Ngành Tài chính tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát

Thứ hai, 25/03/2024 15:06
(ThanhtraVietNam) - Theo Nghị định mới của Chính phủ, tổ chức thanh tra ngành Tài chính đã được tăng cường. Công tác thanh tra, kiểm tra tài chính phải tiếp tục là công cụ đắc lực, giúp tăng thu, tiết kiệm chi, sử dụng hợp lý có hiệu quả các nguồn lực; kịp thời phát hiện những sơ hở, yếu kém trong công tác quản lý.

Bổ sung 4 Cục được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành

Ngày 11/01/2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 03/2024/NĐ-CP quy định về cơ quan thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành và hoạt động của cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành.

Theo đó, tổ chức thanh tra ngành Tài chính được tăng cường thêm. Cụ thể, có sự thay đổi thành cơ quan thanh tra đối với Kho bạc Nhà nước, Tổng cục Dự trữ Nhà nước và bổ sung 4 Cục thuộc Bộ Tài chính mới được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành.

Như vậy, các cơ quan có chức năng thanh tra thuộc Bộ Tài chính, gồm:

Một là, Thanh tra Bộ Tài chính và 3 cơ quan Thanh tra Tổng cục là: Thanh tra Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Kho bạc Nhà nước (mới), Tổng cục Dự trữ Nhà nước (mới).

Hai là, 5 Cục thuộc Bộ gồm: (1) Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm, (2) Cục Quản lý công sản (mới), (3) Cục Quản lý giá (mới), (4) Cục Quản lý, giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí (mới), (5) Cục Quản lý, giám sát kế toán, kiểm toán (mới).

Ba là, 4 Cục thuộc Tổng cục tại địa phương, gồm: Cục Dự trữ Nhà nước, Cục Hải quan, Cục Thuế, Kho bạc Nhà nước tỉnh và Chi cục thuộc địa phương được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành theo quy định của các luật chuyên ngành.

Với phạm vi quản lý rộng khắp cả nước, ngành Tài chính được Chính phủ cho phép bổ sung, củng cố thêm tổ chức thanh tra để tiếp tục đẩy mạnh, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, giúp Bộ Tài chính thực hiện tốt nhiệm vụ trong công tác quản lý thu, chi ngân sách nhà nước.

Số liệu thống kê cho thấy, năm 2023, Thanh tra Bộ Tài chính và các đơn vị có chức năng thanh tra chuyên ngành thuộc Bộ đã thực hiện hơn 78 nghìn cuộc thanh tra, kiểm tra; tiến hành kiểm tra hơn 748 nghìn hồ sơ khai thuế tại trụ sở cơ quan và 1.124 hồ sơ kiểm tra sau thông quan; kiến nghị xử lý tài chính hơn 107 nghìn tỷ đồng (trong đó, kiến nghị thu hồi nộp hơn 47 nghìn tỷ đồng, xử lý tài chính khác gần 55 nghìn tỷ đồng; xử phạt vi phạm hành chính hơn 5 nghìn tỷ đồng); đã thu nộp ngân sách nhà nước trong kỳ 17.270 tỷ đồng.

Thanh tra Bộ đã ban hành 33 kết luận thanh tra, 4 báo cáo kết quả kiểm tra (bao gồm cả các cuộc thực hiện cuối năm 2022 chuyển sang). Kết quả kiến nghị xử lý tài chính 22.081 tỷ đồng, gồm: Kiến nghị nộp ngân sách nhà nước (NSNN) 21.459 tỷ đồng; nộp các quỹ 56,9 tỷ đồng; giảm trừ dự toán, quyết toán kinh phí, không thanh toán 96 tỷ đồng; giảm lỗ 23 tỷ đồng; kiến nghị khác 442 tỷ đồng; xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 3 tỷ đồng. Các đơn vị đã thực hiện nộp vào NSNN 1.840 tỷ đồng.

leftcenterrightdel
 Chánh Thanh tra Bộ Tài chính Trần Huy Trường tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ 2024

Thực hiện nghiêm quy trình, quy chế

Chánh Thanh tra Bộ Tài chính Trần Huy Trường cho biết, để kịp thời triển khai, hoàn thành nhiệm vụ công tác thanh tra năm 2024 và các năm tiếp theo, Thanh tra ngành Tài chính quyết tâm thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm như sau:

Thứ nhất, công tác thanh tra, kiểm tra tài chính phải tiếp tục là công cụ đắc lực, giúp tăng thu, tiết kiệm chi, sử dụng hợp lý có hiệu quả các nguồn lực; kịp thời phát hiện những sơ hở, yếu kém trong công tác quản lý, đồng thời theo dõi sát diễn biến tình hình kinh tế - xã hội để phân tích, dự báo, kịp thời điều hành, chủ động thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, kịp thời tham mưu, báo cáo Bộ Tài chính đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các giải pháp phù hợp ứng phó với các vấn đề phát sinh trong trường hợp vượt thẩm quyền.

Tăng cường thanh tra, kiểm tra nội ngành, xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực, vi phạm. Nâng cao chất lượng chỉ đạo, kiểm tra, giám sát đối với hoạt động của các Đoàn thanh tra, bảo đảm đúng tiến độ và nội dung thanh tra; đẩy mạnh kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các kết luận, kiến nghị, xử lý sau thanh tra.

Thứ hai, chú trọng công tác phòng, chống tham nhũng, tiếp tục nghiên cứu đổi mới nội dung, phương thức, phương pháp tổ chức hoạt động thanh tra; nêu cao trách nhiệm, kỷ luật, kỷ cương và hiệu quả trong hoạt động thanh tra; đảm bảo thực hiện nghiêm túc Quy định 131-QĐ/TW ngày 27/10/2023 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng và trong hoạt động thanh tra, kiểm toán.

Tăng cường các biện pháp quản lý, kiểm soát nội bộ để khắc phục tình trạng nhũng nhiễu, phiền hà trong giải quyết thủ tục hành chính, giải quyết công việc của tổ chức, cá nhân thuộc chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm quản lý của cơ quan, đơn vị mình.

Tăng cường kiểm tra, giám sát người đứng đầu đơn vị trong việc thực hiện chức trách nhiệm vụ được giao, việc thực hiện các kết luận, chấn chỉnh sau thanh tra, kiểm tra, việc thực hiện các quy định, quy chế về công tác tổ chức cán bộ, nhất là trong việc tuyển dụng, tiếp nhận, bổ nhiệm và luân chuyển cán bộ; Kịp thời phát hiện, chấn chỉnh và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với Thủ trưởng các đơn vị để xảy ra sai phạm, cá nhân công chức có biểu hiện chuyên quyền, độc đoán, thiếu dân chủ và có sai phạm trong công tác quản lý cán bộ.

Thứ ba, thực hiện tốt công tác nội ngành, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao tinh thần trách nhiệm đội ngũ cán bộ công chức trong thực thi công vụ và thực hiện tốt công tác phòng, chống tham nhũng, tiết kiệm chống lãng phí.

Mỗi cán bộ Thanh tra Tài chính phải luôn có ý thức thực hiện nghiêm các Quy trình, quy chế; tham gia Đoàn thanh tra chấp hành kỷ luật của đoàn, không làm cản trở hoạt động của đơn vị thanh tra, sách nhiễu đơn vị.

Ngô Tân

TIN LIÊN QUAN

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
 
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra