về tổ chức và hoạt động của các cơ quan, tổ chức đơn vị; xây dựng và thực hiện định mức, tiêu chuẩn, chế độ trong cơ quan, tổ chức, đơn vị; thực hiện quy tắc ứng xử của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị; chuyển đổi vị trí công tác của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị; cải cách hành chính, ứng dụng khoa học, công nghệ trong quản lý và thanh toán không dùng tiền mặt; kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị.
|
|
Thường xuyên kiểm tra và theo dõi thi hành văn bản quy phạm pháp luật về PCTN. Ảnh MXH |
Tăng cường lãnh đạo công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra; đẩy mạnh điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh các vụ việc, vụ án tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Tập trung kiểm tra, giám sát, thanh tra ở những lĩnh vực, địa bàn, vị trí công tác dễ xảy ra tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, nơi có nhiều tố cáo, khiếu nại, dư luận xã hội quan tâm, bức xúc. Thực hiện nghiêm cơ chế phối hợp phát hiện, xử lý sai phạm ngay trong quá trình kiểm tra, thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án. Chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý dứt điểm các vụ án tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm. Tiếp tục đẩy mạnh, tạo chuyển biến rõ rệt hơn nữa trong phát hiện, xử lý tham nhũng ở địa phương, cơ sở; xử lý nghiêm những trường hợp nhũng nhiễu, vòi vĩnh, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp.
Nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế; kiên quyết thu hồi tài sản tham nhũng. Chú trọng truy tìm, kịp thời áp dụng các biện pháp kê biên, tạm giữ tài sản, phong tỏa tài khoản và xử lý tài sản tham nhũng, tiêu cực có liên quan của người có hành vi tham nhũng ngay trong quá trình kiểm tra, thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan giám định, định giá tài sản, đảm bảo kịp thời, có hiệu quả hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án các vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế. Khuyến khích người phạm tội tự nguyện giao nộp tài sản bất minh, bồi thường, khắc phục hậu quả trong các vụ án tham nhũng, kinh tế. Xử lý nghiêm minh những cán bộ có trách nhiệm không tích cực thu hồi hoặc cản trở hoạt động thu hồi tài sản thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án tham nhũng, kinh tế.