Hội nghị tuyên truyền, phổ biến Luật Thanh tra năm 2022 và các văn bản hướng dẫn thi hành:

Tổ chức Hội nghị đảm bảo thiết thực, hiệu quả

Thứ năm, 28/03/2024 13:00
(ThanhtraVietNam) - Thanh tra Chính phủ sẽ tổ chức Hội nghị tuyên truyền, phổ biến Luật Thanh tra 2022 và các văn bản hướng dẫn thi hành đối với các cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan thanh tra. Đây là Hội nghị nhận được sự quan tâm rất lớn của đội ngũ cán bộ, công chức trong ngành Thanh tra.

Trước thềm Hội nghị sẽ được tổ chức vào ngày 29/03/2024, phóng viên Tạp chí Thanh tra đã phỏng vấn ông Trần Đăng Vinh, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ về công tác chuẩn bị và một số nội dung chính sẽ được đưa ra tại Hội nghị.

leftcenterrightdel
 Ông Trần Đăng Vinh, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ. (Ảnh: D. Nguyễn)

PV: Hội nghị tuyên truyền, phổ biến Luật Thanh tra 2022 và các văn bản hướng dẫn thi hành có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan thanh tra. Xin ông cho biết công tác chuẩn bị cho Hội nghị được triển khai như thế nào đến thời điểm này?

Vụ trưởng Vụ Pháp chế Trần Đăng Vinh:

Kế hoạch tổ chức Hội nghị tuyên truyền, phổ biến Luật Thanh tra năm 2022 và các văn bản hướng dẫn thi hành, đã phân công nhiệm vụ đến từng cơ quan, tổ chức đơn vị thực hiện. Là cơ quan được giao chủ trì, tham mưu giúp Lãnh đạo Thanh tra Chính phủ triển khai Kế hoạch, Vụ Pháp chế đã xây dựng tài liệu tuyên truyền, tập trung vào những nội dung cơ bản của Luật Thanh tra và các văn bản hướng dẫn thi hành như Nghị quyết số 37/2023/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Nghị định số 43/2023/NĐ-CP, Nghị định số 03/2024/NĐ-Chính phủ của Chính phủ với những chế định cơ bản, những điểm mới, điểm khác của pháp luật về thanh tra hiện hành, nhất là quy định về tổ chức và hoạt động của cơ quan thanh tra.

Bên cạnh đó, Vụ Pháp chế đã phối hợp với các đơn vị có liên quan như: Văn phòng, Trung tâm thông tin để chuẩn bị các điều kiện đảm bảo cho việc tổ chức Hội nghị, nhất là các điều kiện kỹ thuật, đường truyền trực tuyến tại các điểm cầu trên phạm vi toàn quốc, mời đại biểu tham dự Hội nghị theo Kế hoạch đã được Tổng Thanh tra Chính phủ phê duyệt. Đến thời điểm hiện tại, công tác chuẩn bị Hội nghị cơ bản đã hoàn thành.

PV: Để đảm bảo việc tổ chức thực sự hiệu quả, thiết thực và đúng yêu cầu, những nhóm vấn đề nào sẽ được tập trung tuyên truyền, phổ biến tại Hội nghị lần này thưa ông?

Vụ trưởng Vụ Pháp chế Trần Đăng Vinh:

Để công tác tuyên truyền, phổ biến đạt hiệu quả, thiết thực và đáp ứng yêu cầu, chỉ đạo của Tổng Thanh tra Chính phủ, Vụ Pháp chế đã tham mưu xây dựng kịch bản, tài liệu tuyên truyền với những nội dung quan trọng nhất, những vấn đề cần quan tâm của pháp luật về thanh tra hiện hành được thể hiện trong Luật Thanh tra 2022 và các văn bản hướng dẫn thi hành, nhất là những điểm mới, điểm khác những thay đổi cần phải chú ý để thủ trưởng các cơ quan quản lý nhà nước, thủ trưởng các cơ quan thanh tra, đội ngũ cán bộ, công chức, thanh tra viên nắm được và hiểu một cách đầy đủ, chính xác nhất, thực hiện thống nhất trong toàn quốc.

Vụ Pháp chế cũng đã bám sát những quy định của Luật Thanh tra, Nghị quyết số 37/2023/UBTVQH15, Nghị định số 43/2023/NĐ-CP, Nghị định số 03/2024/NĐ-CP để lựa chọn những vấn đề quan trọng nhất, cần thiết nhất để tuyên truyền, như: quy định về tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan thanh tra, thủ trưởng các cơ quan thanh tra, việc thành lập thanh tra bộ, thanh tra tổng cục, thanh tra cơ quan thuộc Chính phủ; quy định về thanh tra viên, người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành; những điểm mới trong hoạt động thanh tra, từ việc xây dựng, ban hành kế hoạch thanh tra, xử lý chồng chéo trong hoạt động thanh tra, hình thức thanh tra, thời gian thanh tra, trình tự thủ tục, các bước tiến hành thanh tra, ban hành quyết định thanh tra, kế hoạch tiến hành thanh tra, báo cáo kết quả thanh tra, ban hành kết luận thanh tra, giám sát hoạt động đoàn thanh tra, thẩm định dự thảo kết luận thanh tra, xử lý sau thanh tra; nhiệm vụ, quyền hạn của thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước, thủ trưởng cơ quan thanh tra, quyền và nghĩa vụ của đối tượng thanh tra; vấn đề thanh tra nội bộ; việc các cơ quan thanh tra được trích một phần từ các khoản tiền thu hồi phát hiện qua thanh tra...

leftcenterrightdel
 

PV: Ngoài những nội dung được tuyên truyền, phổ biến tại Hội nghị lần này, Thanh tra Chính phủ có dành thời gian giải đáp, hướng dẫn các vấn đề liên quan đến những điểm mới, sửa đổi của Luật Thanh tra 2022 và các văn bản hướng dẫn thi hành không, thưa ông?

Vụ trưởng Vụ Pháp chế Trần Đăng Vinh:

Sau khi giới thiệu các nội dung cơ bản về Luật Thanh tra 2022 và các văn bản hướng dẫn thi hành, Hội nghị sẽ dành thời gian thảo luận, trong đó, để các các đại biểu đến từ các bộ, ngành, địa phương có thể nêu lên những ý kiến tiếp thu, những khó khăn, vướng mắc về pháp luật cần tháo gỡ, tạo điều kiện cho hoạt động thanh tra trong thời gian tới.

Căn cứ vào những quy định hiện hành, Thanh tra Chính phủ sẽ trả lời những nội dung mà các đại biểu quan tâm, nhất là hiểu chưa hết hoặc chưa đầy đủ về Luật Thanh tra 2022 và các văn bản hướng dẫn thi hành; đồng thời, sẽ ghi nhận những khó khăn, vướng mắc trong áp dụng pháp luật, những quan hệ pháp luật trong hoạt động thanh tra cần phải có quy phạm pháp luật điều chỉnh để tổng hợp, nghiên cứu báo cáo Tổng Thanh tra Chính phủ những giải pháp cụ thể để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc xây dựng, ban hành, hướng dẫn áp dụng pháp luật về thanh tra trong thời gian tới. Tại Hội nghị, chúng tôi sẽ dành nhiều thời gian cho phần trả lời, giải đáp các ý kiến của đại biểu tham gia. Chúng tôi cho rằng hoạt động này là rất quan trọng.

Thanh tra Chính phủ sẽ tiếp thu đầy đủ các ý kiến phát biểu của các đại biểu để vừa giải thích, hướng dẫn, vừa tiếp thu, tiếp nhận để tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện pháp luật về thanh tra trong thời gian tới, nhất là trong quá trình xây dựng, hoàn thiện các dự thảo Thông tư hướng dẫn thi hành Luật Thanh tra năm 2022, như các quy định về xây dựng, định hướng chương trình thanh tra, kế hoạch thanh tra; quy trình tiến hành một cuộc thanh tra, các mẫu biểu trong hoạt động thanh tra, thẩm quyền, trình tự, thủ tục về thanh tra trách nhiệm thực hiện pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng; quản lý và sử dụng thẻ thanh tra viên; trang phục thanh tra viên… nhằm đảm bảo cho hoạt động thanh tra ngày càng thuận lợi, đồng bộ, hiệu quả.

PV: Xin ông cho biết, trong thời gian tới, Thanh tra Chính phủ sẽ tiếp tục triển khai công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật như thế nào để việc thực hiện Luật Thanh tra năm 2022 và các văn bản hướng dẫn thi hành đảm bảo hiệu lực và hiệu quả?

Vụ trưởng Vụ Pháp chế Trần Đăng Vinh:

Chúng tôi sẽ đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền bằng các hoạt động cụ thể như cử cán bộ đi tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho các bộ, ngành, địa phương có nhu cầu. Thông qua các buổi tuyên truyền này, chúng tôi sẽ đưa Luật Thanh tra vào cuộc sống tốt hơn, đồng thời cũng chia sẻ những khó khăn, vướng mắc, đưa ra những kinh nghiệm, giải đáp để việc áp dụng pháp luật được chính xác, qua đó, chúng tôi cũng sẽ ghi nhận những ý kiến từ các cơ quan, đơn vị. Thông qua các văn bản của các bộ, ngành, địa phương gửi đến về hoạt động nghiệp vụ thực tiễn, chúng tôi sẽ nghiên cứu, tham mưu cho Tổng Thanh tra Chính phủ trả lời, hướng dẫn nghiệp vụ, qua đó góp phần giúp pháp luật về thanh tra được hiểu một cách đúng nhất. Mặt khác, chúng tôi có thể thiết lập những kênh thông tin để trao đổi, kể cả những hình thức đơn giản như trao đổi qua điện thoại cũng có thể mang đến những hiệu quả nhất định.

Đặc biệt, chúng tôi sẽ phối hợp với những cơ quan thông tấn báo chí, như Tạp chí Thanh tra, Báo Thanh tra. Đây là những cơ quan truyền thông hết sức quan trọng của ngành Thanh tra để qua đó, đăng tải những thông tin về các quy định pháp luật về thanh tra ngay từ giai đoạn dự thảo, xây dựng đến khi ban hành. Đây trở thành một diễn đàn khoa học, qua đó có sự tương tác, trao đổi để đưa ra những giải pháp tốt nhất nhằm hoàn thiện pháp luật với mục tiêu tạo cơ sở dữ liệu pháp luật đồng bộ cho hoạt động thanh tra được hiệu quả trên cơ sở tuân thủ các quy định pháp luật, đồng thời nâng cao hiệu quả trong hoạt động thanh tra.

Ban Cán sự Đảng, Đảng ủy Thanh tra Chính phủ, Tổng Thanh tra Chính phủ đã nhiều lần lãnh đạo, chỉ đạo là phải quan tâm nâng cao chất lượng các cuộc thanh tra, đẩy nhanh tiến độ các cuộc thanh tra, đổi mới phương pháp, cách thức tiến hành thanh tra làm sao đạt được hiệu quả, giúp các cơ quan quản lý nhà nước phát hiện ra những thiếu sót, bất cập trong hệ thống quản lý nhà nước để chấn chỉnh, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, đồng thời, đấu tranh phòng ngừa, phát hiện xử lý vi phạm pháp luật, tiêu cực, tham nhũng, góp phần vào công tác xây dựng Đảng, xây dựng nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Vì vậy, tôi cho rằng hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật của Thanh tra Chính phủ cần phải được quan tâm thúc đẩy để đem lại những đóng góp thiết thực, hiệu quả vào sự nghiệp chung của ngành, đất nước.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Dương Nguyễn (thực hiện)

TIN LIÊN QUAN

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra