
|
Toàn cảnh buổi nghiệm thu đề tài khoa học cấp Bộ do TS Đỗ Gia Thư - Vụ trưởng Vụ Pháp chế TTCP làm Chủ nhiệm đề tài, chiều 20/6. |
Thanh tra lại là phương thức quan trọng khắc phục những sai sót trong hoạt động thanh tra, qua đó giúp nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; đồng thời là biện pháp nhằm tăng cường tính thống nhất trong chỉ đạo, điều hành và tổ chức công tác thanh tra trong các cơ quan hành chính nhà nước. Ngoài ra, thanh tra lại còn là biện pháp quan trọng nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Tuy nhiên, sau 2 năm thực hiện Luật Thanh tra 2010, tác giả đề tài cho rằng: các quy định của pháp luật về vấn đề thanh tra lại vẫn chưa thực sự đi vào cuộc sống như mong muốn và mục đích, tiêu chí đặt ra. Pháp luật về thanh tra đã giao quyền thanh tra lại cho thủ trưởng các cơ quan thanh tra Nhà nước, nhưng đã có quá ít các vụ việc được thực hiện theo đúng nghĩa là thanh tra lại. Nhìn chung, thời gian qua hoạt động thanh tra lại chưa được thực hiện một cách chủ động và thiếu định hướng cụ thể trong tổ chức triển khai; chưa được triển khai thực hiện một cách thống nhất và chưa gắn với việc thực hiện các nhiệm vụ công tác khác của cơ quan thanh tra nhà nước các cấp; chưa giúp kịp thời phát hiện và khắc phục những sai sót trong hoạt động thanh tra của cơ quan thanh tra nhà nước cùng cấp; chưa giúp kịp thời phát hiện và khắc phục những sai sót trong hoạt động thanh tra của cơ quan thanh tra nhà nước các cấp; hiệu lực, hiệu quả của hoạt động thanh tra lại còn hạn chế, chưa giúp tăng cường tính độc lập tương đối trong hoạt động thanh tra.
Nguyên nhân của những bất cập, hạn chế trong hoạt động thanh tra lại là do nhận thức về thanh tra lại của Thủ trưởng các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan thanh tra nhà nước còn hạn chế và chưa nhất quán; các quy định pháp luật về thanh tra nói chung và thanh tra lại nói riêng còn chưa hoàn thiện, thiếu đồng bộ và khó thực hiện; tổ chức bộ máy của các cơ quan thanh tra chưa đáp ứng được với yêu cầu thực tiễn trong triển khai hoạt động thanh tra lại; đội ngũ cán bộ, thanh tra viên trong các cơ quan thanh tra nhà nước chưa đáp ứng đủ năng lực trong triển khai hoạt động thanh tra lại.
Đề xuất những giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động thanh tra lại, tác giả đề tài cho biết:
Thứ nhất: cần nâng cao nhận thức về thanh tra lại và sự cần thiết triển khai hoạt động thanh tra lại trong các cơ quan thanh tra nhà nước. Biện pháp này nhằm kiểm tra, giám sát và đánh giá chất lượng, tính chính xác, khách quan; tính hợp pháp trong hoạt động thanh tra, qua đó giúp nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về công tác thanh tra. Đây cũng là biện pháp để tự uốn nắn, tự sửa sai và tích lũy kiến thức, kinh nghiệm trong hoạt động thanh tra đối với các cán bộ, thanh tra viên trong các cơ quan thanh tra nhà nước. Bên cạnh đó, đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác, thanh tra lại cần được nhìn nhận là một cơ chế bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ khi bị xâm hại hoặc đe dọa xâm phạm bởi hành vi trái pháp luật của người tiến hành thanh tra trong hoạt động thanh tra và ra kết luận thanh tra gây ra.
Thứ hai là hoàn thiện pháp luật về thanh tra lại như: tiếp tục hoàn thiện quy định về thẩm quyền quyết định thanh tra lại; các quy định về căn cứ, phạm vi, đối tượng, nội dung, trình tự, thủ tục và báo cáo kết quả thanh tra lại, kết luận thanh tra lại; tiếp tục hoàn thiện về thời hiệu thanh tra lại; bổ sung, hoàn thiện các yêu cầu đối với báo cáo kết quả thanh tra lại và kết luận thanh tra lại.
Thứ ba: tổ chức triển khai nghiêm túc và đồng bộ hoạt động thanh tra lại trong các cơ quan thanh tra nhà nước.
Thứ tư: kiện toàn tổ chức bộ máy của các cơ quan thanh tra nhà nước đáp ứng yêu cầu triển khai hoạt động thanh tra lại.
Thứ năm: tăng cường số lượng và chất lượng của đội ngũ công chức, thanh tra viên được giao nhiệm vụ thanh tra lại. Về giải pháp này, TS Đỗ Gia Thư cho rằng cần có giải pháp mang tính đột phá hơn trong xây dựng đội ngũ công chức, thanh tra viên, đặc biệt là đội ngũ những người làm công tác thanh tra thì mới thực sự bảo đảm việc triển khai thêm lĩnh vực hoạt động mới về thanh tra lại một cách có hiệu quả. Không chỉ đặt ra những yêu cầu như đối với hoạt động thanh tra, thanh tra lại còn còn đòi hỏi các công chức, thanh tra viên được giao thực hiện nhiệm vụ này phải là những người có kiến thức pháp luật, có trình độ chuyên môn vững và nhất là phải có kinh nghiệm về công tác thanh tra. Để phát hiện được những vi phạm pháp luật trong hoạt động thanh tra, qua đó làm rõ và đưa ra các hình thức khắc phục, biện pháp xử lý, đòi hỏi đội ngũ công chức, thanh tra viên còn phải là những người có đạo đức nghề nghiệp cao và bản lĩnh chính trị vững vàng./.
Kim Dung