Thủ tướng quyết liệt chỉ đạo
|
Hoạt động kinh doanh vàng gồm: Hoạt động sản xuất, gia công vàng trang sức, mỹ nghệ; hoạt động kinh doanh mua, bán vàng trang sức, mỹ nghệ; hoạt động kinh doanh mua, bán vàng miếng; hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu vàng và các hoạt động kinh doanh vàng khác, bao gồm cả hoạt động kinh doanh vàng trên tài khoản và hoạt động phái sinh về vàng.
|
Theo Nghị định số 24/2012/NĐ-CP ngày 03/4/2012 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng (Nghị định số 24), Ngân hàng Nhà nước (NHNN) là cơ quan thay mặt Chính phủ thống nhất quản lý các hoạt động kinh doanh vàng.
Trước diễn biến phức tạp của trường vàng thế giới và trong nước, ngay từ tháng 12/2023, tại Công điện số 1426/CĐ-TTg về các giải pháp quản lý thị trường vàng, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu NHNN tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, giám sát chặt chẽ, toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm đối với thị trường vàng, hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh vàng, các cửa hàng, đại lý phân phối và mua bán vàng miếng.
Nhận định, thị trường vàng thế giới và trong nước tiếp tục diễn biến phức tạp, giá vàng trong nước biến động mạnh, ảnh hưởng đến sự ổn định, an toàn thị trường tài chính, tiền tệ và tâm lý xã hội, ngày 20/3/2024, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ban hành Công điện số 23/CĐ-TTg về tăng cường các biện pháp quản lý thị trường vàng.
Trong đó, NHNN được giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan "thực hiện ngay việc thanh tra, kiểm tra đối với thị trường vàng, hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh vàng, các cửa hàng, đại lý phân phối và mua bán vàng miếng và các chủ thể khác tham gia thị trường".
Ngày 11/4/2024, Văn phòng Chính phủ cho biết, sau cuộc họp về các giải pháp quản lý thị trường vàng, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu NHNN khẩn trương phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện giải pháp, công cụ điều hành để can thiệp, xử lý tình trạng chênh lệch cao, bảo đảm thị trường ổn định, lành mạnh, công khai, minh bạch, hiệu quả.
Thủ tướng cũng chỉ đạo, NHNN, Thanh tra Chính phủ và các Bộ Công an, Tài chính, Công Thương tiếp tục thực hiện nghiêm công tác nắm tình hình, thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý các hành vi buôn lậu vàng qua biên giới, trục lợi, đầu cơ, thao túng, lợi dụng chính sách găm hàng đẩy giá, gây mất ổn định, an toàn thị trường vàng.
|
|
Thủ tướng yêu cầu thu hồi ngay giấy phép hoạt động đối với doanh nghiệp không thực hiện nghiêm quy định. Ảnh: IT |
Đã có giải pháp ổn định thị trường
Sau khi thông báo từ Văn phòng Chính phủ được phát đi, ngày 12/4/2024, NHNN khẳng định, các phương án can thiệp để ổn định thị trường vàng đã sẵn sàng.
Cơ quan này tiếp tục thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ bằng các giải pháp cụ thể để ổn định thị trường như sau:
Một là, đối với thị trường vàng miếng, thực hiện tăng cung để xử lý tình trạng chênh lệch cao của giá vàng trong nước so với giá vàng thế giới.
Hai là, đối với thị trường vàng trang sức, mỹ nghệ, tiếp tục tạo điều kiện tối đa nhằm đảm bảo đủ nguyên liệu cho các hoạt động sản xuất để xuất khẩu.
Ba là, sẽ phối hợp với các bộ ngành liên quan để thực hiện công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát hoạt động của các doanh nghiệp; xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu vàng qua biên giới, trục lợi, đầu cơ, thao túc giá vàng.
Đồng thời, yêu cầu các doanh nghiệp triển khai sử dụng hoá đơn điện tử trong các giao dịch mua, bán vàng nhằm nâng cao tính minh bạch và hiệu quả.
Một thông tin đáng chú ý từ Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà là, NHNN cùng các bộ, ngành đã thành lập xong Đoàn thanh tra và triển khai thanh tra ngay trong tháng 4/2024.
Nghiên cứu đề xuất sửa đổi Nghị định về quản lý
Nghị định số 24 quy định, Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, xuất khẩu vàng nguyên liệu và nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng.
Hoạt động kinh doanh mua, bán vàng miếng; sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ là hoạt động kinh doanh có điều kiện và phải được NHNN cấp Giấy phép kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất.
Hoạt động phái sinh về vàng của các ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện theo Điều 105 Luật Các tổ chức tín dụng.
NHNN có trách nhiệm xây dựng, trình các cấp có thẩm quyền ban hành chiến lược, kế hoạch về phát triển thị trường vàng và ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý hoạt động kinh doanh vàng.
Theo thông báo kết luận của Thủ tướng sau cuộc họp bàn về giải pháp quản lý thị trường vàng, NHNN được yêu cầu chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp tục nghiên cứu, rà soát, đánh giá kỹ tác động, tổng kết đầy đủ việc thực hiện Nghị định số 24.
Từ đó, đề xuất sửa đổi, bổ sung phù hợp, bảo đảm bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc quản lý thị trường vàng, phù hợp với tình hình thực tiễn, diễn biến kinh tế trong nước, khu vực, quốc tế.
Đồng thời, phải bảo đảm ngăn chặn tình trạng vàng hóa nền kinh tế, không để ảnh hưởng của biến động giá vàng đến tỷ giá, lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô, nâng cao vai trò quản lý và điều tiết thị trường vàng của Nhà nước theo đúng quy định, bảo đảm an ninh kinh tế, an ninh tài chính, tiền tệ quốc gia và trật tự an toàn xã hội.
Thông tin tới báo chí, NHNN cho biết, cơ quan này đã có báo cáo tổng kết và đề xuất sửa đổi, bổ sung nội dung Nghị định số 24 để phát triển thị trường vàng ổn định, lành mạnh, minh bạch, bền vững, không để tình trạng vàng hoá nền kinh tế./.