Năm 2024 sẽ thanh tra hoạt động công vụ, cải cách hành chính

Thứ hai, 13/11/2023 14:57
(ThanhtraVietNam) – Việc xây dựng Kế hoạch thanh tra năm 2024 cần đảm bảo mục tiêu triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả Luật Thanh tra năm 2022 và các nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành Luật; các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ và chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, của Thủ tướng Chính phủ liên quan đến hoạt động thanh tra. Trong đó, các bộ ngành, địa phương phải đưa nội dung thanh tra hoạt động công vụ, cải cách hành chính vào kế hoạch thanh tra.

Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 20/10/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc chấn chỉnh, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động công vụ đã chỉ rõ, thời gian gần đây có tình trạng một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức né tránh, đùn đẩy công việc; sợ sai, sợ trách nhiệm, không dám tham mưu, đề xuất xử lý công việc, không quyết định xử lý các công việc thuộc thẩm quyền dẫn đến quá trình xử lý công việc bị kéo dài, gây lãng phí thời gian, nguồn lực, cơ hội phát triển, làm giảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, gây cản trở công tác chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Còn nhiều cơ quan, đơn vị chưa tiến hành thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động công vụ để phát hiện, chấn chỉnh, xử lý kịp thời nhằm siết chặt kỷ cương, kỷ luật trong thực thi công vụ.

Tại chỉ thị này, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Tổng Thanh tra Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quán triệt và chỉ đạo chặt chẽ công tác thanh tra thuộc phạm vi quản lý nhà nước được giao. Hằng năm, khi xây dựng kế hoạch thanh tra phải có nội dung thanh tra hoạt động công vụ.

Căn cứ Định hướng chương trình thanh tra năm 2024 được Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái phê duyệt, Thanh tra Chính phủ đã ban hành văn bản hướng dẫn các bộ ngành, địa phương xây dựng Kế hoạch thanh tra năm 2024.

leftcenterrightdel
Tổng Thanh tra Chính phủ yêu cầu UBND tỉnh giao Thanh tra tỉnh hướng dẫn thanh tra sở xây dựng dự thảo kế hoạch thanh tra năm 2024. Ảnh: NT 

Theo đó, năm 2024, việc xây dựng Kế hoạch thanh tra cần đảm bảo mục tiêu tăng cường thanh tra công tác quản lý nhà nước và thanh tra trách nhiệm của người đứng đầu, của cán bộ, công chức, viên chức trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ, công vụ được giao, tập trung vào các ngành, lĩnh vực, địa phương có nhiều dấu hiệu vi phạm, tham nhũng, tiêu cực hoặc phát sinh nhiều đơn thư khiếu nại, tố cáo, dư luận xã hội quan tâm.

Thanh tra Chính phủ sẽ thanh tra, kiểm tra hoạt động công vụ, cải cách hành chính trong các cơ quan nhà nước; thanh tra theo chuyên đề đối với công tác thăm dò, khảo sát, quy hoạch, đấu thầu, quản lý, cấp phép, khai thác, vận chuyển đối với các mỏ vật liệu xây dựng, làm rõ các sai phạm của các tổ chức, cá nhân có liên quan để kiến nghị và để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Tiếp tục thanh tra chuyên đề quy hoạch và thực hiện quy hoạch xây dựng; thanh tra chuyên đề việc chấp hành pháp luật về phát hành trái phiếu doanh nghiệp và sử dụng nguồn tiền từ trái phiếu doanh nghiệp.

Đồng thời, thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tập trung thanh tra trên các lĩnh vực quan trọng để góp phần chấn chỉnh công tác quản lý nhà nước, phát hiện, phòng ngừa, xử lý vi phạm và hoàn thiện chính sách, pháp luật trên lĩnh vực được thanh tra; thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ, quyền hạn của UBND cấp tỉnh trong công tác quản lý đầu tư xây dựng, quy hoạch và thực hiện quy hoạch xây dựng; quản lý, sử dụng đất đai, khai thác tài nguyên, khoáng sản; thực hiện pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng.

Với chức năng, nhiệm vụ của mình, Thanh tra Chính phủ sẽ thanh tra các vụ việc phức tạp, liên quan đến trách nhiệm quản lý của nhiều Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND cấp tỉnh; thanh tra lại vụ việc đã có kết luận của Thanh tra Bộ, Thanh tra ở cơ quan thuộc Chính phủ hoặc Thanh tra tỉnh nhưng phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

Thanh tra vụ việc khác theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, theo yêu cầu của Quốc hội, Chính phủ và khi được Thủ tướng Chính phủ giao; thanh tra đột xuất khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật…

Theo hướng dẫn của Thanh tra Chính phủ, các Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND cấp tỉnh cũng sẽ thanh tra, kiểm tra hoạt động công vụ, cải cách hành chính.

Bên cạnh việc triển khai thực hiện theo Định hướng chương trình thanh tra năm 2024, Thanh tra Chính phủ sẽ tham mưu Thủ tướng Chính phủ triển khai kịp thời các chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; Thanh tra Bộ tham mưu Bộ trưởng triển khai kịp thời các chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và Thủ tướng Chính phủ; Thanh tra tỉnh tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh thực hiện tốt chỉ đạo của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh.

Về vấn đề chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp, Thanh tra Chính phủ, các cơ quan thanh tra sẽ phối hợp xử lý theo quy định trong Luật Thanh tra năm 2022, Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 17/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp và theo nguyên tắc, trong 01 năm kế hoạch, không được tiến hành thanh tra, kiểm toán cùng một nội dung tại một đối tượng cụ thể. Trường hợp không trùng về nội dung thì cần thống nhất, tránh chồng chéo về thời gian tiến hành thanh tra, kiểm toán để không ảnh hưởng hoạt động bình thường của đơn vị.
Ngô Tân

TIN LIÊN QUAN

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra