Chiều 21/5, Tòa án nhân dân tỉnh Sơn La tiếp tục phiên tòa sơ thẩm xét xử 12 bị cáo trong vụ gian lận thi THPT Quốc gia năm 2018 tại tỉnh Sơn La.
Hội đồng xét xử đã tiến hành xét hỏi theo nhóm hành vi đối với các bị cáo Nguyễn Thị Hồng Nga, Trần Xuân Yến, Nguyễn Thanh Nhàn, Đỗ Khắc Hưng, Nguyễn Minh Khoa, Cầm Thị Bun Sọn…
Chiều 21/5, Hội đồng xét xử tiến hành xét hỏi theo nhóm hành vi đối với các bị cáo.
Tại phiên tòa, bị cáo Nguyễn Thị Hồng Nga, cựu chuyên viên phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục, Sở Giáo dục và đào tạo Sơn La trả lời, Trần Xuân Yến đã đưa cho bị cáo 3 tờ danh sách, trong đó có 1 tờ viết tay, bị cáo nhận ra chữ viết là của Nguyễn Ngọc Hà (thời điểm đó là Trưởng phòng Giáo dục phổ thông- Sở Giáo dục và Đào tạo Sơn La). Trong các tờ danh sách này đều có thông tin của thí sinh, gồm: Họ tên, số báo danh, mã đề thi, địa điểm thi và số điểm cần nâng.
Khoảng trước ngày chấm thi nửa tháng, Trần Xuân Yến gọi bị cáo đến phòng nói, kỳ thi năm nay có một số trường hợp là con, em của người trong Sở và người quen nên bắt buộc phải tác động và có hỏi sửa bài trắc nghiệm, nâng điểm thi phải làm thế nào. Bị cáo trả lời cần phải tẩy, tô lại và quét lại trong máy, muốn làm được thế, bài thi phải không được niêm phong, phải có sự giúp đỡ của bên công an.
Cùng với danh sách thí sinh do Trần Xuân Yến đưa, danh sách các thí sinh của những người nhờ gồm: Trần Văn Điện, Lò Văn Huynh, Nguyễn Thanh Nhàn, Đinh Hải Sơn đều được bị cáo nộp cho cơ quan tố tụng. Riêng Đỗ Khắc Hưng nhờ qua điện thoại.
Tất cả các trường hợp trao đổi, bị cáo đều không có thỏa thuận, trao đổi về tiền bạc, chỉ riêng trường hợp của Trần Văn Điện đã cảm ơn bị cáo số tiền hơn 1 tỷ đồng cho 4 thí sinh.
Trả lời phần xét hỏi đối với mình, bị cáo Trần Xuân Yến, cựu Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La một mực khẳng định bị cáo chỉ nhờ xem điểm, chứ không nhờ nâng điểm.
Cựu Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La Trần Xuân Yến tại tòa.
Khi Hội đồng xét xử hỏi: Bị cáo Nga nói nhận danh sách của Trần Xuân Yến có đầy đủ thông tin thí sinh gồm: họ tên, mã đề thi và tổng điểm bên cạnh. Bị cáo Trần Xuân Yến trả lời: Trong tờ danh sách cơ quan điều tra đã thu giữ, bị cáo nhận từ những người khác nên không nhớ rõ.
"Trong 3 tờ, có 1 tờ bị cáo đánh máy lại do ông Hoàng Tiến Đức chuyển cho bị cáo. Lý do đánh máy lại vì bẩn. Bị cáo cũng bổ sung thêm 3 thí sinh của ông Phan Ngọc Sơn, ông Hải, ông Mạnh nhờ bị cáo xem điểm. Ghi tổng điểm bên cạnh là thí sinh tự chấm được", bị cáo Yến nói.
Hội đồng xét xử cũng hỏi bị cáo Trần Xuân Yến: Việc ghi tổng điểm vào bên cạnh nhằm mục đích gì? Bị cáo Yến nói không có mục đích gì ngoài xem điểm. Riêng trường hợp cháu của bị cáo Trần Xuân Yến cũng ghi tổng điểm bên cạnh họ tên thí sinh, số báo danh. Bị cáo cho rằng có cháu nhờ xem điểm, nên bị cáo ghi tổng điểm cháu tự chấm được để nhờ xem điểm, chứ không nhờ nâng điểm./.
Theo vov.vn