Thanh tra Chính phủ thực hiện Nghị quyết xây dựng đội ngũ doanh nhân Việt Nam

Thứ tư, 29/05/2024 19:35
(ThanhtraVietNam) - Bộ Chính trị, Chính phủ đã ban hành các Nghị quyết về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới. Rà soát, xử lý chồng chéo trong hoạt động thanh tra là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Thanh tra Chính phủ triển khai.

Phát triển đội ngũ doanh nhân đáp ứng mục tiêu công nghiệp hoá, hiện đại hoá

Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 10/10/2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới (gọi tắt là Nghị quyết số 41-NQ/TW) xác định mục tiêu đến năm 2030, phát triển đội ngũ doanh nhân Việt Nam có quy mô, năng lực và trình độ đáp ứng mục tiêu công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

Phấn đấu ngày càng có nhiều doanh nghiệp đạt tầm khu vực, một số doanh nghiệp đạt tầm thế giới; một số doanh nghiệp lớn có vai trò dẫn dắt trong các ngành, lĩnh vực then chốt; một số doanh nghiệp có vị thế, vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu, làm chủ một số chuỗi giá trị công nghiệp, nông nghiệp, có năng lực cạnh tranh quốc tế trong các ngành công nghiệp nền tảng, ưu tiên, mũi nhọn.

Ngày 09/5/2024, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 66/NQ-CP về Chương trình hoạt động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW (gọi tắt là Nghị quyết số 66/NQ-CP) với mục tiêu đến năm 2030 có ít nhất 2 triệu doanh nghiệp, trong đó hình thành và phát triển nhiều doanh nhân lãnh đạo các tập đoàn kinh tế mạnh, có tiềm lực, có sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế, phát huy vai trò mở đường dẫn dắt các ngành, lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế.

Khu vực doanh nghiệp đóng góp khoảng 65 - 70% GDP cả nước, khoảng 32 - 38% tổng việc làm trong nền kinh tế, 98 - 99% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu; tỷ lệ doanh nghiệp tham gia vào các hoạt động xuất nhập khẩu trong tổng số doanh nghiệp đạt khoảng 10%.

Có ít nhất 70 doanh nghiệp có vốn hóa thị trường đạt trên 1 tỷ USD, 120 Doanh nghiệp có doanh thu thuần đạt trên 1 tỷ USD và 100 doanh nghiệp đạt lợi nhuận trước thuế trên 100 triệu USD.

Đến năm 2030 có ít nhất 10 doanh nhân Việt Nam lọt vào danh sách tỷ phú đô la Mỹ thế giới, 05 doanh nhân quyền lực nhất châu Á do các tổ chức uy tín thế giới bình chọn…

Để đạt được các chỉ tiêu cụ thể, Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố…tiếp tục thể chế hóa và tổ chức triển khai thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp.

Ngày 24/5/2024, Thanh tra Chính phủ đã ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW và Nghị quyết số 66/NQ-CP.

Một trong các mục đích, yêu cầu nêu tại Kế hoạch là cụ thể hóa các quan điểm, mục tiêu trong thực hiện nhiệm vụ, qua công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực rà soát, xử lý chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra; phát hiện, đề xuất, kiến nghị xây dựng, sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật nhằm tạo điều kiện phát triển kinh doanh lành mạnh đối với doanh nghiệp và doanh nhân.

Qua đó tôn vinh, cổ vũ đội ngũ doanh nhân Việt Nam có tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, khát vọng cống hiến, thượng tôn pháp luật, có đủ năng lực, trình độ đáp ứng mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

leftcenterrightdel
Thủ tướng Phạm Minh Chính tại buổi gặp mặt của Thường trực Chính phủ với đại diện doanh nhân Việt Nam. Ảnh: VGP/Nhật Bắc 

Cụ thể hóa các quan điểm, mục tiêu trong thực hiện nhiệm vụ

Cùng với phổ biến, quán triệt, tuyên truyền Nghị quyết, Thanh tra Chính phủ sẽ tăng cường phối hợp với Kiểm toán nhà nước trong quá trình xây dựng và thực hiện kế hoạch thanh tra, kế hoạch kiểm toán để xử lý chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra, kiểm toán đối với doanh nghiệp theo đúng nội dung, yêu cầu tại Quy chế phối hợp giữa 2 cơ quan.

Đồng thời, tăng cường chỉ đạo Thanh tra các bộ, ngành, Thanh tra cơ quan thuộc Chính phủ phối hợp trong quá trình xây dựng và thực hiện kế hoạch thanh tra để xử lý chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra; thực hiện thông báo Kế hoạch thanh tra của Thanh tra Chính phủ cho Thanh tra các bộ, ngành, Thanh tra cơ quan thuộc Chính phủ; đối tượng thanh tra và các đối tượng liên quan biết theo quy định.

Bên cạnh đó, Thanh tra Chính phủ cũng tăng cường kiểm tra việc xây dựng và thực hiện kế hoạch thanh tra của các cơ quan quản lý nhà nước; tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 17/5/2017 về việc chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp và tham mưu Ban cán sự đảng Chính phủ trình Bộ Chính trị ban hành Đề án "Phương án tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án, đất đai trong các kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại một số tỉnh, thành phố".

Đáng chú ý, Thanh tra Chính phủ sẽ đề xuất hoàn thiện chính sách, pháp luật trong việc tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, an toàn, bình đẳng cho doanh nghiệp và doanh nhân phát triển, cống hiến, cụ thể:

Một là, qua thực hiện chức năng, nhiệm vụ về thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng chống tham nhũng, tiêu cực quan tâm việc rà soát, phát hiện các quy định còn chống chéo về sản, kinh doanh; đề xuất, kiến nghị xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về phát triển kinh tế, về môi trường kinh doanh đối với doanh nghiệp và doanh nhân.

Hai là, đề xuất, kiến nghị việc tăng cường kỷ luật, kỷ cương của chính quyền và bộ máy hành chính; tiếp tục thực hiện việc cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, an toàn, bình đẳng cho doanh nhân, doanh nghiệp phát triển.

Ba là, tập trung xây dựng và hoàn thiện thể chế về thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng chống tham nhũng, tiêu cực; nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, bảo đảm công khai, minh bạch, kiến nghị xử lý nghiêm đối với những vi phạm, những hành vi nhũng nhiễu, cản trở, tham nhũng, tiêu cực đối với doanh nhân, doanh nghiệp./.

Ngô Tân

TIN LIÊN QUAN

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra