Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng báo cáo tại phiên họp. Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Tờ trình tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã phân tích cơ sở và sự cần thiết xây dựng Nghị quyết, trước hết là xuất phát từ yêu cầu thực tế phát triển của Thành phố Hà Nội.
Thời gian qua, Thành phố đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội, đóng góp lớn cho sự phát triển và thu NSNN của cả nước, chia sẻ những khó khăn chung với Trung ương và các địa phương trên cả nước. Tuy nhiên, công tác quy hoạch, quản lý đô thị chưa theo kịp yêu cầu phát triển; tốc độ đô thị hóa diễn ra rất nhanh, trong khi cơ sở hạ tầng còn nhiều bất cập; một số chợ dân sinh trên địa bàn Thành phố được đầu tư đã lâu, nay xuống cấp nghiêm trọng, có nguy cơ gây mất an toàn, không đảm bảo điều kiện phòng cháy chữa cháy, an toàn vệ sinh thực phẩm, mỹ quan đô thị, tình trạng ô nhiễm môi trường; ùn tắc giao thông; tình trạng tăng dân cư tự phát đã gây sức ép lớn đối với hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội ở khu vực nội thành.
Thứ hai, Bộ Chính trị đã có Nghị quyết số 11-NQ/TW về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thành phố Hà Nội đến năm 2020 và Kết luận số 22-KL/TW, Kết luận số 46-KL/TW định hướng việc phân cấp, phân quyền về một số cơ chế, chính sách đặc thù đối với Thành phố Hà Nội; Ủy ban Thường vụ Quốc hội có văn bản đề nghị Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với Thành phố Hà Nội tại kỳ họp thứ 9.
Thứ ba, tại khoản 2 Điều 15 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định: Quốc hội ban hành Nghị quyết để quy định thực hiện thí điểm một số chính sách mới thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội nhưng chưa có luật điều chỉnh hoặc khác với quy định của các luật hiện hành.
“Từ các cơ sở trên, việc Chính phủ trình Quốc hội ban hành thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù khác so với một số luật hiện hành cho phù hợp với yêu cầu phát triển, quy mô kinh tế - xã hội, trình độ và yêu cầu quản lý kinh tế - xã hội đối với thành phố Hà Nội là cần thiết”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng phát biểu.
Liên quan đến nội dung Nghị quyết, theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, về phạm vi và đối tượng áp dụng (Điều 1, Điều 2): Quy định cho Thành phố Hà Nội được thí điểm một số cơ chế, chính sách về quản lý tài chính - ngân sách đặc thù thuộc Thành phố quản lý.
Về quản lý thu ngân sách nhà nước (Điều 3), Thành phố Hà Nội được thực hiện thí điểm: thu phí chưa được quy định trong Danh mục phí, lệ phí; tăng mức hoặc tỷ lệ thu phí không quá 1,5 lần đã được cấp có thẩm quyền quyết định đối với các loại phí (không kể các loại phí thuộc nguồn thu của ngân sách sách trung ương hưởng 100%) được quy định trong Danh mục phí ban hành kèm theo Luật Phí và lệ phí. Các khoản thu tăng thêm ngân sách Thành phố được hưởng 100% và không dùng để xác định tỷ lệ phần trăm (%) đối với các khoản thu phân chia giữa ngân sách trung ương và ngân sách Thành phố.
Thành phố Hà Nội được hưởng 50% khoản thu tiền sử dụng đất khi bán tài sản công gắn liền trên đất (sau khi đã trừ chi phí liên quan đến việc bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất; kinh phí di dời, xây dựng cơ sở vật chất tại địa điểm mới) do các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc trung ương quản lý trên địa bàn (trừ các cơ quan, đơn vị thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh).
Thành phố Hà Nội được hưởng toàn bộ số thu từ sắp xếp, cổ phần hóa DNNN, thoái vốn nhà nước đầu tư tại các doanh nghiệp do UBND Thành phố làm đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước.
Về quản lý chi ngân sách nhà nước (Điều 4), HĐND Thành phố quyết định dự toán, phân bổ ngân sách Thành phố bảo đảm phù hợp với các định hướng cơ cấu lại ngân sách, phát triển KTXH và các lĩnh vực quan trọng theo quy định của Quốc hội và Chính phủ.
Về Mức dư nợ vay và sử dụng Quỹ dự trữ tài chính (Điều 5), quy định mức dư nợ vay của ngân sách Thành phố không vượt quá 90% số thu ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp.
Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính-Ngân sách (TCNS) do Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Đức Hải trình bày cho biết đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban tán thành với các lý do nêu trong Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết ban hành Nghị quyết nhằm góp phần tăng nguồn lực, quyền chủ động trong việc quyết định, sử dụng ngân sách để thực hiện đạt kết quả cao nhất các mục tiêu theo Kết luận số 22-KL/TW ngày 07/11/2017, Kết luận số 46-KL/TW ngày 19/4/2019 của Bộ Chính trị về sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW tiếp tục bổ sung nhiệm vụ, giải pháp phù hợp mục tiêu, phương hướng phát triển Thủ đô trong điều kiện mới.
Hồ sơ dự thảo Nghị quyết do Chính phủ trình cơ bản bảo đảm yêu cầu theo quy định, đủ điều kiện để trình Quốc hội xem xét, thông qua Nghị quyết này tại Kỳ họp thứ 9.
Về các nội dung của dự thảo Nghị quyết, theo ông Nguyễn Đức Hải, tiếp thu ý kiến UBTVQH tại phiên họp thứ 44, Chính phủ đã soạn thảo các nội dung Nghị quyết, đó là: Nâng mức trần nợ vay từ 70% lên 90% trên nguyên tắc Thủ đô phải đảm bảo khả năng trả nợ. Cho phép tạm ứng Quỹ Dự trữ tài chính của Thành phố để đầu tư hạ tầng và bảo đảm thu hồi trong thời hạn 36 tháng. Được sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư để chi các dự án đầu tư phát triển và chi thực hiện các chế độ, chính sách an sinh xã hội. Cho phép sử dụng kinh phí thường xuyên của một số đơn vị do tiết kiệm được để đầu tư công trình nhỏ mang tính chất xây dựng cơ bản, không phải theo quy trình của Luật Đầu tư công...
Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng
Về thẩm quyền quyết định bổ sung các khoản phí, lệ phí và tăng mức thu phí, lệ phí, Thường trực Ủy ban TCNS cho rằng, thẩm quyền bổ sung các khoản phí, lệ phí chưa có trong Danh mục ban hành kèm theo Luật Phí và lệ phí đã được giao cho UBTVQH (căn cứ Điều 17 của Luật Phí và lệ phí), nay Chính phủ xin ý kiến UBTVQH xem xét trình Quốc hội cho phép thí điểm giao cho HĐND Thành phố Hà Nội thực hiện quyền hạn này, thực chất là để phân cấp cho HĐND Thành phố Hà nội quyết định bổ sung các khoản phí, lệ phí nhằm tạo sự linh hoạt, chủ động cho HĐND Thành phố Hà Nội trong việc tổ chức thực hiện Luật phí, lệ phí. Quy định này tương thích với cơ chế thí điểm đối với Thành phố Hồ Chí Minh theo Nghị quyết số 54/2017/QH14 của Quốc hội. Vì vậy, cơ bản nhất trí với nội dung Chính phủ trình.
Về việc cho phép tăng mức hoặc tỷ lệ thu phí không quá 1,5 lần đối với các loại phí (không kể loại phí thuộc nguồn thu ngân sách trung ương hưởng 100%): Đa số ý kiến đồng ý với đề nghị của Chính phủ, nhưng đề nghị không quy định trần tăng thu, mức tăng cụ thể do HĐND Thành phố quyết định trên cơ sở thực tế và có sự đồng thuận của nhân dân. Bên cạnh đó, có ý kiến đồng ý với việc tăng mức thu phí 1,5 lần so với quy định hiện hành nhưng phải kiểm soát, quản lý chặt chẽ, đảm bảo không gây ảnh hưởng đến thị trường và xã hội.
Về việc cho phép Thành phố Hà Nội được hưởng 50% khoản thu tiền sử dụng đất khi bán tài sản công gắn liền trên đất theo Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban TCNS nhận thấy khoản thu tiền sử dụng đất khi bán tài sản nhà nước gắn liền với đất sau khi trừ đi chi phí di dời, xây dựng trụ sở mới của các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn Thành phố thì số còn lại (khoảng 30%) là nguồn thu của ngân sách trung ương nhưng Chính phủ xin cho phép Thành phố được hưởng 50% khoản thu này (tương ứng khoảng 15% số thu tiền sử dụng đất và bán tài sản công còn lại), để hỗ trợ cho Thành phố có thêm nguồn lực đầu tư tốt hơn một số cơ sở hạ tầng quan trọng theo Chiến lược phát triển Thủ đô đến năm 2030. Thường trực Ủy ban TCNS nhất trí với đề nghị của Chính phủ vì quy định này tương thích với cơ chế thí điểm đối với Thành phố Hồ Chí Minh theo Nghị quyết số 54/2017/QH14 của Quốc hội. Tuy nhiên, thực tế cho thấy việc bán tài sản công có nhiều khó khăn, quy trình và thủ tục phức tạp, kéo dài. Vì vậy, để đảm bảo quy định này có tính khả thi, đề nghị UBND Thành phố cần chủ động có Đề án tổng thể và đánh giá đầy đủ nguồn thu, lộ trình và kế hoạch, tổ chức thu từ lĩnh vực này trên địa bàn Thành phố, để trình các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Về điều khoản thi hành, Dự thảo Nghị quyết quy định Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ 1/8/2020 được áp dụng cho đến khi Quốc hội ban hành Luật sửa đổi, bổ sung Luật Thủ đô năm 2012 nhưng không quá ngày 1/8/2025. Như vậy, thời gian áp dụng Nghị quyết là 5 năm. Thường trực Ủy ban TCNS đề nghị xem lại quy định này vì thời gian áp dụng Nghị quyết thí điểm tối đa là 5 năm, không gắn với hiệu lực thi hành của Luật Thủ đô (sửa đổi).
Đồng thời, Ủy ban TCNS cũng đề nghị bổ sung quy định giao “Chính phủ báo cáo Quốc hội sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết này tại kỳ họp cuối năm 2022” để có căn cứ tổng kết đánh giá các cơ chế tài chính - ngân sách đặc thù này.
Theo Baochinhphu.vn