Công ty CP năng lượng dầu khí Châu Á

Thứ sáu, 15/01/2021 09:41
Hiệp hội điện gió và mặt trời tỉnh Bình Thuận: Năng lượng tái tạo – Đòn bẩy hiện thực hóa chiến lược tăng trưởng kinh tế “xanh”

Việt Nam đang là Quốc gia có tiềm năng gió dồi dào phù hợp cho phát triển điện gió ngoài khơi với lợi thế bờ biển trải dài, diện tích biển rộng lớn, phù hợp cho phát triển điện gió ngoài khơi. Với tất cả những lợi thế về điều kiện tự nhiên đang có, Việt Nam cần nắm bắt ngay cơ hội đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo và hiện thực hóa chiến lược phát triển điện gió ngoài khơi nhằm thay thế các nguồn năng lượng “đen” truyền thống đồng thời thúc đẩy nền kinh tế biển phát triển. Tuy nhiên, khi ngành công nghiệp non trẻ này mới vừa “chớm nở” lại gặp thời điểm dịch Covid-19 bùng phát nên trong quá trình phát triển vẫn gặp rất nhiều thách thức và nghịch lí. Vì vậy, Việt Nam cần thay đổi kịp thời để ứng phó trước tình hình hiện nay.  

  • Chuyển dịch cơ cấu năng lượng là xu hướng tất yếu
  • Nhận thức xu thế tất yếu, sự cần thiết của việc chuyển dịch cơ cấu năng lượng từ nguồn năng lượng tự nhiên thành năng lượng tái tạo, ngày 25/11/2015 Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quyết định số 2068/QĐ-TTg về Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó nêu rõ định hướng:

Tập trung nguồn lực, khai thác và sử dụng tối đa tiềm năng năng lượng tái tạo trong nước bằng những công nghệ tiên tiến, phù hợp với điều kiện thực tế của từng vùng miền, mang lại hiệu quả cao về kinh tế, xã hội và môi trường. Phát triển mạnh mẽ thị trường công nghệ năng lượng tái tạo, ngành công nghiệp sản xuất máy móc thiết bị, cung cấp dịch vụ năng lượng tái tạo trong nước. Tăng cường mạnh tiềm lực cho nghiên cứu, phát triển, chuyển giao và ứng dụng các dạng năng lượng tái tạo mới”.

Nắm bắt được tầm quan trọng trong việc phát triển năng lượng tái tạo đối với sự phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam, “Hiệp hội điện gió và mặt trời Bình Thuận”  được thành lập với ban chấp hành là các doanh nghiệp lớn trong ngành và các chuyên gia có nhiều năm kinh nghiệm trong các dự án lớn thuộc lĩnh vực công nghiệp dầu khí, năng lượng tái tạo trong và ngoài nước.

 

leftcenterrightdel
 Chuyến đi Caravan tại nhà máy điện mặt trời Phong Phú, Tuy Phong, Bình Thuận

 

Mục tiêu của “Hiệp hội điện gió và mặt trời Bình Thuận” là đồng hành, liên kết tạo một “chuỗi mắt xích bền vững” giúp các doanh nghiệp phát triển và đưa vào vận hành thành công các dự án năng lượng tái tạo và đánh thức tiềm năng to lớn về Năng lượng tái tạo và Điện gió ngoài khơi tại Việt Nam. Điều này sẽ mang đến các lợi ích to lớn cho xã hội từ đầu tư các nhà máy điện và chuỗi cung ứng, sản xuất đến tạo ra hàng triệu việc làm cho người dân; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế “xanh” bền vững; góp phần giảm một lượng lớn phát thải khí Cacbon và nhiên liệu nhập khẩu, điện nhập khẩu, khí đốt tự nhiên, than đá; qua đó góp phần đảm bảo an ninh năng lượng cho đất nước.

  • Thách thức trong đầu tư xây dựng các dự án điện gió tại Việt Nam và giải pháp

Thực hiện chủ trương của Đảng và Chính phủ trong việc khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế, đặc biệt là kinh tế tư nhân tham gia phát triển năng lượng tái tạo. Từ năm 2011 đến nay, Bộ Công thương đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cơ chế bán điện từ các dự án điện năng lượng tái tạo theo Biểu giá bán điện cố định (FIT) trong 20 năm, trong đó có cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời, điện gió. Từ đó, đã tạo ra sự bùng nổ của các dự án điện mặt trời, điện gió, điện gió ngoài khơi mà chủ yếu là các nhà đầu tư tư nhân phát triển.

Tuy nhiên, trên thực tế việc thực hiện hóa chiến lược phát triển các dự án năng lượng điện gió  ở nước ta đang tiến từng bước khá chậm hoặc chưa thật sự tương xứng với tiềm năng hiện có do những rào cản nhất định, khó khăn về pháp lý, kỹ thuật, kinh phí và nhân lực, quá tải đường truyền. Sau hơn 10 năm có chính sách ưu tiên phát triển của Chính phủ, cả nước mới có 12 dự án đưa vào vận hành với tổng công suất 470 MW, chỉ đạt hơn 50% Quy hoạch được duyệt (800 MW vào năm 2020) và chỉ bằng 2.8% so với tổng công suất Điện Mặt trời (16.00 MW).

 

leftcenterrightdel
Chuyến đi Caravan tại nhà máy điện mặt trời Phong Phú, Tuy Phong, Bình Thuận

 

Trong khi đó, vì một số nguyên nhân, cùng với tác động của đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường đang làm chậm tiến độ nhiều dự án điện gió; việc cung ứng thiết bị cũng bị ảnh hưởng nặng nề vì nhiều nhà xưởng trên thế giới phải đóng cửa; giá nhân công trong nước và đặc biệt là giá đền bù giải phóng mặt bằng ngày càng cao. Bên cạnh đó, việc lo lắng điện gió năm 2021 phát triển nóng như Điện mặt trời giữa năm 2019 là khó xảy ra vì vốn đầu tư cao, đòi hỏi chủ đầu tư phải có năng lực tài chính và kinh nghiệm quản lý dự án, thời gia thi công kéo dài từ 1-2 năm cộng với lãi suất ngân hàng và nhiều nguyên nhân khác... khiến doanh nghiệp lĩnh vực này gặp không ít khó khăn...

Để điện gió Việt Nam phát triển xứng tầm với tiềm năng và định hướng của các cơ quan có thẩm quyền đưa ra, “Hiệp hội điện gió và mặt trời Bình Thuận” đã có những kiến nghị như sau:

- Kéo dài thời hạn giá FIT hiện hành đến cuối năm 2022 như các kiến nghị trước đây;

- Sau năm 2022 tiếp tục duy trì giá FIT thay đổi theo thời gian, theo vùng miền để khuyến khích và định hướng đầu tư;

- Sớm ban hành cơ chế đấu giá cho điện gió trên bờ và chính sách phát triển điện gió ngoài khơi, đáp ứng nhu cầu đang rất lớn hiện nay.

leftcenterrightdel
Chương trình quyên góp cho miền Trung của Hiệp hội điện gió và mặt trời Bình Thuận tổ chức

Những thay đổi này sẽ tạo điều kiện thuận lợi giúp các nhà đầu tư giải quyết những khó khăn trước mắt để đưa các dự án đang phát triển vào hoạt động nhằm thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo - một nguồn năng lượng vô tận, bền vững, và hơn hết là nguồn năng lượng an toàn với môi trường cũng như bắt kịp với sự phát triển không ngừng của nền kinh tế nước nhà nói chung và nhu cầu tiêu thụ năng lượng nói riêng. Đặc biệt, phát triển điện gió và điện gió ngoài khơi cần được coi là một trong những hành động ưu tiên của Quốc gia về thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển đến năm 2030. Để đạt được những thành tựu như mong muốn, Việt Nam cần có từng bước thay đổi và thích nghi liên tục trước những chuyển biến khó lường của đại dịch Covid-19, đồng thời cần hoàn thiện cơ sở pháp lý để có được môi trường phù hợp với luật pháp Quốc gia và Quốc tế trong phát triển điện gió ngoài khơi./.

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra