Cần nghiêm túc rút kinh nghiệm việc chấp hành trình tự, thủ tục khi tiến hành thanh tra
Thực tế trong thời gian vừa qua, Vụ Kế hoạch - Tổng hợp, Thanh tra Chính phủ đã tổ chức một số đoàn đi kiểm tra việc xây dựng, thực hiện kế hoạch thanh tra và chấp hành các nội dung báo cáo. Sau khi kiểm tra hồ sơ đoàn thanh tra tại các bộ ngành và địa phương, Đoàn Kiểm tra thấy việc chấp hành trình tự thủ tục khi tiến hành thanh tra còn nhiều vấn đề bất cập, chưa đúng quy định tại Thông tư số 05/2014/TT-TTCP quy định về tổ chức, hoạt động, quan hệ công tác của Đoàn thanh tra và trình tự, thủ tục tiến hành một cuộc thanh tra (Thông tư 05) - nay là Thông tư số 06/2021/TT-TTCP quy định về tổ chức, hoạt động của Đoàn Thanh tra và trình tự, thủ tục tiến hành một cuộc thanh tra (Thông tư 06), cần nghiêm túc rút kinh nghiệm.
|
|
Ông Vũ Hồng Khánh, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tổng hợp, Thanh tra Chính phủ hướng dẫn, tập huấn nghiệp vụ tại Thanh tra tỉnh Quảng Trị ngày 21/7/2022. Ảnh: K. Dung |
Nhân chuyến công tác của Công đoàn Thanh tra Chính phủ tại Thanh tra tỉnh Quảng Trị, ông Vũ Hồng Khánh, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tổng hợp, Thanh tra Chính phủ đã có buổi hướng dẫn, tập huấn nghiệp vụ những vấn đề cơ bản về quy trình tiến hành một cuộc thanh tra.
|
|
Toàn cảnh buổi hướng dẫn, tập huấn nghiệp vụ những vấn đề cơ bản về quy trình tiến hành một cuộc thanh tra tại Thanh tra tỉnh Quảng Trị ngày 21/7/2022. Ảnh: K. Dung |
Tại buổi tập huấn, ông Vũ Hồng Khánh đã chỉ ra những hạn chế, bất cập còn tồn tại của nhiều Đoàn thanh tra trong việc chấp hành các quy định về trình tự, thủ tục thanh tra và phương pháp tiến hành một cuộc thanh tra. Cụ thể như sau:
Về chấp hành các quy định về trình tự, thủ tục thanh tra
Thực tiễn kiểm tra hồ sơ một số Đoàn thanh tra cho thấy, có những hồ sơ thiếu các tài liệu như: Nhật ký Đoàn thanh tra, báo cáo tiến độ thanh tra, văn bản thông báo kết thúc thanh tra trực tiếp, văn bản và đề cương yêu cầu đối tượng thanh tra báo cáo, báo cáo kết quả thanh tra của thành viên Đoàn thanh tra gửi Trưởng đoàn thanh tra. Có Đoàn thanh tra chưa phân biệt Biên bản làm việc với Biên bản xác minh, thực hiện sai mẫu biên bản, sử dụng tên biên bản không đúng như: Biên bản thanh tra...
Về hình thức, nội dung 04 văn bản quan trọng (Quyết định thanh tra, Kế hoạch tiến hành thanh tra, Báo cáo kết quả thanh tra, Kết luận thanh tra)
Một số Quyết định thanh tra có hình thức, bố cục và nội dung chưa đúng với mẫu ban hành kèm theo Thông tư 05, 06. Một số Quyết định thanh tra sử dụng câu, từ chưa phù hợp; thừa một số nội dung liên quan đến quyền hạn của Đoàn thanh tra, quyền hạn và nghĩa vụ của đơn vị được thanh tra…
Kế hoạch tiến hành thanh tra của một số Đoàn thanh tra chưa đúng với mẫu ban hành kèm theo Thông tư 05, 06 về: Tiêu đề, cách sử dụng câu, từ chưa phù hợp, bố cục thiếu hoặc thừa nội dung hoặc chưa đúng thứ tự các phần theo mẫu. Ghi Đối tượng thanh tra chưa đúng trong Quyết định thanh tra; một vài đoàn chưa chưa phân biệt đối tượng thanh tra và đối tượng xác minh. Thời kỳ, thời hạn thanh tra còn ghi chưa đúng Quyết định thanh tra;
Bên cạnh đó là tình trạng chi tiết quá nhiều nội dung trong Kế hoạch tiến hành thanh tra dẫn đến thanh tra dàn trải; mâu thuẫn nội dung trong Kế hoạch thanh tra với kết quả kiểm tra, xác minh trong Báo cáo kết quả thanh tra của Đoàn Thanh tra và kết quả kiểm tra, xác minh trong Kết luận thanh tra.
Ngoài ra, một số Đoàn Thanh tra chưa hiểu đúng về phương pháp thanh tra. Đó là cách thức, các biện pháp thu thập thông tin, tài liệu; các biện pháp kiểm tra, xác minh thông tin, tài liệu để làm rõ đúng - sai về các nội dung thanh tra. Nhưng Kế hoạch thanh tra chưa nêu được nội dung này. Trên thực tế, Đoàn thanh tra chỉ thống kê các công việc Đoàn thanh tra phải làm trong quá trình thanh tra và sau khi kết thúc thanh tra trực tiếp. Đây không phải là phương pháp thanh tra.
Báo cáo kết quả thanh tra chưa đúng với mẫu ban hành kèm theo Thông tư 05, 06. Cụ thể: sử dụng văn nói, còn nhiều lỗi chính tả và chưa đúng với mẫu quy định; phần kết quả kiểm tra có đoàn còn thiếu nhiều nội dung so với Kế hoạch thanh tra. Phần Kết quả kiểm tra, xác minh sử dụng nhiều thuật ngữ, câu từ không phù hợp; kết luận nội dung thanh tra còn nặng về định tính, không định lượng (như: Một số, một vài, các, cơ bản, hầu hết, chưa phản ánh hết các nội dung…); có nội dung suy diễn chủ quan… Chưa cá thể hóa trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan đến các vi phạm phát hiện qua thanh tra.
Kết luận thanh tra ban hành cũng chưa đúng với mẫu ban hành kèm theo Thông tư 05, 06. Nội dung một số Kết luận thanh tra được chuyển đổi từ Báo cáo Kết quả thanh tra của Đoàn thanh tra và được thay thế các đề mục, trong đó còn tồn tại những sai sót về câu, từ, lỗi chính tả, bố cục, nội dung… của Báo cáo kết quả thanh tra của Đoàn thanh tra và Kết luận thanh tra.
Trao đổi tại buổi tập huấn, ông Vũ Hồng Khánh đã trả lời một số vướng mắc trong thực tiễn áp dụng Thông tư 06 đối với Thanh tra tỉnh Quảng Trị. Cụ thể: Việc ghi Nhật ký đoàn Thanh tra theo Điều 27 Thông tư 06 có hướng dẫn: “Khuyến khích việc ứng dụng công nghệ thông tin trong việc ghi nhật ký Đoàn Thanh tra”. Tuy nhiên mẫu sổ Nhật ký thanh tra phải theo mẫu và do cơ quan có thẩm quyền ban hành, vậy nên việc áp dụng công nghệ thông tin phải thực hiện như thế nào?
Bên cạnh đó, việc giám sát hoạt động của Đoàn thanh tra theo Điều 29 Thông tư 06 quy định trách nhiệm của người ra quyết định thanh tra, Thủ trưởng cơ quan, đơn vị quản lý trực tiếp công chức tham gia Đoàn thanh tra: Người ra quyết định thanh tra có trách nhiệm giám sát hoạt động của Đoàn thanh tra. Trong trường hợp giao cho công chức thuộc thẩm quyền thực hiện việc giám sát hoặc Tổ giám sát hoạt động của Đoàn thanh tra (gọi chung là người thực hiện giám sát) thì Người ra quyết định thanh tra ban hành Quyết định giám sát theo Mẫu số 33 ban hành kèm theo Thông tư này.” Như vậy, trong trường hợp Người ra quyết định thanh tra có trách nhiệm giám sát hoạt động của Đoàn Thanh tra thì Hồ sơ giám sát có cần phải thực hiện đầy đủ theo Điều 37 không?...
Tăng cường tập huấn, trao đổi nghiệp vụ, nhất là về nội dung chấp hành trình tự thủ tục khi tiến hành thanh tra có thực sự cần thiết?
Khi được hỏi về nội dung này, các cán bộ, công chức Thanh tra tỉnh Quảng Trị, Thanh tra tỉnh Nghệ An đều xác định việc tăng cường tập huấn, trao đổi nghiệp vụ, nhất là về nội dung chấp hành trình tự thủ tục khi tiến hành thanh tra là nhiệm vụ hết sức quan trọng. Qua đó trang bị kiến thức, kỹ năng, phương pháp cho đội ngũ cán bộ, thanh tra viên trên địa bàn toàn tỉnh, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ về công tác thanh tra, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm trong thực tế để có cách làm hay, hiệu quả nhằm đảm bảo cho các Đoàn thanh tra hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Xác định được sự cần thiết và vai trò quan trọng của công tác tập huấn, trao đổi nghiệp vụ thanh tra, trọng tâm là việc chấp hành trình tự thủ tục khi tiến hành thanh tra theo văn bản hướng dẫn mới nhất hiện nay là Thông tư 06; Thanh tra tỉnh Nghệ An đã ban hành Quyết định số 57/QĐ-TTR ngày 26/01/2022 ban hành Kế hoạch tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2022, trong đó nêu rõ trách nhiệm của Thanh tra tỉnh là tuyên truyền phổ biến các văn bản pháp luật về thanh tra, khiếu nại, tố cáo, tiếp công dân và phòng, chống tham nhũng thông qua các tin, bài viết, chuyên đề trên Cổng thông tin điện tử của Thanh tra tỉnh; cử báo cáo viên tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật hỗ trợ công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cấp cơ sở; tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ công chức trong ngành Thanh tra,... Trên cơ sở đó, Thanh tra tỉnh Nghệ An yêu cầu Thanh tra các sở, ban, ngành, huyện, thành phố, thị xã xây dựng kế hoạch tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2022 tại đơn vị mình.
Một số giải pháp khắc phục những khó khăn, vướng mắc còn tồn tại trong việc chấp hành trình tự thủ tục khi tiến hành thanh tra tại các địa phương nói riêng và cả nước nói chung, qua đó nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra toàn ngành
Chia sẻ về nội dung này, ông Vũ Hồng Khánh, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tổng hợp, Thanh tra Chính phủ nhấn mạnh: Muốn tổ chức tốt Đoàn thanh tra thì việc đầu tiên mọi hoạt động của Đoàn thanh tra phải chấp hành nghiêm trình tự, thủ tục được quy định tại Thông tư 06.
Đồng tình với quan điểm của ông Vũ Hồng Khánh, Thanh tra tỉnh Nghệ An và Thanh tra tỉnh Quảng Trị cho rằng cơ quan thanh tra các cấp cần thực hiện một số giải pháp như sau:
Thứ nhất, cần tăng cường công tác tuyền truyền, tập huấn, bồi dưỡng, trao đổi nghiệp vụ để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ về thanh tra; nghiên cứu kỹ các quy định của Luật Thanh tra năm 2010, các văn bản hướng dẫn và quy trình nghiệp vụ thanh tra để có kỹ năng pháp lý, am hiểu pháp luật và biết cách khai thác, sử dụng pháp luật trong công tác thanh tra.
Thứ hai, mỗi thành viên Đoàn thanh tra luôn có sự phối hợp chặt chẽ với đồng nghiệp, giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất, kỷ luật, kỷ cương hành chính để vừa nâng cao hiệu quả công tác của bản thân, vừa phục vụ tích cực cho hoạt động, mục tiêu chung của Đoàn Thanh tra.
Thứ ba, trong quá trình tiến hành thanh tra phải bám sát các quy định của Thông tư 06, đặc biệt là vận dụng hệ thống các biểu mẫu kèm theo để thực hiện đúng quy định đối với các văn bản của Đoàn thanh tra.
Thứ tư, tăng cường công tác giám sát hoạt động Đoàn thanh tra để góp phần tích cực nâng cao hiệu quả hoạt động của Đoàn thanh tra, nâng cao vị trí, vai trò thanh tra trong bối cảnh yêu cầu ngày càng cao của Đảng và Nhà nước ta đối với hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước. Trong quá trình giám sát, xem xét, kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc, kiến nghị có liên quan đến hoạt động Đoàn thanh tra (nếu có), tạo điều kiện thuận lợi để Đoàn thanh tra hoàn thành nhiệm vụ.
Thứ năm, tăng cường kiểm tra trách nhiệm của thủ trưởng các cấp, các ngành trong việc thực hiện pháp luật về thanh tra để từ đó phát hiện và chấn chỉnh kịp thời các tồn tại, hạn chế, sai sót trong quá trình tiến hành cuộc thanh tra.
K. Dung (thực hiện)